Thiết thực hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số

07:07, 05/07/2019

Nhiều năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ðức Trọng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương. 

Nhiều năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ðức Trọng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) phát triển kinh tế, giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương. 
 
Từ những việc làm thiết thực của các cấp Hội Phụ nữ trong huyện đã góp phần thay đổi nhận thức của chị em, nhất là phụ nữ đồng bào DTTS. (Trong ảnh: Từ lúc chuyển từ trồng lúa 1 vụ sang trồng dâu nuôi tằm, cuộc sống của gia đình chị Ka Nghiều - xã N’Thol Hạ, đã ổn định hơn). Ảnh: T.Vũ
Từ những việc làm thiết thực của các cấp Hội Phụ nữ trong huyện đã góp phần thay đổi nhận thức của chị em, nhất là phụ nữ đồng bào DTTS. (Trong ảnh: Từ lúc chuyển từ trồng lúa 1 vụ sang trồng dâu nuôi tằm, cuộc sống của gia đình chị Ka Nghiều - xã N’Thol Hạ, đã ổn định hơn). Ảnh: T.Vũ
 
Đức Trọng là huyện nông thôn miền núi, dân số hơn 180 ngàn người, trong đó có 36.437 phụ nữ; riêng phụ nữ DTTS là 7.187 người, chiếm 32% tổng số phụ nữ toàn huyện. Chị em phụ nữ DTTS trên địa bàn huyện chủ yếu làm nông nghiệp nên đời sống kinh tế nói chung còn gặp nhiều khó khăn. 
 
Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đức Trọng, để giúp chị em phụ nữ phát triển về mọi mặt, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đức Trọng đã chú trọng công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo; vận động chị em xóa bỏ những hủ tục, tập quán lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi, nạn tảo hôn, hôn nhận cận huyết thống. Nhờ được tuyên truyền nên nhận thức của chị em phụ nữ đồng bào DTTS trên địa bàn huyện ngày càng được nâng lên.
 
Với phương châm “Hướng về cơ sở”, “Mỗi cơ sở một hoạt động, mỗi hội viên một việc làm”, Hội Phụ nữ huyện đã triển khai phong trào “Ðồng hành cùng phụ nữ vùng sâu, vùng khó khăn”, xây dựng các mô hình “Kết nghĩa giữa chi hội phụ nữ người DTTS và Chi hội phụ nữ người Kinh”, “Kết nghĩa giữa hộ gia đình người Kinh với hộ gia đình người đồng bào DTTS”, hay mô hình “5 giúp 1”...
 
Qua việc triển khai thực hiện các mô hình, Hội Phụ nữ huyện Đức Trọng đã hỗ trợ phụ nữ DTTS phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc, tăng cường bình đẳng giới. 
 
Nhằm giúp chị em phụ nữ có vốn phát triển kinh tế, Hội đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho hội viên phụ nữ vay đạt tổng dư nợ hơn 131 tỷ đồng với 5.431 hộ vay, trong đó có 1.918 hộ là người đồng bào DTTS. Ngoài ra, Hội còn vận động hơn 5 nghìn hội viên phụ nữ trong huyện tham gia các loại hình tiết kiệm với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng; giúp cho 1.800 hội viên được vay vốn không tính lãi hoặc lãi suất thấp để phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời, các cấp Hội Phụ nữ trong huyện còn giúp đỡ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ đồng bào DTTS về ngày công lao động, cây giống để phát triển kinh tế. Nhờ có vốn, cộng với sự hỗ trợ của các hội viên nên nhiều hộ hội viên phụ nữ nghèo, phụ nữ vùng đồng bào DTTS đã có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, trong 5 năm qua, đã có 245 hộ phụ nữ làm chủ hộ vươn lên thoát nghèo.
 
Cùng với việc hỗ trợ về nguồn vốn, Hội Phụ nữ huyện Đức Trọng còn phối hợp với ngành chức năng hướng dẫn, hỗ trợ các hộ gia đình, phụ nữ nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến nông, khuyến lâm. Qua đó, đã phát huy hiệu quả mô hình “Phụ nữ chuyển đổi lúa một vụ sang trồng cây có giá trị kinh tế” tại vùng đồng bào DTTS như N’Thol Hạ, Tà Hine, Tà Năng, Đa Quyn... Chị Ka Nghiều (xã N’thol Hạ) - điển hình trong việc chuyển đổi hiệu quả từ trồng lúa sang trồng dâu nuôi tằm cho biết: “Từ lúc chuyển từ 2 sào trồng lúa sang trồng dâu nuôi tằm, thu nhập của gia đình tôi đã cao hơn hẳn, từ đó, kinh tế gia đình cũng ổn định hơn, không còn vất vả như trước nữa”.
 
Đặc biệt, trong 5 năm qua, Hội phụ nữ huyện Đức Trọng còn vận động, hỗ trợ xây dựng được 5 căn nhà tình thương cho phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân, khuyết tật với tổng trị giá xây dựng 5 căn nhà là 250 triệu đồng và sửa chữa 8 căn nhà với tổng trị giá gần 100 triệu đồng.
 
Từ những việc làm thiết thực của các cấp Hội Phụ nữ trong huyện đã góp phần thay đổi nhận thức của chị em, nhất là phụ nữ đồng bào DTTS, giúp chị em xóa bỏ dần tư tưởng tự ti, trông chờ, ỷ lại. Chị em phụ nữ đồng bào DTTS đã chủ động đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, nhiều hộ gia đình phụ nữ DTTS đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần đáng kể vào công tác giảm nghèo của địa phương. Hiện, toàn huyện chỉ còn 480 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,05%, trong đó, có 295 hộ nghèo là đồng bào DTTS. Kinh tế phát triển, chị em có điều kiện đóng góp công sức, tiền của để tham gia các phong trào do địa phương phát động, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng huyện Đức Trọng đạt tiêu chí huyện nông thôn mới.
 
THY VŨ