Nặng lòng với văn hóa dân tộc

06:07, 15/07/2019

Trăn trở với việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, ông Pang Ting Mút - Trưởng nhóm cồng chiêng Tổ dân phố Bon Ðưng I (thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương) đã và đang cố gắng giữ gìn các giá trị văn hóa bản địa không bị mai một.

Trăn trở với việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, ông Pang Ting Mút - Trưởng nhóm cồng chiêng Tổ dân phố Bon Ðưng I (thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương) đã và đang cố gắng giữ gìn các giá trị văn hóa bản địa không bị mai một.
 
Ông Pang Ting Mút luôn trăn trở với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc bản địa. Ảnh: V.H
Ông Pang Ting Mút luôn trăn trở với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc bản địa. Ảnh: V.H
Sinh ra dưới chân núi LangBiang hùng vĩ, lớn lên theo những điệu cồng tiếng chiêng âm vang núi rừng, đối với ông Pang Ting Mút, đây là bản sắc văn hóa đặc sắc của cha ông để lại cần được giữ gìn và phát triển. Thế nhưng, theo thời gian, tiếng cồng chiêng hòa trong những đêm xoay quanh bếp lửa bập bùng dần thưa thớt khiến người con của núi Bà đau đáu về sự mai một của văn hóa dân tộc. 
 
Vậy là, hơn 20 năm trước, khi cuộc sống của người dân quanh núi còn bao khó khăn, chật vật, ông Pang Ting Mút đã mạnh dạn thành lập nhóm cồng chiêng Đang Jrung. Được sự ủng hộ của các già làng và chính quyền địa phương, ông tập hợp một số thanh niên trong buôn làng dạy họ đánh chiêng, chơi cồng, thổi tù và, kèn bầu, múa, hát... Từ những buổi học này, ông và những người biết chơi cồng chiêng đã gieo vào lòng những người trẻ niềm tự hào về giá trị văn hóa của cha ông để lại. Để rồi, từ lúc nào, ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc dần hình thành trong thanh thiếu niên tại địa bàn.
 
Nhóm cồng chiêng Đăng Jrung ngoài những giờ luyện tập dần làm quen với việc đón du khách gần xa. Cùng với những thanh niên bắt đầu say mê cồng chiêng, ông Pang Ting Mút tập hợp những nghệ nhân am hiểu về văn hóa truyền thống để biểu diễn các loại nhạc cụ dân tộc, hát dân ca, giới thiệu về phong tục tập quán bản địa. Và những đêm giao lưu cồng chiêng đã làm bừng sáng lại vùng núi LangBiang, hơn thế còn tạo thu nhập cho một bộ phận người dân từ chính cội nguồn văn hóa. Nhóm cồng chiêng Đăng Jrung hiện tạo công ăn việc làm cho khoảng 30 người. Cil Đuynh - chàng trai 20 tuổi nhưng đã có gần 5 năm gắn bó với cái cồng, cái chiêng ngày vẫn đi làm rẫy, đêm về lại háo hức tham gia biểu diễn cồng chiêng tại nhóm cồng chiêng Đăng Jrung. “Ngoài việc có thêm thu nhập, mình được thỏa sức với những điệu múa cồng chiêng đã được cha ông lưu giữ bao đời nay, để nét đẹp này mãi được lưu truyền không bị mai một”, Cil Đuynh chia sẻ. 
 
Từ việc giới thiệu, quảng bá góp phần bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc bản địa, mỗi năm nhóm cồng chiêng Đăng Jrung của ông Pang Ting Mút đóng góp vào ngân sách nhà nước hơn 50 triệu đồng, một số tiền không nhỏ đối với một người dân tộc thiểu số ở địa phương. Kinh phí thu được từ hoạt động biểu diễn cồng chiêng phục vụ khách du lịch, ngoài thù lao trả cho các nghệ nhân tham gia, một phần ông để trang trải cuộc sống gia đình, phần còn lại ông đầu tư vào việc sưu tầm, lưu giữ các loại nhạc cụ, các vật dụng dùng trong sinh hoạt của cha ông ngày trước. “Bên cạnh việc trưng bày, giới thiệu đến du khách những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc, tôi muốn qua đó giáo dục thế hệ trẻ hiểu biết về văn hóa truyền thống của ông bà xưa. Và đặc biệt là góp phần xây dựng ý thức bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa cho thế hệ trẻ”, vừa chỉ tay vào không gian sưu tập các loại nhạc cụ dân tộc, ông Pang Ting Mút cho hay. 
 
Cùng với hoạt động truyền dạy và giao lưu, nhóm cồng chiêng Đăng Jrung còn thường xuyên tham gia biểu diễn phục vụ các hoạt động của địa phương. Với ông Pang Ting Mút và các nhóm cồng chiêng trên địa bàn, mong muốn được nhà nước quan tâm quy hoạch, đầu tư xây dựng một làng văn hóa cổ K’Ho luôn đau đáu. Để ở đó, các nhóm cồng chiêng tham gia vào các hoạt động trong làng nhằm mang đến cho khách du lịch những giá trị văn hóa mang tính nguyên gốc, tính bản địa, đồng thời tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân như hiện nay.
 
VIỆT HÙNG