Thực thi Luật Giáo dục nghề nghiệp tại Lâm Ðồng - những vấn đề đặt ra

07:07, 03/07/2019

Trong những năm qua, hoạt động giáo dục nghề nghiệp của tỉnh đã được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo sâu sát, nhận được sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị...

Trong những năm qua, hoạt động giáo dục nghề nghiệp của tỉnh đã được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo sâu sát, nhận được sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị. Các chính sách về giáo dục nghề nghiệp được triển khai đồng bộ, hiệu quả, hoạt động đào tạo gắn với hỗ trợ tìm việc làm sau học nghề được quan tâm, các trường nghề phối hợp tốt với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo, góp phần đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường lao động.
 
Đoàn giám sát Quốc hội làm việc tại Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt. Ảnh: N.Thu
Đoàn giám sát Quốc hội làm việc tại Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt. Ảnh: N.Thu
 
Kết quả thống kê của UBND tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2015 - 2018, từ khi Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực, tổng số người học nghề tốt nghiệp trong toàn tỉnh là 157.650 người. Trong đó, hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp là trên 68 ngàn người, chiếm tỷ lệ 43%, với hệ công lập là trên 42 ngàn người. Riêng số người học nghề tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ chiếm 56,76%.
 
Trong đó, số người đào tạo theo hệ cao đẳng chiếm 1,75%, tương đương khoảng 2.763 người, trung cấp chiếm tỷ lệ 2,37%, sơ cấp chiếm tỷ lệ 20,27% và đào tạo theo hệ khác là 75,61%. Như vậy, trình độ đào tạo theo nhóm được cấp bằng trung cấp giảm hơn 1.300 người so với các năm trước đây. Nhóm ngành nghề được đăng ký học nhiều nhất tại Lâm Đồng vẫn là ngành Nông lâm nghiệp với khoảng trên 93 ngàn người, chiếm 59%, công nghiệp xây dựng chiếm 21% và Dịch vụ chiếm 19%.
 
Theo ghi nhận, nhìn chung trong 4 năm qua, lao động được đào tạo nghề trong tỉnh đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng giảm lao động nông nghiệp đơn thuần, tăng lao động trong khối ngành dịch vụ, công nghiệp, xây dựng.
 
Hệ thống mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp toàn tỉnh Lâm Đồng tính đến nay có 39 cơ sở hoạt động.Trong đó có 5 trường cao đẳng công lập, 2 trường trung cấp ngoài công lập, 19 trung tâm và 13 cơ sở ngoài công lập cùng tham gia đào tạo nghề hệ sơ cấp. Tổng kinh phí đầu tư giai đoạn 2015 - 2019 cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp công lập là 152 tỷ đồng. Trong đó, khối các trung tâm là 20 tỷ đồng, khối các trường cao đẳng thuộc tỉnh là 131 tỷ đồng.
 
Hoạt động nghiên cứu tại Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt. Ảnh: Trần Xuân Tình
Hoạt động nghiên cứu tại Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt. Ảnh: Trần Xuân Tình
 
Thực tế, hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh có trên 1.000 cán bộ quản lý, giáo viên. Theo Thông tư 03/2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức ngành giáo dục nghề nghiệp thì tỷ lệ giáo viên dạy nghề tỉnh Lâm Đồng chủ yếu thuộc hạng III và IV. Thực tế, một số tiêu chuẩn chưa đảm bảo như về trình độ ngoại ngữ, bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, đề tài nghiên cứu, biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy, thiếu chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Đây cũng là một bất cập được các nhà quản lý nêu ra. 
 
Tại buổi làm việc mới đây với Đoàn Giám sát của Quốc hội, đại diện các nhà quản lý cũng nêu lên những tồn tại, khó khăn trong giáo dục nghề nghiệp hiện tại của Lâm Đồng như đa số nhận thức của người dân về vấn đề học nghề để tạo việc làm còn hạn chế, coi nhẹ việc học nghề, chủ yếu vẫn còn tâm lý muốn con em mình vào các trường đại học. Công tác tuyển sinh tại các trường nghề còn gặp khó khăn do cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu dạy và học. Trang thiết bị phục vụ nhu cầu dạy nghề và học nghề còn hạn chế do thiếu kinh phí đầu tư từ Trung ương, kinh phí địa phương còn hạn hẹp.
 
Đại diện UBND tỉnh, Phó Chủ tịch Phan Văn Đa cũng kiến nghị với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội về việc đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường nguồn lực hỗ trợ đầu tư cho các trường được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm. Đặc biệt, đề nghị quan tâm đầu tư cho Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt đạt trường chất lượng cao đến năm 2020. Hỗ trợ nguồn lực tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý đảm bảo tiêu chuẩn quy định và phát triển đội ngũ nhà giáo trong dạy nghề hội đủ các tiêu chuẩn cần và đủ theo yêu cầu mới của Trung ương. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp của tỉnh trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong giai đoạn hiện nay.
 
Ghi nhận, đánh giá về công tác thực thi Luật Giáo dục nghề nghiệp tại Lâm Đồng, PGS, Tiến sĩ Triệu Thế Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cho rằng: Công tác đào tạo nghề, việc phân luồng học sinh được Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương quan tâm, đây là chủ trương đúng đắn nhằm tiếp tục đầu tư tạo nguồn lao động chất lượng cao cho đất nước khi nước ta vẫn là nước đang phát triển, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa nhiều, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp hóa - hiện đại hóa, chưa bắt kịp xu hướng thế giới. Theo đó, đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng nên có sự tính toán hợp lý về việc phân luồng hàng năm, tránh gây lãng phí thời gian của học sinh, lãng phí tiền của của Nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về đào tạo nghề. Các trường nghề cần tập trung đầu tư dạy nghề có trọng tâm, trọng điểm với những ngành trọng điểm phù hợp xu hướng phát triển của địa phương. Tăng cường mối quan hệ giữa doanh nghiệp - nhà trường theo hướng đôi bên cùng có lợi, tránh trường hợp đào tạo cứ đào tạo, còn đầu ra không có việc làm, doanh nghiệp thì không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu. Phía cơ quan chính sách tham mưu xây dựng luật, chúng tôi sẽ tiếp thu các kiến nghị đề xuất hợp lý về những trường nghề mang tính đặc thù để có những chính sách đặc thù phù hợp thực tế tại các địa phương, để Luật Giáo dục nghề nghiệp đi vào cuộc sống. 
 
NGUYỆT THU