Đơn Dương: Nhiều giải pháp thực hiện công tác bảo hiểm y tế toàn dân

06:08, 19/08/2019

Cùng với Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế là một trong những trụ cột chính của an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo ổn định chính trị và phát triển xã hội...

Cùng với Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những trụ cột chính của an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo ổn định chính trị và phát triển xã hội. Suốt 10 năm qua, sau khi có Chỉ thị 38 của Ban Bí thư, Chương trình hành động của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy Đơn Dương đã triển khai nhiều nội dung nhằm đẩy mạnh công tác BHYT toàn dân.
 
Ông Trịnh Đình Thành đang hoàn thiện những việc cuối cùng để chuẩn bị cấp thẻ đợt mới cho những thẻ hết hạn của bà con ở Quảng Lập. Ảnh: N.N
Ông Trịnh Đình Thành đang hoàn thiện những việc cuối cùng để chuẩn bị cấp thẻ đợt mới cho những thẻ hết hạn của bà con ở Quảng Lập. Ảnh: N.N
 
Ông Nguyễn Văn Anh - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Đơn Dương cho biết: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về BHYT trong toàn dân là một trong những nội dung được Huyện ủy, UBND và UBMTTQ huyện đặc biệt chú trọng. Trong tất cả các hoạt động của MTTQ huyện luôn lồng ghép nội dung này. Liên tục trong gần 10 năm qua, các đơn vị, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền thông qua công tác tập huấn, trên hệ thống truyền thanh, phát tờ rơi, pano, áp phích... Một số ngành đã ký kết quy chế phối hợp với Bảo hiểm Xã hội huyện như: Hội Nông dân, Liên đoàn Lao động, Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện... Đặc biệt, Đơn Dương đã đưa chỉ tiêu phát triển đối tượng BHYT vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm cho từng xã, thị trấn. Điều này góp phần làm chuyển biến dần nhận thức của người dân với BHYT. 
 
Theo số liệu thống kê của Bảo hiểm Xã hội huyện Đơn Dương: Năm 2009 Đơn Dương có trên 52 ngàn người tham gia BHYT, đạt gần 56% dân số. Đến cuối năm 2018, con số này đã tăng lên gần 93 ngàn người, đạt tỷ lệ bao phủ trên 88% dân số, tăng 3,26% so với chỉ tiêu của Nghị quyết HĐND huyện đặt ra năm 2018. Tổ chức thực hiện khám, chữa bệnh BHYT tại 10 trạm y tế xã, thị trấn và 3 phòng khám đa khoa khu vực. Số tiền chi cho việc khám, chữa bệnh BHYT năm 2009 trên 4,8 tỷ đồng, thì đến năm 2018 lên tới trên 24 tỷ đồng. Số liệu mới nhất của Bảo hiểm Xã hội huyện cho thấy, hiện 2 thị trấn và 8 xã trong huyện đều có tỉ lệ người dân tham gia BHYT cao. Trong đó cao nhất là các xã Ka Đơn, Tu Tra, Próh với trên 99% và thấp nhất là Dran và Lạc Lâm với trên 79%.
 
Ông Trịnh Đình Thành - Chủ tịch UBMTTQ xã Quảng Lập, người liên tục làm công tác BHYT tại xã này gần 10 năm nay cho biết: “Những năm 2010, 2011, đời sống người dân còn khó khăn, BHYT là khái niệm còn quá xa lạ. Bởi thế cán bộ xã phải thường xuyên đi vận động. Việc vận động cũng không hề dễ dàng nhưng cứ kiên trì năm này qua năm khác, nhất là việc nhiều người bệnh hiểm nghèo “sống được” nhờ BHYT, nhận thức người dân mới dần thay đổi. Năm 2013 Quảng Lập mới chỉ có trên 55% dân số có BHYT, đến nay con số này đã lên đến trên 91%. Nếu không kể các xã có lượng BHYT được cấp phát (hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số,...) thì Quảng Lập hiện đang là địa phương đứng đầu về tỉ lệ người dân chủ động mua BHYT”.
 
Chúng tôi có mặt tại xã Quảng Lập đúng lúc hộ gia đình anh Đặng Tín chủ động tới mua BHYT cho cả gia đình sau khi thẻ đã hết hạn. Đây là một trong số những hộ gia đình mua BHYT thường xuyên nhiều năm nay. Bởi gia đình có người bị bệnh nặng nên BHYT đã góp phần hỗ trợ rất lớn về mặt kinh phí điều trị. Nhận thấy rõ lợi ích mang lại nên gia đình anh Đặng Tín mua BHYT cho tất cả các thành viên trong gia đình nhiều năm nay.
 
Lãnh đạo huyện Đơn Dương nhấn mạnh việc những năm qua, mạng lưới y tế ở Đơn Dương được củng cố, phát triển cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, khám chữa bệnh hiệu quả cho những người có thẻ BHYT. Kịp thời hướng dẫn, giải quyết những vướng mắc trong thực hiện chính sách BHYT, nhất là trong thời gian đầu triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT để không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh. Điều này mang lại sự hài lòng rất lớn cho người dân khi tham gia BHYT. Đối với bà con vùng sâu, vùng xa có thẻ BHYT được khám, chữa bệnh ngay tại các trạm y tế xã. Đối với trường hợp bệnh nặng chuyển lên tuyến trên kịp thời, đảm bảo chất lượng điều trị và hưởng đầy đủ quyền lợi về chi phí khám, chữa bệnh. 
 
Huyện Đơn Dương đã chỉ đạo Cơ quan Bảo hiểm Xã hội huyện thường xuyên tiến hành khai thác và mở rộng đối tượng tham gia BHYT. Tuy nhiên, do thu nhập của một bộ phận người dân còn thấp, trong đó chủ yếu là người lao động tự do, những nông dân có mức sống trung bình, những người có thu nhập thấp và không ổn định nên việc tham gia BHYT còn hạn chế. Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại một số doanh nghiệp không đóng góp BHYT đầy đủ cho toàn thể lao động. Việc này còn diễn ra do các chế tài xử phạt đối với nội dung này còn thấp, chưa đủ sức răn đe. Và có không ít người dân chưa thực sự có cái nhìn đúng về BHYT bởi họ cho rằng thủ tục rườm rà, chất lượng khám, chữa bệnh chưa cao và đặc biệt là sự e ngại trong thái độ đối với người khám BHYT tại một số cơ sở y tế. Bên cạnh đó, khi kinh tế phát triển, đời sống được nâng cao người dân chọn phương án trực tiếp đi khám chữa bệnh tuyến Trung ương để lựa chọn dịch vụ y tế chất lượng cao.
 
Tiêu chí về tỷ lệ người dân tham gia BHYT, là tiêu chí mềm trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới sẽ được tái công nhận hàng năm. Nếu địa phương không duy trì được tỷ lệ này từ 70% trở lên sẽ không được tái công nhận đạt tiêu chí về y tế. Bởi vậy, các địa phương nói riêng và huyện Đơn Dương nói chung đặc biệt chú trọng tới nội dung này trong hành trình xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện Đơn Dương đang tiếp tục triển khai nhiều biện pháp để phấn đấu đến cuối năm 2019 có 90% dân số tham gia BHYT và tăng lên 95% vào cuối năm 2020.
 
N. NGÀ