Bước tiến về bình đẳng giới trong giáo dục

06:08, 19/08/2019

Theo kết quả sơ bộ tổng điều tra dân số năm 2019, trình độ dân trí phần nào đã cải thiện. Tỉ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết tăng mạnh, hầu hết trẻ em trong độ tuổi đi học phổ thông đang được đến trường, tỉ lệ trẻ em không được đi học phổ thông giảm mạnh...

Theo kết quả sơ bộ tổng điều tra dân số năm 2019, trình độ dân trí phần nào đã cải thiện. Tỉ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết tăng mạnh, hầu hết trẻ em trong độ tuổi đi học phổ thông đang được đến trường, tỉ lệ trẻ em không được đi học phổ thông giảm mạnh. Những nỗ lực của Việt Nam nhằm tăng cường bình đẳng giới cũng đã đạt được một số thành công nhất định trong những năm qua.
 
Trong giờ học của các cháu Trường Mầm non Tà Nung - Đà Lạt với đa số là con em đồng bào DTTS. Ảnh: A.N
Trong giờ học của các cháu Trường Mầm non Tà Nung - Đà Lạt với đa số là con em đồng bào DTTS. Ảnh: A.N
 
Tổng điều tra năm 2019 thu thập các thông tin về tình hình giáo dục hiện nay của Việt Nam. Trong đó, bao gồm các câu hỏi về tình hình đi học và trình độ giáo dục, đào tạo của tất cả dân số từ 5 tuổi trở lên phân theo danh mục giáo dục, đào tạo của Hệ thống giáo dục quốc dân. Theo kết quả sơ bộ của tổng điều tra dân số năm 2019, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong lĩnh vực giáo dục. Tỉ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết tăng mạnh sau 20 năm; phổ cập giáo dục tiểu học đã được thực hiện trên cả nước và ở tất cả các vùng miền; tình trạng học sinh trong độ tuổi đi học không đến trường giảm mạnh; khoảng cách về giới trong giáo dục phổ thông gần như được xóa bỏ.
 
Theo Luật Giáo dục, hệ thống giáo dục phổ thông của Việt Nam được chia thành ba cấp với những quy định cụ thể về thời gian và độ tuổi như sau: Cấp tiểu học được thực hiện trong năm học từ lớp 1 đến lớp 5 và tuổi của học sinh vào lớp 1 là 6 tuổi. Cấp trung học cơ sở (THCS) được thực hiện trong 4 năm và tuổi của học sinh vào học lớp 6 là 11 tuổi. Cấp trung học phổ thông (THPT) được thực hiện trong 3 năm học từ lớp 10 đến lớp 12 và tuổi của học sinh vào lớp 10 là 15 tuổi. Tại thời điểm điều tra dân số ngày 1/4/2019, cả nước có khoảng 91,7% dân số trong độ tuổi đi học phổ thông hiện đang đi học. Trong vòng 20 năm qua, tỉ lệ dân số trong độ tuổi đi học phổ thông nhưng chưa bao giờ đi học hoặc đã thôi học giữa chừng giảm đáng kể, từ 20,9% năm 1999 xuống 16,4% năm 2009 và còn 8,3% năm 2019. Có sự khác biệt về tình trạng không đi học của học sinh ở khu vực thành thị với khu vực nông thôn và giữa các vùng kinh tế - xã hội. Tỉ lệ dân số trong độ tuổi đi học nhưng không đi học ở khu vực nông thôn cao gấp 1,7 lần so với khu vực thành thị. Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long là các vùng có tỉ lệ dân số trong độ tuổi đi học nhưng không đi học cao nhất cả nước, tỉ lệ của mỗi vùng này là 13,3%. Tỉ lệ dân số trong độ tuổi đi học phổ thông nhưng không đi học ở vùng Đồng bằng sông Hồng thấp nhất (chiếm 3,2%).
 
Lâm Đồng: 95,2% dân số từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết 
 
Qua tổng điều tra dân số năm 2019, Lâm Đồng có 1.296.906 người với tổng số 358.753 hộ. Phân bố ở vùng thành thị 148.790 hộ và 209.963 hộ ở nông thôn; phân theo giới tính có 653.074 nam và 643.074 nữ; phân theo thành thị 508.755 người và nông thôn 788.151 người. 
 
Tỉ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chiếm 95,2%, trong đó nam chiếm 96,7% và nữ 93,6%; số biết đọc, biết viết tập trung ở vùng thành thị chiếm 98,3% và nông thôn 93%. 
 
Tỉ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên chưa bao giờ đi học chiếm 3,8%; trong đó nam 2,6% và nữ 5%, ở vùng thành thị 1,2% và nông thôn 5,6%.

Theo điều tra dân số năm 2019, tỉ lệ không đi học phổ thông của nữ (chiếm 7,5%) thấp hơn nam (9,2%). Tình trạng này tương tự như năm 2009 nhưng hoàn toàn trái ngược so với cách đây 20 năm. Năm 1999, tỉ lệ dân số nữ trong độ tuổi đi học phổ thông nhưng không đi học chiếm 23,5%, cao hơn tỉ lệ dân số nam trong độ tuổi đi học phổ thông nhưng không đi học 5 điểm phần trăm và cao gấp 3 lần tỉ lệ này của nữ trong năm 2019. Bằng chứng này cho thấy những nỗ lực của Việt Nam trong nhiều năm qua nhằm tăng cường bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục đã được thực hiện rất thành công.

Kết quả tổng điều tra dân số sơ bộ năm 2019 cho thấy tỉ lệ biết chữ của dân số từ 15 tuổi trở lên là 95,8%, tăng 1,8 điểm phần trăm so với năm 2009. Trong 20 năm qua, tỉ lệ biết chữ của nữ tăng 7,7 điểm phần trăm; khoảng cách chênh lệch về tỉ lệ biết chữ giữa nam và nữ được thu hẹp đáng kể. Năm 1999, tỉ lệ biết chữ của nam là 93,9%, cao hơn tỉ lệ này của nữ 7 điểm phần trăm nhưng đến năm 2019 tỉ lệ biết chữ của nam đạt 97%, cao hơn tỉ lệ này của nữ 2,4 điểm phần trăm.
 
Tỉ lệ biết chữ của dân số sống tại khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn do có khoảng cách phát triển giữa hai khu vực này. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhờ có chính sách phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ nên sự chênh lệch về tỉ lệ biết chữ giữa hai khu vực này đang dần thu hẹp, với chênh lệch 4 điểm phần trăm, thấp hơn so với mức chênh lệch 4,7 điểm phần trăm năm 2009.
 
Đồng bằng sông Hồng là vùng có tỉ lệ biết chữ cao nhất (98,9%); Trung du và miền núi phía Bắc có tỉ lệ biết chữ thấp nhất (89,9%), đây cũng là vùng có sự chênh lệch về tỉ lệ biết chữ giữa thành thị và nông thôn cao nhất cả nước (10,1 điểm phần trăm). Kế đến là Tây Nguyên với mức chênh lệch thành thị và nông thôn lên đến 8,6 điểm phần trăm trong khi mức chênh lệch này ở các vùng còn lại chỉ dưới 3% điểm phần trăm.
 
AN NHIÊN