Tập trung xây dựng nền tảng công nghệ phát triển Chính quyền điện tử

06:07, 29/07/2019

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa trình Chính phủ bản dự thảo hoàn chỉnh để có thể ban hành khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam (phiên bản 2.0). 

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa trình Chính phủ bản dự thảo hoàn chỉnh để có thể ban hành khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam (phiên bản 2.0). Với phiên bản 1.0 được thực hiện từ năm 2017, ở thời điểm hiện tại Lâm Đồng đang tập trung mọi nguồn lực để hoàn thiện nền tảng công nghệ và sẵn sàng đưa vào vận hành kiến trúc Chính quyền điện tử Lâm Đồng phiên bản 2.0 ngay sau khi có quyết định ban hành của Chính phủ và UBND tỉnh.
 
Hiện tại Lâm Đồng đã có mạng truyền dẫn cáp quang, phủ sóng di động, cung cấp dịch vụ internet đến 100% trung tâm huyện, xã.
 
Mạng truyền số liệu chuyên dùng dành riêng cho các cơ quan Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh cũng được cáp quang hóa đồng loạt đến 59 cơ quan cấp tỉnh, huyện và 147 điểm cấp xã. Thêm vào đó, hệ thống cáp quang, internet băng thông rộng cũng như các dịch vụ viễn thông khác đã được xây dựng và cung cấp đến tất cả các điểm xã trong tỉnh, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu kết nối của các tổ chức và cá nhân khi có nhu cầu.
 
Hệ thống mạng CAMPUS Trung tâm Hành chính tỉnh gồm: 54 đơn vị (18 đơn vị cấp sở, 36 đơn vị trực thuộc sở) hoạt động trong khu hành chính tập trung với trên 1.700 người dùng, 54 máy chủ tập trung, 37 đường kết nối internet FTTH do Trung tâm quản lý Cổng thông tin điện tử quản lý.
 
Cổng thông tin điện tử của tỉnh Lâm Đồng đã tích hợp triển khai liên thông, thống nhất 64 trang thông tin điện tử thành viên, gồm: Tỉnh ủy, các ban chuyên môn của khối Đảng, Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, khối cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, hệ thống thư công vụ của tỉnh cũng cung cấp trên 6.500 tài khoản thư điện tử công vụ (mỗi địa chỉ cá nhân có dung lượng 4Gb, tổ chức 10Gb) cho các tổ chức, cá nhân trong toàn bộ hệ thống chính trị từ tỉnh đến xã.
 
Lâm Đồng cũng có một hệ thống phục vụ hội nghị truyền hình trực tuyến sử dụng đường truyền cáp quang đã được triển khai lắp đặt tại 33 điểm cầu trên địa bàn toàn tỉnh, đảm bảo điều kiện về kỹ thuật cho tất cả các cuộc họp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh với các đơn vị trong tỉnh. Bên cạnh đó, hệ thống camera giám sát công cộng cũng đang ngày được hoàn thiện với độ phủ rộng do Trung tâm thông tin chỉ huy (Công an tỉnh) chủ trì triển khai, góp phần phục vụ hiệu quả cho công tác an ninh trật tự trên địa bàn.
 
Việc xây dựng nền tảng công nghệ để phát triển Chính quyền điện tử cũng được UBND tỉnh đặc biệt chú trọng. 
 
Theo ông Lê Thanh Liêm - Phó Giám đốc Sở TT&TT: “Hiện nay, 100% cơ quan, đơn vị Nhà nước đã được trang bị phần mềm quản lý văn bản và điều hành. Trong đó, phần mềm quản lý điều hành văn bản điện tử tại UBND tỉnh đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương qua Trục liên thông văn bản quốc gia. Ở Lâm Đồng, trục kết nối liên thông văn bản điện tử cũng đã hoàn thiện và kết nối đến toàn bộ cơ quan từ cấp tỉnh tới xã từ năm 2017”.
 
“Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh được xây dựng tập trung, thống nhất để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn”, ông Liêm cho biết thêm.
 
Mọi cá nhân, tổ chức đều có thể nộp hồ sơ trực tuyến tại địa chỉ: http://dichvucong.lamdong.gov.vn. Cổng Dịch vụ công này được xây dựng đáp ứng đầy đủ các chức năng và yêu cầu theo kỹ thuật quy định. 
 
Hệ thống điện tử tiếp nhận ý kiến khảo sát của người dân, doanh nghiệp về chất lượng dịch vụ hành chính công: với chức năng chính là tiếp nhận ý kiến khảo sát mức độ hài lòng của tổ chức, công dân về chất lượng dịch vụ hành chính công thông qua bảng khảo sát trong hệ thống; sử dụng phương pháp phỏng vấn những người đã từng sử dụng các thủ tục hành chính hoặc các dịch vụ công như xây dựng, y tế, giáo dục... cũng đã được triển khai thí điểm tại các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và 3 đơn vị cấp xã thuộc TP.Đà Lạt tại địa chỉ: http//khaosatdichvucong.lamdong.gov.vn.
 
Riêng tại Đà Lạt, đã ứng dụng cung cấp dịch vụ hành chính công trên nền tảng thiết bị di động, hệ thống phần mềm “Đà Lạt trực tuyến - iGov Connect”, kết nối người dân - chính quyền. Thông qua dịch vụ này, người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện các thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa nhưng qua môi trường mạng như: nộp hồ sơ, bốc số thứ tự, theo dõi quầy bốc số, tra cứu nhanh trạng thái hồ sơ, đánh giá thái độ phục vụ của nhân viên tiếp nhận hồ sơ, phản ánh kiến nghị của người dân đến các cơ quan chức năng UBND thành phố. Đồng thời người dân và doanh nghiệp cũng có thể phản ánh trực tiếp đến cơ quan chức năng bằng hình ảnh hiện trường về các vấn đề như: an ninh trật tự, xây dựng trái phép, lấn chiếm lòng lề đường, vệ sinh môi trường, giá cả thị trường...
 
Một trong những vấn đề quan trọng trong việc xây dựng nền tảng công nghệ đó là vấn đề an toàn và an ninh thông tin cũng được Sở TT&TT thường xuyên bố trí nhân sự không để xảy ra sự cố, gián đoạn hệ thống, đảm bảo an toàn an ninh thông tin cho hệ thống mạng Trung tâm Hành chính tỉnh, Hệ thống Cổng thông tin điện tử, Thư điện tử công vụ và máy chủ của các sở, ban, ngành.
 
Tổ giúp việc về mặt kỹ thuật cho Ban chỉ đạo 94 đã có nhiều biện pháp hiệu quả ngăn chặn các trang thông tin điện tử và blog có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước. Kịp thời phát hiện và xử lý những trường hợp sử dụng internet với mục đích xấu sai quy định.
 
Có thể nói, thời gian vừa qua các hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý điều hành của các cơ quan nhà nước tiếp tục được sử dụng và triển khai mở rộng, đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp. Điều này đã góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, minh bạch hóa thông tin, tiết kiệm thời gian, chi phí phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn.
 
LINH ĐAN