Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em DTTS

06:07, 29/07/2019

Cứ mỗi dịp hè đến, sinh viên tình nguyện Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt lại đến những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn để hỗ trợ các em học sinh ở đây tăng cường các kỹ năng đọc, viết tiếng Việt.

Cứ mỗi dịp hè đến, sinh viên tình nguyện Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Đà Lạt lại đến những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn để hỗ trợ các em học sinh ở đây tăng cường các kỹ năng đọc, viết tiếng Việt.
 
Bên cạnh đó, một số em còn được hướng dẫn các phép toán
Bên cạnh đó, một số em còn được hướng dẫn các phép toán
 
Tiếp nối truyền thống từ nhiều năm trước, năm nay, trong Chiến dịch Mùa hè xanh, sinh viên Trường CĐSP Đà Lạt đặt chân đến xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng. Một trong những nhiệm vụ cần hoàn thành là tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS tại Trường Tiểu học Đăng Srõn. 
 
Cô Võ Thị Hồng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đăng Srõn (xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng) cho biết, năm học 2018 - 2019, nhà trường có 80 em học sinh lớp 1 lên lớp 2. Do số lượng học sinh/lớp khá đông nên trong quá trình giảng dạy của thầy cô, dù đã rất cố gắng nhưng hiện một số em vẫn còn hạn chế về khả năng phát âm, đọc, viết. Thêm vào đó ở độ tuổi còn nhỏ, khả năng tiếp thu vẫn còn hạn chế, ở môi trường sống tại buôn làng lại không thường xuyên tiếp xúc với tiếng Việt nên nhiều em dễ bị quên, tái mù.
 
“Bắt đầu mỗi năm học, nhà trường cùng với giáo viên cũng có những giải pháp để tăng cường tiếng Việt cho các em. Nhưng những mùa hè được sự giúp sức của các bạn sinh viên như thế này thì tốt quá, hỗ trợ tích cực nhà trường trong việc giáo dục các em. Mình cũng đã có trao đổi trước về tình trạng của các em, tư vấn các phương pháp phù hợp để giúp các bạn dạy tốt hơn”, cô Hồng chia sẻ.
 
Lúc chúng tôi ghé thăm, lớp học của các em đã bước vào những ngày cuối. Từng tiếng ê a vang lên khe khẽ trong lớp học giữa ngày hè thanh vắng. Ở đó, có em đang tỉ mỉ viết từng nét chữ, có em đang chăm chú nhìn vào sách, đánh vần theo sự hướng dẫn của các thầy cô - những sinh viên tình nguyện. 
 
Học theo phương pháp VNEN nên mỗi nhóm chỉ gồm 4 em học sinh, do 1 bạn sinh viên phụ trách. Những gương mặt non nớt với ánh mắt trong trẻo, ngây thơ, mỗi bàn tay nhỏ đều cầm bút rất chặt. Lật xem các trang viết đã hoàn thành, chúng tôi nhận ra từng nét chữ ghì chặt trên giấy, in hằn phía sau mặt giấy rất rõ. Chắc hẳn các em đã phải khá khó khăn để hoàn thành. “Em thích làm toán, thích bảng cửu chương hơn, chứ viết chữ này khó lắm”, K’Ju Les, cậu học trò nhỏ nói. Nói là khó vậy nhưng em vẫn cố gắng ngồi nắn nót theo hàng chữ mẫu, xong lại lấy sách tập đọc. 
 
Bạn Phạm Thị Hồng Vân (sinh viên năm 3 Khoa Sư phạm Tiểu học, Trường CĐSP Đà Lạt) cho biết, hiện nay, các bạn sinh viên cũng đỡ vất vả hơn những buổi học đầu tiên rất nhiều. Đa phần các em là học sinh DTTS, rất ngoan và nghe lời, tập trung làm theo những gì đã hướng dẫn. Nhưng cũng vì là học sinh DTTS nên khả năng tiếp thu của các em còn khá chậm. Một số em mất căn bản, như một tờ giấy trắng khiến các bạn sinh viên phải theo sát, chỉ bảo từng li, từng tí một. Một số em sau thời gian thành thạo tiếng Việt thì được chuyển sang ôn tập toán, để các em không quên khi bước vào năm học mới.
 
“Dù đã có thời gian đi kiến tập trong năm học rồi nhưng với lớp học này lại hoàn toàn khác. Một vài em không nhận diện được mặt chữ nên chúng em phải dạy đánh vần lại từ đầu trước rồi mới có thể học viết được. Nhiều lúc cũng khá thiếu kiên nhẫn và có phút nản lòng nhưng rồi phải tự cố gắng giúp các em rèn giũa, cố gắng hỗ trợ căn bản cho các em”, bạn Huỳnh Nguyễn Diệu Trinh chia sẻ.
 
Dẫu chỉ là lớp học thêm vào hè, nhưng chúng tôi nhận ra các em đều được cha mẹ mặc cho đồng phục của trường hay bộ quần áo mới, tươm tất. Điều này chứng tỏ nhiều cha mẹ đã quan tâm hơn đến việc học tiếng Việt của các em. “Có phụ huynh đi qua thấy lớp học đã chủ động vào hỏi để xin cho con tham gia. Hoặc có người, chắc vì thấy thương các anh chị đã dạy học miễn phí cho con em mình mà mua nước mía, bánh trái lên để cảm ơn. Chúng em cũng chỉ dám nhận những món quà thế này để thấy lòng mình ấm hơn, thấy ý nghĩa từ công việc mình đang làm”, Lê Trần Quang Lưu, Đội phó Đội Mùa hè xanh Trường CĐSP Đà Lạt tâm sự.
 
Đối với các bạn sinh viên tình nguyện, bên cạnh ý nghĩa của một hoạt động hỗ trợ cộng đồng, việc dạy tăng cường tiếng Việt cho các em học sinh cũng là cách rèn luyện, tạo nền tảng cho những cô giáo, thầy giáo tương lai.
 
HỒNG THẮM