Ðổi thay ở một xã nghèo

07:07, 16/07/2019

Tháng 12/2018, Ðạ Pal - xã khó khăn nhất của huyện Ðạ Tẻh đã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Tháng 12/2018, Ðạ Pal - xã khó khăn nhất của huyện Ðạ Tẻh đã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM). Ðây là sự nỗ lực rất đáng ghi nhận của Ðảng bộ, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và Nhân dân xã nghèo này…
 
Giao thông nông thôn xã Đạ Pal thoáng đẹp và vàng rực hoa cỏ lạc. Ảnh: T.D.H
Giao thông nông thôn xã Đạ Pal thoáng đẹp và vàng rực hoa cỏ lạc. Ảnh: T.D.H
 
Xuất phát điểm thấp
 
Xã Đạ Pal được thành lập tháng 8/2003, trên cơ sở tách ra từ xã Triệu Hải (Đạ Tẻh). Những năm đầu thành lập, cùng với khó khăn của xã kinh tế mới vùng sâu, vùng xa; địa hình Đạ Pal đồi núi trải dài không thuận lợi cho việc sản xuất; trình độ dân trí thấp; đời sống của Nhân dân hết sức khó khăn, hộ nghèo chiếm tỷ lệ khá cao… 
 
Đảng bộ xã Đạ Pal xác định, nhiệm vụ quan trọng trước tiên là phải tập trung xây dựng Đảng, chính quyền, các đoàn thể thực sự vững mạnh để lãnh đạo Nhân dân đoàn kết “vượt khó” đưa xã nghèo phát triển. Nhiều năm qua, Đảng bộ xã Đạ Pal quan tâm xây dựng chi bộ, bồi dưỡng, kết nạp đảng viên, nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng; chú trọng công tác bồi dưỡng trình độ chuyên môn, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ… Đến nay, Đảng bộ xã có 78 đảng viên sinh hoạt tại 10 chi bộ trực thuộc. Riêng 2 thôn DTTS (Tôn K’Long A và Tôn K’Kong B) sinh hoạt chi bộ ghép. Đánh giá chất lượng hàng năm, các chi bộ đều đạt trong sạch vững mạnh; MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đạt vững mạnh và vững mạnh tiêu biểu…
 
Lãnh đạo xã Đạ Pal xác định, việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM là cơ hội vô cùng thuận lợi thúc đẩy phát triển toàn diện xã nghèo; trước tiên làm thay đổi tư tưởng trông chờ, ỷ lại của Nhân dân, nhất là người DTTS; đồng thời, xã sẽ nhận được sự đầu tư, hỗ trợ từ các dự án, chương trình của Trung ương, của tỉnh đối với xã nghèo, vùng đồng bào DTTS...
 
Để thực hiện Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2020, Đảng ủy và UBND xã Đạ Pal đã cụ thể hóa sự chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện Đạ Tẻh bằng nhiều nghị quyết (NQ), kế hoạch (KH), đề án. UBND xã cũng đã ban hành KH số 21 về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS Tây Nguyên giai đoạn 2016 - 2020”; KH số 30 về “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2016 - 2020”…
 
Có thể thấy sự quyết tâm chính trị rất cao của Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể, nhân dân xã Đạ Pal trong việc triển khai, thực hiện chương trình xây dựng NTM. Đây là nhân tố quyết định đã đưa xã nghèo nhất huyện “về đích” NTM đúng tiến độ.
 
Ðổi thay xã NTM
 
Đạ Pal hôm nay khang trang, trù phú hiện hữu rõ nét trên từng con đường liên xã, liên thôn, vào từng ngõ xóm, nhà dân được trải nhựa và bê tông hóa thoáng rộng. Các công trình công cộng, nhà dân xây dựng kiên cố, khang trang; vườn tược, cây trái xanh tươi, trĩu quả… Tất cả hiển thị đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân xã nghèo đổi thay vượt bậc.
 
Đồng chí Nguyễn Ngọc An - Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ: “Đó là thành quả của sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và Nhân dân xã Đạ Pal trong nhiều năm qua, nhất là chương trình xây dựng NTM mang lại. Ngoài vai trò của lãnh đạo xã, sự đồng thuận và ủng hộ tích cực của người dân có vai trò hết sức quan trọng”. 
 
Để thực hiện chương trình xây dựng NTM, lãnh đạo xã phân công thành viên trong Ban Chỉ đạo, MTTQ và các đoàn thể tập trung tuyên truyền cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, lợi ích của chương trình, tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân; triển khai chương trình theo kế hoạch, đúng lộ trình và hiệu quả.
 
 Lĩnh vực phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, nâng cao thu nhập cho người dân, xóa nghèo được lãnh đạo xã Đạ Pal đặt ra hàng đầu. Trong đó, vận động nông dân thay đổi cây trồng, vật nuôi mới cho năng suất, sản lượng cao; hướng sản xuất theo mô hình trang trại, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) tập trung tạo chuỗi giá trị; hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm; hướng dẫn Nhân dân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao… là lĩnh vực ưu tiên của Đạ Pal.
 
Đến nay, toàn xã đã chuyển đổi 770 ha cây điều cũ kém chất lượng sang trồng điều ghép, 195,5 ha dâu lai, 58 ha cao su, 27,2 ha chè, 16,75 ha tiêu, 115,9 ha cây ăn trái các loại… Trên địa bàn xã đã hình thành và hoạt động có hiệu quả HTX và 13 THT trồng dâu nuôi tằm khá phát triển với 131 nông dân tham gia. HTX này đã hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm với Công ty Cổ phần Lụa Đông Lâm (trụ sở tại TP Bảo Lộc). HTX làm ăn có hiệu quả đã xuất hiện hàng chục hộ gia đình có mức thu nhập khá, giàu; tiêu biểu Làng nghề trồng dâu nuôi tằm thôn Xuân Phong đã được UBND tỉnh công nhận. Trong xã cũng đã có 9 cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; 1 THT trồng điều với 22 thành viên. Chính quyền xã Đạ Pal đã phối hợp với ngành Khuyến nông huyện và các ngành liên quan tổ chức 8 lớp đào tạo nghề nông thôn và hàng chục lớp chuyển giao KH-KT cho gần 1.000 nông dân học tập, áp dụng kỹ thuật tiên tiến phát triển sản xuất và các ngành nghề nông thôn... 
 
Nhờ triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ nông dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đã góp phần giảm đáng kể hộ nghèo, nhất là 3 năm gần đây: Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chiếm 10,58%; năm 2017 chỉ còn 5,88%, cuối năm 2018 còn 4,47% (31 hộ nghèo/693 hộ)… Thu nhập bình quân đầu người ở Đạ Pal tăng đột biến, năm 2018 đạt 42,72 triệu đồng/người (so với năm 2010 tăng 34,02 triệu đồng/người/năm).
 
Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế đầu tư phát triển đồng bộ. Xã có nhà văn hóa đa năng, có điểm vui chơi giải trí cho trẻ em và người cao tuổi; 7/8 thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; 7/8 thôn đạt văn hóa và xã đạt chuẩn văn hóa; tỷ lệ tham gia BHYT đạt 92,16%. Đặc biệt, tình trạng tảo hôn, ép hôn và bạo lực gia đình ở Đạ Pal, nhất là tại 2 thôn DTTS không còn xảy ra; tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội đảm bảo…
 
Đây là những “con số biết nói” khá ấn tượng; và sẽ là nền tảng quan trọng để trong tương lai gần, Đạ Pal vươn lên trở thành xã giàu của huyện Đạ Tẻh...
 
T.D.H