Vinh quang Công đoàn

02:07, 22/07/2019

(LĐ online) - Ngày 28/7/1929, tại số nhà 15 Hàng Nón - Hà Nội đã diễn ra một sự kiện trọng đại của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam đó là: Đại hội thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ đã liên kết các công hội đỏ địa phương thành một tổ chức công hội thống nhất - Tổng Công hội đỏ, tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. 

(LĐ online) - Ngày 28/7/1929, tại số nhà 15 Hàng Nón - Hà Nội đã diễn ra một sự kiện trọng đại của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam đó là: Đại hội thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ đã liên kết các công hội đỏ địa phương thành một tổ chức công hội thống nhất - Tổng Công hội đỏ, tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. 
 
Vinh quang Công đoàn Việt Nam
Vinh quang Công đoàn Việt Nam
Chín mươi năm qua (28/7/1929 - 28/7/2019), dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, tổ chức Công đoàn đã không ngừng lớn mạnh và phát triển. Từ khi mới ra đời, trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, Công đoàn đã tập hợp giáo dục công nhân và tổ chức cho công nhân đấu tranh chống phong kiến, thực dân đòi quyền dân sinh, dân chủ đã góp phần to lớn vào cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cách mạng tháng Tám năm 1945. Trong giai đoạn 1945 – 1954, Công đoàn đã động viên công nhân lao động vượt qua khó khăn, ra sức thi đua sản xuất, kháng chiến kiến quốc làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu, góp phần kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ của dân tộc chống thực dân Pháp xâm lược. Bước vào thời kỳ 1954 - 1975, khi đất nước bị chia cắt 2 miền, Công đoàn đã vận động đoàn viên công nhân lao động đẩy mạnh sản xuất, xây dựng và bảo vệ miền Bắc XHCN, làm hậu phương vững chắc cho miền Nam chống Mỹ cứu nước, mà đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Khi mới thành lập, Công hội đỏ chỉ có 6.000 hội viên, đến năm 1946 (tức là 1 năm sau khi giành được chính quyền) đã có hơn 20 vạn đoàn viên. Năm 1960, bước vào thời kỳ xây dựng CNXH ở miền Bắc có hơn 40 vạn đoàn viên. Hiện nay, cả nước đã có trên 126 nghìn CĐCS với hơn 10,5 triệu đoàn viên công đoàn.
 
Đối với Lâm Đồng, đội ngũ công nhân lao động tỉnh nhà ra đời khi thực dân Pháp quyết định thành lập Thị tứ Đà Lạt làm nơi nghỉ dưỡng cho người Pháp ở Đông Dương. Chúng chiêu mộ lao động ở nhiều nơi trong nước đến Lâm Đồng lao dịch, làm khoán không công vô hạn định cho tư bản thực dân, làm việc cho nhà cầm quyền, phục dịch cho chủ làng, tù trưởng và trong các đồn điền, công trường… và trở thành một bộ phận công nhân ra đời trên đất Lâm Đồng từ những năm đầu thế kỷ 20. Họ bị áp bức, bóc lột cực kỳ dã man. Từ năm 1925, phong trào công nhân trong nước diễn ra sôi nổi đã lan tỏa đến Lâm Đồng. Đặc biệt, từ tháng 4/1930, đồng chí Trần Diệm triệu tập hội nghị giải thể chi bộ Tân Việt và thành lập chi bộ Cộng sản, phong trào công nhân Lâm Đồng có Đảng tiên phong lãnh đạo, đưa phong trào phát triển đúng hướng, ngày càng mạnh mẽ và trở thành một bộ phận của phong trào công nhân cả nước, là lực lượng nòng cốt của địa phương trong cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội mới. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, dưới sự lãnh đạo của Khu ủy Khu 6, Ban Công vận được thành lập và Liên hiệp Công đoàn thành phố Đà Lạt, Liên hiệp Công đoàn các tỉnh Lâm Đồng - Tuyên Đức lần lượt ra đời. Đến đầu năm 1976, công đoàn 2 tỉnh Lâm Đồng - Tuyên Đức và thành phố Đà Lạt thống nhất thành Liên hiệp Công đoàn tỉnh Lâm Đồng. 
 
Trong 43 năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp của chính quyền, đội ngũ công nhân viên chức - lao động và tổ chức Công đoàn Lâm Đồng lớn mạnh không ngừng cả về số lượng và chất lượng. Năm 1976, cả tỉnh chỉ có 3.167 đoàn viên trên tổng số 12.441 công nhân viên chức - lao động; đến cuối năm 1977, có 7 công đoàn ngành địa phương, 124 CĐCS với 7.562 đoàn viên trong tổng số 25.595 công nhân viên chức. Đến nay, toàn tỉnh đã có 65.243 đoàn viên, sinh hoạt trong 1.562 CĐCS và tổ chức Công đoàn đã có ở hầu hết các cơ quan từ xã, phường, thị trấn đến huyện, tỉnh và trong các doanh nghiệp ở tất cả các loại hình kinh tế. 
 
Trong suốt quá trình lịch sử, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn luôn cùng nhân dân cả nước không ngừng phấn đấu và trưởng thành. Nếu như trước đây Công đoàn chỉ có mục đích duy nhất là đấu tranh bảo vệ lợi ích cho công nhân, chống lại giai cấp tư sản, thì ngày nay Công đoàn với 3 chức năng là: đại diện, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỷ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Trong Điều 10 Hiến pháp 2013 đã xác định rõ vị trí, vai trò của Công đoàn Việt Nam trong thời kỳ mới, phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước, đó là cơ sở pháp lý để công đoàn nhìn lại mình và xác định nhiệm vụ mới.
 
Với trọng trách đó, đặc biệt trong giai đoạn đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước, vì mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, công nhân lao động và đoàn viên công đoàn tỉnh Lâm Đồng đã, đang và sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, bản chất tốt đẹp của giai cấp tiên phong, đi đầu trong thực hiện đường lối đổi mới của Đảng. Chủ động tham gia cùng với Nhà nước xây dựng, triển khai thực hiện tốt các quy định của pháp luật, các chính sách có liên quan trực tiếp đến người lao động, tham gia thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, ký kết thỏa ước lao động tập thể, tham gia giải quyết việc làm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động và tăng cường công tác xã hội công đoàn... Từ đó, nâng cao vị thế của tổ chức Công đoàn trong xã hội và công nhân viên chức - lao động, đoàn viên công đoàn càng tin tưởng và gắn bó hơn với tổ chức.
 
Giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn đi đầu trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước
Giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn đi đầu trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước
Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, Công đoàn phải không ngừng đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động để tập hợp phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, đặc biệt quan tâm đến công nhân lao động trong các khu vực kinh tế ngoài Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tổ chức phong trào thi đua nhằm khuyến khích mọi cá nhân, tập thể nâng cao tinh thần chủ động, sáng tạo, nỗ lực vươn lên trong lao động sản xuất, công tác, học tập; duy trì thường xuyên công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động; quan tâm tạo điều kiện để công nhân viên chức - lao động phát huy quyền dân chủ ở cơ sở là những nhiệm vụ cấp bách của Công đoàn các cấp trong giai đoạn hiện nay. 
 
Vinh quang Công đoàn Việt Nam. Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Công đoàn là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn nói chung, truyền thống của đội ngũ công nhân viên chức - lao động và Công đoàn Lâm Đồng nói riêng trong tiến trình xây dựng, trưởng thành để tự hào và tin tưởng. Giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn sẽ tiếp tục phát huy truyền thống là đội quân tiên phong, đi đầu trong sự nghiệp đẩy mạnh CNH-HĐH của đất nước hôm nay.
 
TỨ KIÊN