Hết lòng xây dựng quê hương

06:08, 28/08/2019

Trong ngôi nhà nhỏ của ông Phạm Ða (thôn Trạm Hành 1, xã Trạm Hành, TP Ðà Lạt), có một gian nhỏ được treo rất nhiều những giấy khen, bằng khen của tỉnh và thành phố dành cho người cựu chiến binh này...

Trong ngôi nhà nhỏ của ông Phạm Ða (thôn Trạm Hành 1, xã Trạm Hành, TP Ðà Lạt), có một gian nhỏ được treo rất nhiều những giấy khen, bằng khen của tỉnh và thành phố dành cho người cựu chiến binh này. Nhưng trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông không khoe nhiều về điều đó. Ðiều khiến ông tự hào hơn cả là những đổi thay mà bản thân ông cùng Nhân dân thôn Trạm Hành đã đồng lòng tạo nên trong 10 năm tròn ông đảm nhận chức danh Bí thư Chi bộ nơi đây.
 
10 năm đảm nhận vai trò Bí thư Chi bộ, ông Phạm Đa (bên trái) đã chứng kiến và góp phần tạo nên những đổi thay cho thôn Trạm Hành 1 hôm nay.
10 năm đảm nhận vai trò Bí thư Chi bộ, ông Phạm Đa (bên trái) đã chứng kiến và góp phần tạo nên những đổi thay cho thôn Trạm Hành 1 hôm nay
 
Nhiệt huyết và nghị lực
 
Đó là những gì mà Bí thư Đảng ủy xã Trạm Hành Nguyễn Nho Chí Quang giới thiệu về ông Phạm Đa. Nhưng thật ra, không cần đến những lời đó, chỉ cần nhìn vào vóc dáng nhỏ bé, gầy gò của ông Đa, và nhìn lại những con đường khang trang, sạch đẹp tại thôn Trạm Hành 1 để so sánh với cảnh lầy lội, bụi mờ cách đây 10 năm, là đã có thể thấy sự cố gắng nhiều đến nhường nào của người đàn ông năm nay đã bước vào tuổi lục tuần.
 
Ông Phạm Đa sinh năm 1958 tại vùng đất được xem là cái nôi cách mạng của TP Đà Lạt - thôn Xuân Sơn, xã Xuân Trường. Ánh mắt sáng ngời, tự hào và xúc động, ông kể lại những tháng ngày được hòa mình vào cuộc chiến đấu của dân tộc, rồi lại làm Trung đội trưởng cảnh vệ với nhiệm vụ bảo vệ Huyện ủy Đơn Dương, làm Tiểu đội trưởng Tiểu đội trinh sát tại xã Xuân Trường. Năm 1985, người thanh niên 27 tuổi được vinh dự đứng trước cờ Tổ quốc, cờ Đảng và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời tuyên thệ, chính thức bước vào hàng ngũ của Đảng. “Đó là cột mốc nhắc nhở tôi luôn phải cống hiến, sống có lý tưởng, hoài bão, tiếp thêm sức mạnh để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao” - ông Phạm Đa chia sẻ.
 
Tưởng chừng như khi đảm nhận chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Trường, ông càng có nhiều cơ hội để xây dựng quê hương. Nhưng sau một vụ tai nạn giao thông, sức khỏe ông Đa bị giảm sút, ông tự làm đơn xin thôi việc. Năm 2000, ông được phân công làm Bí thư chi bộ ghép của 4 thôn Trường Thọ, Phát Chi, Trạm Hành 1, Trạm Hành 2. Công việc bộn bề để xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gần như vượt quá điều kiện sức khỏe, nhưng với nhiệt huyết và sự gần gũi với Nhân dân, cũng như sự đồng thuận của bà con đã tiếp thêm sức mạnh cho ông hoàn thành nhiệm vụ.
 
10 năm đắp xây
 
Năm 2019 là tròn 10 năm ông Phạm Đa đảm nhận vị trí Bí thư chi bộ thôn Trạm Hành 1, kể từ khi xã Trạm Hành được tách ra từ xã Xuân Trường vào năm 2009. 
 
Trạm Hành 1 là thôn có địa bàn rộng, dân cư đông, địa hình đồi núi phức tạp, đi lại khó khăn, đời sống kinh tế của bà con nông dân lại bấp bênh bởi nông sản mất mùa, rớt giá,... Đây lại là thời gian xã Trạm Hành bước vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. “Con đường đầu tiên được hoàn thành sau không dưới 10 lần họp dân” - ông Đa nhớ lại. Những ý kiến cho rằng xây dựng nông thôn mới là trách nhiệm của Nhà nước, những lo lắng về chuyện đóng góp tiền bạc trong lúc đời sống vẫn còn khó khăn, những tư tưởng trông chờ, ỷ lại... được nêu nhiều trong các cuộc họp là điều khiến ông Đa đau đáu. Với sự kiên trì, nhiệt huyết và vốn uy tín sẵn có, ông vừa giải thích, vừa làm trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân khi viết thư ngỏ mang đến tận từng nhà kêu gọi, sau đó lập chốt giữa đường để tiện cho người dân đóng tiền. Con đường bê tông đầu tiên trong thôn dài 1,1 km, trong đó dân đóng góp hơn 417 triệu đồng là một ví dụ điển hình. Mới huy động được một nửa, Bí thư Phạm Đa quyết định khởi công trước sự ngỡ ngàng của xã. Chỉ trong một tuần, 217 triệu đồng còn lại được thu đủ. 
 
Đi trên con đường khang trang trồng đầy hoa rực rỡ 2 bên đường hôm nay, bà con tổ 8 vẫn còn nhắc hoài về câu chuyện làm đường tưởng chừng như không thể cách đây nhiều năm, khi dân ít, nghèo mà phải huy động số tiền hơn 120 triệu đồng để xây dựng con đường dài 300 m với tổng kinh phí 380 triệu đồng. Đó là chuyện như không tưởng. Vậy mà ông Phạm Đa làm được khi mang sổ nhà, sổ đất ra thuyết phục và tạo niềm tin với bà con. Đó là những bài học về “dân vận khéo” - Phó Bí thư Đảng ủy xã Trạm Hành Nguyễn Nho Chí Quang nói.
 
Với việc khơi dậy chủ thể chính của phong trào xây dựng nông thôn mới là người dân, Bí thư chi bộ Phạm Đa cùng thôn Trạm Hành 1 đã tạo thêm nhiều kết quả to lớn đến không ngờ như huy động Nhân dân cùng đóng góp gần 2 tỷ đồng xây dựng Hội trường Văn hóa thôn; 5 con đường giao thông liên tổ và đường nội đồng; hay những công trình điện chiếu sáng nông thôn,... được xây dựng nên từ chính bàn tay người dân.
 
Bộ mặt thôn Trạm Hành 1 hôm nay đã đổi thay rõ rệt với nhiều năm liền đạt danh hiệu thôn văn hóa. Mới đây thôi, vào dịp Đà Lạt kỷ niệm 125 năm hình thành và phát triển, người Bí thư Chi bộ của thôn còn được tuyên dương là cá nhân điển hình tiêu biểu giai đoạn 2013 - 2018. Nhưng nhìn những nụ cười quý mến và lời chào thân mật của bà con trong thôn với ông Đa - khi ông dẫn chúng tôi thăm tuyến đường mà ông tự hào là “tuyến đường bê tông dân làm đầu tiên trong xã” - chúng tôi hiểu rằng, niềm vui lớn nhất trong suốt cuộc đời đóng góp và đắp xây của ông Phạm Đa không nằm ở những tờ giấy khen, mà là nằm ở những tình cảm thân thương mà ông đã và đang nhận được.
 
V.QUỲNH - H.YÊN