Già làng Ha Nhung - người uy tín được bà con tin tưởng

07:08, 21/08/2019

Hơn 60 tuổi với cuộc sống kinh tế khá ổn định, các con đã thành đạt, nhưng Già làng Ha Nhung (61 tuổi, thôn K'rái 2, xã Ka Ðơn, huyện Ðơn Dương) vẫn hăng say với công tác xã hội. Ông còn được biết đến là người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và được bà con trong thôn kính nể.

Hơn 60 tuổi với cuộc sống kinh tế khá ổn định, các con đã thành đạt, nhưng Già làng Ha Nhung (61 tuổi, thôn K’rái 2, xã Ka Ðơn, huyện Ðơn Dương) vẫn hăng say với công tác xã hội. Ông còn được biết đến là người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và được bà con trong thôn kính nể.
 
Những lúc rảnh rỗi, ông Ha Nhung cùng cháu vui chơi và kể những câu chuyện mang nhiều ý nghĩa cuộc sống. Ảnh: T.T.H
Những lúc rảnh rỗi, ông Ha Nhung cùng cháu vui chơi và kể những câu chuyện mang nhiều ý nghĩa cuộc sống. Ảnh: T.T.H
 
Chăm lo đời sống cho bà con
 
Trong chuyến công tác về với xã K’Đơn, chúng tôi có dịp được bà Lê Thị Kim Hoa - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã giới thiệu về ông Ha Nhung, người dân tộc Cill tại thôn K’rái 2.
 
Trải qua khoảng thời gian gần 10 năm làm Phó trưởng thôn K’rái 2 nên ông Ha Nhung biết khá rõ những khó khăn bà con địa phương đã và đang trải qua. Chính vì thế, khi được bầu là người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ông luôn quan tâm, chăm lo đời sống, sinh hoạt của mọi người trong thôn. “Trước khi tuyên truyền để bà con cùng thực hiện, bản thân mình và gia đình phải làm trước, thấy hiệu quả thiết thực bà con sẽ theo ngay” - ông Ha Nhung nói.
 
Là thôn có trên 85% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều bà con đã quen với tiếng mẹ đẻ nên còn hạn chế trong việc tiếp nhận các thông tin, chính sách được triển khai. Với vai trò là cầu nối giữa chính quyền và người dân, ông Ha Nhung đã tăng cường hơn việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách, vận động bà con tham gia xây dựng nông thôn mới, hiến đất làm đường, làm hàng rào,...
 
Theo lời chia sẻ của ông, để bà con có cái nhìn tiến bộ hơn, việc đầu tiên tại các cuộc họp thôn là cùng bà con thực hiện nếp sống văn hóa mới nhưng không vì thế mà để mai một những nét đẹp văn hóa của cha ông để lại.
 
Không chỉ quan tâm đến sinh hoạt của người dân, ông Ha Nhung còn giúp đỡ bà con trong việc định hướng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển kinh tế. “Trước đây, điều kiện để phát triển kinh tế còn hạn chế nên cuộc sống của gia đình tôi cũng giống như bao hộ gia đình khác trong thôn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù lao động vất vả quanh năm, nhưng cái đói, cái nghèo vẫn luôn đeo đẳng. Bởi vậy, tôi nói với bà con việc gì cần tiết kiệm hãy nên tiết kiệm, tránh lãng phí để rồi sau đó nợ lại chồng thêm nợ, biết đến khi nào mới trả hết”- ông bộc bạch.
 
Cũng nhờ sự nhiệt huyết và quyết tâm của ông Ha Nhung nên đời sống của từng hộ gia đình ngày càng được cải thiện. Đến nay, thôn có 119 hộ, trong đó số hộ nghèo chỉ còn 5 hộ, ông tâm sự: “Biết bà con còn gặp nhiều khó khăn, ngoài trồng cây cà phê lâu năm, tôi cùng bà con trồng thêm bắp, rau màu để phục vụ cho gia đình và lấy đó làm hàng hóa nhằm tạo ra thu nhập chứ không nên trông chờ địa phương đầu tư hay hỗ trợ”. 
 
Luôn hướng tới con em trong thôn
 
“Chỉ khi biết được cái chữ thì cuộc sống sau này của tụi nhỏ mới khấm khá lên được”, là câu nói của ông Ha Nhung khi nhắc đến những lần đến nhà để vận động phụ huynh cho con em được cắp sách đến trường.
 
Nhiệt huyết là thế, nhưng lắm lúc lòng tốt của ông khiến bà con trong thôn nghi ngờ, hiểu sai. Ông kể: “Tôi còn nhớ nhất những lần đi vận động từng hộ gia đình. Nhà làm tôi nhớ nhất chắc có lẽ là nhà Ha Bai. Họ kiên quyết không cho con đi học, tôi phải thường xuyên đến nhà vận động, mất 2 tuần lễ Ha Bai mới chịu cho con đi học. Trước đi vận động bà con, ai cũng cứ né tránh, có nhiều người còn dùng những lời lẽ khiến bản thân buồn tủi lắm chứ. Nhưng rồi nghĩ, nếu tụi nhỏ trong thôn có được cái chữ thì dù bản thân có bị nói hay bị bà con hiểu nhầm thì tôi cũng chấp nhận”.
 
Tâm sự với chúng tôi về ông Ha Nhung, ông Ha Tam - người dân trong thôn nhận xét: “Chúng tôi rất tin tưởng ông Ha Nhung. Khi ông đứng ra vận động chuyện gì bà con đều hiểu đó là vì lợi ích chung, nên đều hưởng ứng, làm theo. Bởi gia đình tôi trước kia không có ý định cho con cái đi học, để nó ở nhà lên nương làm rẫy, phụ gia đình. Cũng nhờ ông Ha Nhung đến khuyên nhiều lần để gia đình biết được cái chữ quan trọng như thế nào. Nhờ vậy mà giờ con cái đứa nào cũng biết chữ, biết suy nghĩ và chăm chỉ làm việc hơn trước rất nhiều lần”.
 
Trao đổi với ông Phạm Hồng Thanh - Phó Chủ tịch UBND xã Ka Đơn, cho biết: “Ông Ha Nhung là một trong những vị cao niên có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong các phong trào xây dựng nông thôn mới, ông đứng ra vận động, tuyên truyền cho bà con hiểu và đồng tình đóng góp công sức cùng chính quyền thực hiện các công trình phúc lợi ở địa phương”.
 
Tuy tuổi đã cao nhưng ông vẫn luôn là Già làng mẫu mực, quan tâm đến các phong trào, hoạt động của người dân, từ việc truyền thụ kinh nghiệm trồng cây gì, nuôi con gì để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo đến công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, chăm lo việc học hành cho con em, giữ gìn văn hóa truyền thống. Ông cho hay, “bí quyết” để có được uy tín chính là sự gương mẫu, “nói đi đôi với làm”.
 
THÂN THU HIỀN