Hoa văn truyền thống K'Ho bước vào thời trang hiện đại

06:08, 08/08/2019

Từ các buôn làng, những hoa văn truyền thống của người K'Ho đã vượt ra khỏi bóng cây đại ngàn để bước vào hành trình đến với thời trang hiện đại trong bộ sưu tập mới nhất mang tên K'Ho của thương hiệu thời trang đường phố GrimmDC. 

Từ các buôn làng, những hoa văn truyền thống của người K’Ho đã vượt ra khỏi bóng cây đại ngàn để bước vào hành trình đến với thời trang hiện đại trong bộ sưu tập mới nhất mang tên K’Ho của thương hiệu thời trang đường phố GrimmDC. 
 
Các mẫu sản phẩm trong bộ sưu tập K’Ho của GrimmDC. Ảnh cung cấp bởi GrimmDC
Các mẫu sản phẩm trong bộ sưu tập K’Ho của GrimmDC. Ảnh cung cấp bởi GrimmDC
 
Hành trình đi tìm
 
Trong hành trình đưa các yếu tố thuần Việt vào dòng thời trang đường phố, GrimmDC - công ty chuyên sản xuất các mặt hàng thời trang này đã tìm đến hoa văn của người K’Ho. Anh Phan Thanh Duy - người thành lập GrimmDC cho biết: Bắt tay thực hiện từ đầu năm 2019, các thành viên của GrimmDC đã tìm đến các già làng có vốn am hiểu sâu trong khắc cây nêu và dệt thổ cẩm - nơi thường thấy nhất các họa tiết truyền thống.
 
GrimmDC là một công ty của những người  trẻ được thành lập năm 2015 với mục tiêu đầu tư sản xuất các sản phẩm cho dòng thời trang đường phố. Khi xu hướng của dòng thời trang đường phố nói riêng và thời trang dành cho giới trẻ nói chung, các họa tiết mang tính biểu tượng của những nền văn hóa lớn như Hy Lạp, Ai Cập, La Mã, Tây Á… đang chiếm ưu thế. Với mục tiêu đưa các yếu tố thuần Việt vào thời trang đường phố, GrimmDC đã thực hiện hai bộ sưu tập hướng tới yếu tố lịch sử và văn hóa gồm: Đại Định Sơn Hà lấy các họa tiết chính gợi lại hình ảnh Chiến thắng Bạch Đằng và Con Rồng cháu Tiên với hai hình tượng con Rồng cổ của Việt Nam và hoa sen, gần đây nhất là bộ sưu tập K’Ho.

Ông Bon Niêng Ha Sào, người khắc cây nêu nổi tiếng ở vùng Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương, cho biết: “Trên cây nêu có nhiều hoa văn truyền thống như: wièh (xà gạc), vật dụng không thể thiếu của bà con để lên rẫy, lên rừng; Sơnual (lưới bắt cá); Măttơngê (mặt trời), không có mặt trời là không có sự sống; Matsem (mắt chim), chim bay trên cao nên mắt chim sẽ thấy hết cả núi rừng... Đa phần những họa tiết đều liên quan tới rừng. Bởi đối với người K’Ho, rừng dạy cách sống. Rừng còn thì người K’Ho còn”. 

Ông Cil Đoanh - một người khắc cây nêu nổi tiếng ở tổ dân phố Đăng Gia, thị trấn Lạc Dương, cho biết thêm: “Trên bếp lửa của người K’Ho vẫn còn giữ nanh con heo rừng như chiến tích trong cuộc chiến sinh tồn xưa. Đầu lâu sơn dương, chim Toucan… hay những con vật hiền lành của rừng núi. Họ giữ lại đầu khỉ để nhớ ơn nó đã dạy người phụ nữ sinh con; giữ lông con nhím đã dạy người K’Ho uống rượu cần... lưu giữ để nhớ về nguồn cội một thời trong quá khứ. Và đó cũng trở thành những hoa văn thường thấy trên các sản phẩm thủ công của bà con”.
 
Còn với bà Bon Niêng K’Glòng - nghệ nhân dệt vải truyền thống vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú thì: “Họa tiết truyền thống đó là những gì thường thấy và diễn ra trong cuộc sống từ xưa đến nay, nhưng như vậy không có nghĩa ai cũng phải dệt giống nhau. Màu sắc, sự phối hợp và cách đan xen các hoạt tiết trên tấm thổ cẩm tùy vào cảm xúc, cách nhìn và cả sở thích của mỗi người”.
 
Tất cả đó là nguồn dữ liệu để GrimmDC cho ra đời bộ sưu tập K’Ho ra mắt công chúng vào cuối tháng 7 vừa qua trong chương trình Sneaker Fest 2019: IMPACT CON tại Nhà thi đấu Nguyễn Du, Quận 1, TP Hồ Chí Minh.
 
Những vật dụng đặc trưng của người K’Ho cũng được kết hợp trưng bày tại đây. Ảnh: N.Ngà
Những vật dụng đặc trưng của người K’Ho cũng được kết hợp trưng bày tại đây. Ảnh: N.Ngà
 
Họa tiết truyền thống K’Ho đi vào thời trang hiện đại
 
Anh Phan Thanh Duy nói thêm: “Sau quá trình tìm kiếm, GrimmDC đã thu thập được rất nhiều họa tiết truyền thống của người K’Ho. Tuy nhiên, phải chọn ra những họa tiết đặc sắc nhất, mang tính biểu tượng và tính ứng dụng cao trên các sản phẩm thời trang như: Họa tiết mặt trời, da chồn hương, lá cây, răng cài, đầu khỉ, sừng sơn dương, má chim Toucan… Và đó là những họa tiết chính trong bộ sưu tập K’Ho của GrimmDC”. Bộ sưu tập này gồm 4 sản phẩm: Áo pull trắng/đen; áo Pull xanh phiên bản giới hạn với các họa tiết được in mực dạ quang; nón; túi. Ngoài các họa tiết, trên tất cả các sản phẩm đều có chữ K’Ho. Các sản phẩm áo có giá dao động từ 300.000 đến 450.000 đồng. Những hoa văn độc đáo, mới lạ lần đầu xuất hiện trên dòng thời trang đường phố này đã thực sự thu hút giới trẻ. Bộ sưu tập với hàng trăm sản phẩm đã được bán hết ngay trong những giờ đầu ra mắt công chúng.
 
Sneaker Fest là sân chơi thường niên cho các tín đồ thời trang, từ lâu đã trở thành sự kiện được hàng ngàn bạn trẻ quan tâm. Mới đây, Sneaker Fest đã chính thức trở lại với “Sneaker Fest 2019: IMPACT CON” thu hút hơn 6.000 người tham dự với sự xuất hiện của hơn 100 thương hiệu thời trang đình đám trong nước và quốc tế. Đây được xem như lễ hội thời trang “hot” của giới trẻ Sài Gòn và có sự lan tỏa lớn trong cả nước. 

Đặc biệt, tại nơi ra mắt bộ sưu tập, những đồ vật đặc trưng của người K’Ho như xà gạc, gùi, và cả đầu khỉ, sừng sơn dương… từ các buôn làng ở Nam Tây Nguyên cũng được mang về kết hợp trưng bày. Các già làng K’Ho trong trang phục truyền thống đã trực tiếp giới thiệu và kể lại những câu chuyện văn hóa... “Điều này thực sự rất mới lạ và ấn tượng” - Tuấn Trường, một bạn trẻ đam mê thời trang đường phố ở Sài Gòn nhận xét. Anh Phan Thanh Duy khẳng định: “Một bộ sưu tập khó có thể đưa lên hết tất cả các hoa văn nói riêng và văn hóa của người K’Ho nói chung. Nhưng việc góp thêm thanh âm để quảng bá và giữ gìn thì chắc chắn sẽ làm được”.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là người K’Ho vẫn chưa thực sự chủ động, bởi áp lực cuộc sống đè nặng, việc lo cái ăn, cái mặc khiến họ không dành đủ sự quan tâm cho bảo tồn và quảng bá văn hóa. Trước GrimDC, trong dịp Kỷ niệm 125 năm Đà Lạt hình thành và phát triển, lần đầu tiên thổ cẩm của đồng bào K’Ho, Châu Mạ đã bước lên sàn diễn thời trang trong bộ sưu tập của nhà thiết kế Minh Hạnh. Đã có những lời đề nghị hợp tác được đặt ra, để thổ cẩm với những họa tiết truyền thống của người K’Ho được sản xuất số lượng lớn, nhưng mọi việc vẫn chưa thành. Và giờ đây là GrimmDC, khi lên ý tưởng thiết kế đã tìm đối tác đưa ra lời đề nghị tương tự trong vùng K’Ho, để cùng phối hợp tạo ra các sản phẩm thời trang đường phố phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của giới trẻ, song điều đó vẫn không thực hiện được. Bản thân người K’Ho có truyền thống, có văn hóa và có tay nghề, các hãng thời trang có ý tưởng, thị trường và kinh phí, thế nhưng vẫn không có sự hợp tác nào được hình thành bởi người K’Ho chưa tự tin để đảm nhận các đơn hàng với số lượng lớn, yêu cầu cao.

NGỌC NGÀ