Ðội ngũ trí thức đóng góp tích cực trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất

07:08, 21/08/2019

Góp phần xây dựng khối liên minh công - nông - trí ngày càng bền vững và hiệu quả, nhiều năm qua đội ngũ trí thức, nhà khoa học tại Lâm Ðồng đã tham gia đóng góp tích cực trong việc nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đời sống sản xuất tại Lâm Ðồng. 

Góp phần xây dựng khối liên minh công - nông - trí ngày càng bền vững và hiệu quả, nhiều năm qua đội ngũ trí thức, nhà khoa học tại Lâm Ðồng đã tham gia đóng góp tích cực trong việc nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đời sống sản xuất tại Lâm Ðồng. 
 
Trao chứng nhận cho các tác giả đoạt giải đặc biệt của Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Lâm Đồng năm 2018. Ảnh: Hồng Hải
Trao chứng nhận cho các tác giả đoạt giải đặc biệt của Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Lâm Đồng năm 2018. Ảnh: Hồng Hải
 
Theo thống kê tại Lâm Đồng, đội ngũ trí thức của tỉnh gồm những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ cao đẳng, đại học trở lên khoảng gần 55 ngàn người, trong đó 41% đang làm việc trong khu vực Nhà nước.
 
Trong hoạt động nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, đội ngũ trí thức trong tỉnh đã tích cực tham gia làm việc, cống hiến tại các tổ chức khoa học và công nghệ của Trung ương và địa phương. Điển hình phải kể đến như Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt, Công ty TNHH Một thành viên Vắc xin Pasteur Đà Lạt, Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên, Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, rau và hoa... đã có nhiều đề tài, công trình nghiên cứu đạt hiệu quả. Một số kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao cho các doanh nghiệp để thương mại hóa thành những sản phẩm, hàng hóa đặc trưng cho tỉnh Lâm Đồng.
 
Với lợi thế về nông nghiệp và du lịch dựa trên nền tảng sẵn có về thiên thời địa lợi, khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, các nhà khoa học Lâm Ðồng đã tìm tòi nghiên cứu và sáng tạo nhiều đề tài hữu ích và được ứng dụng vào đời sống sản xuất của bà con mang lại giá trị kinh tế cao.
 
Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm mà Lâm Đồng có thế mạnh, phát triển các sản phẩm mới có năng suất, chất lượng cao. Ngoài ra, còn có mô hình nhân giống khai tây, rau, hoa, nấm, dược liệu bằng phương pháp Invitro phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu rất có giá trị kinh tế.
 
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, các công trình nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt đã được đăng trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước; các dược chất phóng xạ do Viện sản xuất được cung cấp cho các cơ sở, bệnh viện và các doanh nghiệp trong nước phục vụ điều trị bệnh và sản xuất kinh doanh. Cùng đó, các công trình nghiên cứu của Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp có mục tiêu nghiên cứu hoạt chất đánh dấu trong khai thác dầu khí, nghiên cứu sản xuất đồng vị phóng xạ cung cấp cho các bệnh viện. Các công trình nghiên cứu của Công ty TNHH MTV Vắc xin Pasteur Đà Lạt có mục tiêu nghiên cứu sản xuất vắc xin Heberbiovac (phòng viêm gan B) và vắc xin Quimi - Hib (phòng viêm màng não mủ). Đến nay sản phẩm đã được thương mại hóa, được phân phối trên toàn quốc với số lượng lớn, khoảng trên 1 triệu liều/năm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước.
 
Ngoài ra, Nhân dân trong tỉnh còn được biết đến các công trình nghiên cứu của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng Lâm Đồng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên với các đề tài nghiên cứu về quản lý dịch bệnh cây trồng trong sản xuất; nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo vệ thực vật để sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; nghiên cứu xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chủ lực của tỉnh và hiện đang được các hộ nông dân, doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã áp dụng hiệu quả; nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất các sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ các cây dược liệu quý của tỉnh Lâm Đồng.
 
Để phục vụ nhiệm vụ chuyển giao khoa học kỹ thuật trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã nghiên cứu xây dựng các mô hình khuyến nông phù hợp theo hướng tiếp cận đa ngành, sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời thực hiện chuyển giao các giải pháp ứng dụng công nghệ trong sản xuất rau an toàn, sản xuất cà phê bền vững, nâng cao chất lượng đàn bò sữa của tỉnh Lâm Đồng.
 
Từ nguồn dược liệu phong phú trên phạm vi tỉnh Lâm Đồng, các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu của Hội Dược liệu Lâm Đồng đã nghiên cứu và hoàn thiện quy trình sản xuất trà túi lọc từ cây Lan gấm; nghiên cứu sản xuất trà túi lọc Húng chanh, trà an thần, trà lá đắng... tạo nên nhiều sản phẩm đặc trưng cho Lâm Đồng.
 
Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng Phan Văn Phấn chia sẻ: Để tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Lâm Đồng trong việc nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, nhiệm vụ đặt ra cho đội ngũ trí thức tỉnh là phải phát huy tối đa năng lực của mình đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để thực hiện mục tiêu đó thì điều cốt yếu cần tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 66 ngày 24/8/2008 của Tỉnh ủy về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Trong đó, chúng tôi cần tập trung đổi mới phương thức tập hợp, nâng cao vị trí, vai trò của tổ chức Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh. Tỉnh cũng cần xây dựng cơ chế phù hợp để đội ngũ trí thức tỉnh có thể tham gia nhiều hơn vào các chương trình, dự án, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
 
NGUYỆT THU