Đà Lạt: Xây dựng thành phố carbon thấp

06:07, 02/07/2019

Trong tiến trình phát triển, Ðà Lạt cũng phải chịu nhiều sức ép lên vấn đề môi trường, ảnh hưởng xấu tới chất lượng sống...

Trong tiến trình phát triển, Ðà Lạt cũng phải chịu nhiều sức ép lên vấn đề môi trường, ảnh hưởng xấu tới chất lượng sống. Làm sao để vừa duy trì phát triển, vừa giữ gìn môi trường sống là ưu tiên hàng đầu với thành phố cao nguyên. Dự án xây dựng Ðà Lạt trở thành thành phố carbon thấp do Diễn đàn hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (APEC) tài trợ đang góp phần giữ gìn một Ðà Lạt xanh -  sạch - đẹp.
 
Phương tiện giao thông tăng là một trong những sức ép mà Đà Lạt đang phải đối diện. Ảnh: V.Báu
Phương tiện giao thông tăng là một trong những sức ép mà Đà Lạt đang phải đối diện. Ảnh: V.Báu
 
Sức ép môi trường với thành phố ngàn hoa
 
Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chia sẻ, Đà Lạt đang chịu rất nhiều sức ép về môi trường trong quá trình phát triển. Ông gói gọn lại bảy sức ép Đà Lạt đang phải đối diện. Đó là sử dụng năng lượng hóa thạch nhiều trong khi năng lượng tái tạo còn ít, quá trình phát triển nông nghiệp khiến diện tích nhà kính, nhà lưới tăng nhanh, tỷ lệ cao so với diện tích nông nghiệp. Quá trình đô thị hóa nhanh của Đà Lạt khiến mật độ người tăng, phương tiện giao thông tăng và suy giảm cây xanh. Khách du lịch tăng trưởng hàng năm cũng gây sức ép không nhỏ tới thành phố. Biến đổi khí hậu chung toàn thế giới cũng là lý do khiến môi trường Đà Lạt bị ảnh hưởng. Ông Phạm S nhấn mạnh, cả người dân và chính quyền Đà Lạt dù bắt đầu xây dựng ý thức giữ gìn môi trường nhưng đây không phải là chuyện có thể thực hiện trong thời gian ngắn mà là cả quá trình chuyển biến lâu dài của cả cộng đồng. 
 
Từ nguồn lực địa phương và hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước, Lâm Đồng đã và đang tích cực thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường như giữ rừng, xây dựng và bảo tồn các vùng sinh thái, trong đó có Khu Dự trữ sinh quyển Lang Biang, các mô hình sử dụng năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, điện gió… Tuy nhiên, không thể phủ nhận, sự tăng trưởng nhanh chóng và cả những nguyên nhân khách quan khiến môi trường Đà Lạt bị ảnh hưởng không nhỏ. Ông Phạm S đánh giá, dự án xây dựng thành phố carbon thấp do APEC hỗ trợ là một cơ hội để Đà Lạt xây dựng thương hiệu của mình với tư cách một thành phố sinh thái bền vững, thu hút du khách trong và ngoài nước. 
 
Phương tiện giao thông Đà Lạt tăng nhanh gây phát thải khí nhà kính. Ảnh: D.Quỳnh
Phương tiện giao thông Đà Lạt tăng nhanh gây phát thải khí nhà kính. Ảnh: D.Quỳnh
 
Xây dựng thành phố carbon thấp
 
Tiến sỹ Nguyễn Đình Trúc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Bền vững - Viện Hàn lâm Khoa hoa Xã hội Việt Nam cho biết, ông dẫn đầu đoàn công tác với sự tham gia của các chuyên gia Nhật Bản, Ấn Độ và Việt Nam làm việc tại Đà Lạt từ tháng 6 tới tháng 11/2019. Mục tiêu của đoàn là nghiên cứu, đánh giá và đưa ra các khuyến nghị để tỉnh Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt xây dựng Đà Lạt trở thành một thành phố carbon thấp. Theo đó, Đà Lạt sẽ thực hiện các giải pháp kinh tế, văn hóa, xã hội hướng tới giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường sống cho cư dân.
 
Ông Nguyễn Đình Trúc cho biết, dự án thành phố carbon thấp do Diễn đàn hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (APEC) tài trợ đã thực hiện ở Đà Nẵng giai đoạn I và hiện chính quyền và cư dân Đà Nẵng đang tiếp tục triển khai dự án. Đà Lạt là thành phố thứ hai của Việt Nam tham gia vào dự án. Tuy nhiên, Đà Lạt là thành phố có những đặc điểm hoàn toàn khác với Đà Nẵng và do đó, việc nghiên cứu phải dựa trên những đặc điểm của Đà Lạt. Qua khảo sát ban đầu, ông Trúc và các chuyên gia quốc tế đánh giá, Đà Lạt sẽ xây dựng thành phố carbon thấp theo định hướng một thành phố du lịch. Đó là giảm thiểu rác thải ra môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, hạn chế bê tông hóa thành phố và tiếp tục tăng diện tích cây xanh. Các ảnh hưởng của nông nghiệp công nghệ cao, diện tích nhà kính, nhà lưới ngày càng tăng cũng cần được đánh giá cụ thể. Đà Lạt phải xác định mục tiêu quan trọng trong xây dựng thành phố carbon thấp, đảm bảo việc bảo vệ môi trường song song với phát triển kinh tế - xã hội. Tới tháng 11/2019, những khuyến nghị cụ thể sẽ được đưa ra, làm cơ sở để chính quyền tỉnh Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt áp dụng, định hướng trong quá trình phát triển đô thị, nhằm đảm bảo giữ gìn môi trường ngày càng xanh - sạch - đẹp.
 
DIỆP QUỲNH