Định hướng phát triển homestay tại Đà Lạt

06:08, 06/08/2019

Những năm gần đây, đi đôi với sự phát triển kinh tế - xã hội, du lịch và các dịch vụ du lịch của thành phố Đà Lạt cũng đã có bước phát triển đáng khích lệ...

Những năm gần đây, đi đôi với sự phát triển kinh tế - xã hội, du lịch và các dịch vụ du lịch của thành phố Đà Lạt cũng đã có bước phát triển đáng khích lệ. Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân thành phố cũng kiến nghị nhiều về những bất cập, tồn tại trong quản lý hoạt động du lịch, nhất là loại hình lưu trú mới homestay đang phát triển rầm rộ, với nhiều mô hình đa dạng, phong phú. Thành phố cũng đã kịp thời chỉ đạo đề ra định hướng trong phát triển loại hình này tại kỳ họp thường niên, kỳ họp thứ 12, HĐND thành phố khóa XI vừa qua.
 
Nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách, dịch vụ lưu trú homestay đang phát triển rầm rộ tại Đà Lạt. Tuy nhiên, sự phát triển ồ ạt đó đã gây nhiều khó khăn, lúng túng cho các cơ quan chức năng của thành phố.
Nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách, dịch vụ lưu trú homestay đang phát triển rầm rộ tại Đà Lạt. Tuy nhiên, sự phát triển ồ ạt đó đã gây nhiều khó khăn, lúng túng cho các cơ quan chức năng của thành phố.
 
Hiện nay, hoạt động dịch vụ lưu trú homestay phát triển nhanh trên địa bàn, nhưng trên thực tế đặt ra cho công tác tham mưu quản lý lĩnh vực này, loại hình này vẫn còn nhiều bất cập, lúng túng và bị động.
 
Công tác phối hợp giữa các phòng, ban chuyên môn liên quan trong quản lý sau cấp phép đối với các cơ sở kinh doanh lưu trú, trong đó có loại hình homestay cũng như các cơ sở lưu trú không đủ điều kiện kinh doanh chưa kịp thời và chặt chẽ. Cũng theo báo cáo của cơ quan chuyên môn, tính đến 30/4/2019, trên địa bàn thành phố Đà Lạt có 916 cơ sở lưu trú theo mô hình homestay nhưng chỉ mới thực hiện quản lý 423 cơ sở, đạt khoảng 46%. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, chấn chỉnh xử lý vi phạm trong kinh doanh dịch vụ homestay chưa được thực hiện thường xuyên và quyết liệt. Vai trò trách nhiệm của UBND phường, xã trong quản lý các loại hình dịch vụ homestay chưa rõ, hoạt động phối hợp thiếu đồng bộ...
 
Trao đổi về nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin Đà Lạt Lê Anh Kiệt phân tích: Về mặt khách quan, những năm gần đây, lĩnh vực du lịch tham quan, nghỉ dưỡng trên địa bàn thành phố phát triển nhanh, tạo điều kiện cho nhiều loại hình dịch vụ mới được hình thành để đáp ứng nhu cầu của thị trường du lịch. Trong đó, phải kể đến loại hình lưu trú homestay cũng có nhiều điều kiện phát triển và ngày càng trở thành lĩnh vực thu hút đầu tư mạnh mẽ. Mặt khác, hoạt động kinh doanh của loại hình lưu trú homestay là loại hình mới phát sinh, chưa có được những quy định, quy chế để quản lý cụ thể. Địa phương chưa ban hành quy chế quản lý hoạt động kinh doanh lưu trú homestay, chưa xác định được cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối hoạt động kinh doanh lưu trú homestay.
 
Về mặt chủ quan, phòng chức năng thực chất cũng chưa phát huy hiệu quả công tác tham mưu cho UBND thành phố có các biện pháp quản lý đối với loại hình lưu trú homestay. Chưa xây dựng được quy chế quản lý cũng như công tác phối hợp với các cơ quan chuyên môn, với cấp xã, phường để nâng cao chất lượng quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
 
Tại kỳ họp thứ 12 khóa XI của HĐND thành phố vừa qua, báo cáo của cơ quan chuyên môn cũng ghi nhận mặt tích cực trong tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động du lịch cho UBND các phường, xã, các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, trong đó có cả các cơ sở kinh doanh theo loại hình homestay. Theo đó, Phòng Văn hóa - Thông tin Đà Lạt đã cấp phát 3.500 tài liệu hướng dẫn các quy định trong kinh doanh du lịch, tổ chức tập huấn cho 131 lao động tại các nhà nghỉ, homestay. Tích cực chủ động trong kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm trong kinh doanh dịch vụ lưu trú. Cụ thể, trong năm 2018, Phòng Văn hóa - Thông tin Đà Lạt đã xử lý 4 trường hợp vi phạm; phối hợp với Chi cục Thuế Đà Lạt xử lý 22 vụ vi phạm. Năm 2019, đang đẩy mạnh trong rà soát kiểm tra, tăng cường quản lý đối với loại hình homestay.
 
Trên cơ sở thực tế phát sinh nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân về những bất cập, mặt trái của loại hình lưu trú homestay, HĐND thành phố cũng đã tổ chức chuyên đề giám sát về lĩnh vực này. Từ đó, HĐND thành phố cũng đã có những chỉ đạo rất cụ thể đối với cơ quan liên quan như: Chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin nghiên cứu tham mưu kịp thời quy chế quản lý loại hình lưu trú homestay phù hợp với các quy định của pháp luật về kinh doanh dịch vụ du lịch. Từ đó, trình cấp có thẩm quyền xem xét chỉ đạo thực hiện, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của loại hình mới này, hạn chế thấp nhất những tồn tại, bất cập phát sinh gây ảnh hưởng tới an ninh trật tự, an toàn xã hội. Mặt khác, cần có kiến nghị cấp trên về tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn về chiến lược phát triển du lịch của thành phố, trong đó có định hướng phát triển các mô hình lưu trú khách du lịch nói chung, mô hình homestay nói riêng và có các biện pháp quản lý phát triển bền vững theo quy hoạch ngành du lịch.
 
Qua rà soát, kiểm tra, giám sát, HĐND thành phố cũng đã chỉ đạo các cơ quan tăng cường phối hợp rà soát các cơ sở kinh doanh lưu trú khách du lịch homestay, nhằm đình chỉ, thu hồi giấy phép đối với những cơ sở kinh doanh không bảo đảm các điều kiện về an toàn, an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, nghĩa vụ thuế… Chỉ đạo UBND các phường, xã phát huy trách nhiệm quản lý nhà nước trên địa bàn đối với các cơ sở lưu trú homestay.
 
NGUYỆT THU