Ðiểm tương đồng, khác biệt trong truyện cổ tích Cơ Ho và Mạ (Bài 1)

05:08, 15/08/2019

LTS: Truyện cổ tích người Cơ Ho và người Mạ tuy có nhiều nét tương đồng nhưng cũng có những khác biệt ở một số phương diện, tạo nên nét đặc sắc riêng của từng dân tộc...

LTS: Truyện cổ tích người Cơ Ho và người Mạ tuy có nhiều nét tương đồng nhưng cũng có những khác biệt ở một số phương diện, tạo nên nét đặc sắc riêng của từng dân tộc. Qua đó, giúp chúng ta có thể hiểu hơn về đời sống, phong tục, sinh hoạt… hoặc những đặc trưng riêng của hai dân tộc bản địa nổi trội trên vùng đất Nam Tây Nguyên. Lâm Ðồng cuối tuần xin giới thiệu hai trong số những điểm riêng biệt này làm nên sự độc đáo của truyện cổ tích người Cơ Ho và người Mạ.
 
Những điểm tương đồng
qua truyện cổ tích của hai dân tộc 
 
Qua 305 truyện cổ tích của hai dân tộc chúng tôi khảo sát, có thể khái quát, thể loại truyện cổ tích của hai dân tộc Cơ Ho và Mạ có ba nhóm truyện: cổ tích về nhân vật mồ côi (122 truyện và dị bản), cổ tích về nhân vật mang lốt (137 truyện và dị bản), cổ tích về nhân vật ma lai (46 truyện và dị bản). Nhìn một cách tổng quan, truyện cổ tích dân tộc Cơ Ho và dân tộc Mạ đều quan tâm đến những nhân vật bất hạnh như: mồ côi, người mang lốt, người dũng sĩ... Cả hai đều sử dụng yếu tố thần kỳ như một thủ pháp nghệ thuật làm phát triển cốt truyện và hỗ trợ nhân vật, có nhiều motif chung như: sinh nở thần kỳ, mang lốt, hóa thân, kết hôn... Cả hai kho tàng truyện cổ tích đều lưu giữ tín ngưỡng và phong tục, phản ánh những nét đặc trưng phong phú và cũng không kém phần phức tạp của đời sống xã hội hai dân tộc.
 
Văn hóa cồng chiêng của người Cơ Ho ở cao nguyên Di Linh. Ảnh: N.Brừm
Văn hóa cồng chiêng của người Cơ Ho ở cao nguyên Di Linh. Ảnh: N.Brừm
Sự tương đồng về nội dung 
 
Có thể khẳng định ngay rằng, truyện cổ tích hai dân tộc nêu trên đều quan tâm lý giải về nguồn gốc tộc người. 
 
Truyện cổ dân tộc Cơ Ho và dân tộc Mạ ra đời trước hết là huyền thoại (thần thoại) có một nội dung cơ bản là giải thích nguồn gốc của tộc người; kế tục huyền thoại, truyện cổ tích vẫn quan tâm đến vấn đề này. Có nhiều dị bản khác nhau để giải thích nhưng tựu chung lại đều nói về sự ra đời của tổ tiên người Cơ Ho và người Mạ, như truyện cổ tích có tên gọi “Nguồn gốc của người Cơ Ho”, truyện “Xơ-rơ-đen - Ông tổ người Cơ Ho”; truyện cổ tích có tên gọi “Con chung một mẹ”, hay câu truyện “Đứa con của nữ thần Mặt Trời” của người Mạ...
 
Như vậy, cả hai dân tộc Cơ Ho và Mạ đều có những truyện cổ tích có chung nội dung về nguồn gốc thần thánh, thiêng liêng của dân tộc mình. Tìm hiểu những câu chuyện cổ tích của hai dân tộc lưu truyền từ đời này qua đời khác chúng ta có thể thấy cả hai dân tộc đều có quan niệm chung rằng những sinh mệnh đều có nguồn gốc cao quý.
 
Trong hệ thống tín ngưỡng dân gian của hầu hết các dân tộc ở Tây Nguyên, trong đó có người Cơ Ho và người Mạ, tín ngưỡng về linh hồn là loại hình tín ngưỡng được bảo lưu một cách rõ nét nhất, nổi trội nhất, đan xen, pha trộn với các tín ngưỡng vật linh, ma thuật, trở thành thứ tôn giáo cơ bản của người Tây Nguyên nói chung, người Cơ Ho và người Mạ nói riêng. Người Cơ Ho và người Mạ cho rằng vạn vật hữu linh (mọi vật đều có linh hồn như con người), nên họ thờ rất nhiều loại thần linh. Người Cơ Ho với câu truyện “Chàng Ếch và nàng công chúa út”. Người Mạ với truyện “Chàng Đu Đủ”.
 
Ngoài ra, tín ngưỡng nguyên thủy còn được thể hiện qua vạn vật có Yàng, vạn vật tương giao, sinh thành, biến dạng, hóa thân, các motif thần kỳ như thần báo mộng, hôn nhân thần kỳ, về trời, ma lai, bùa ngải, phép thiêng, cấm kỵ… Vì vậy mà con người mới ăn uống - sinh con, cây sinh người, người lấy vật, người hóa vật, người sống lại, cây sống lại…
 
Tín ngưỡng nguyên thủy của người Cơ Ho và người Mạ là thờ đa thần (thần sông, thần suối, thần núi, thần cây, thần lúa, thần rừng,…) với quan niệm vạn vật hữu linh, mọi vật đều có linh hồn. Họ tin vào một thế giới siêu hình tồn tại song song với thế giới thực tại của họ. Ví dụ câu truyện Chàng Sóc (I) của người Cơ Ho; câu truyện Nàng Ngà (VI) của người Mạ.
 
Trong chu kỳ vòng đời, người Cơ Ho và người Mạ có những nét tương đồng trong phong tục như sinh đẻ, cưới hỏi, tang ma,… Trong cách đặt tên con cũng có sự giống nhau, con trai thì đặt là K’ và tên riêng (K’Dong, K’Bâu, K’Khoẹt, K’Tôm), còn con gái thì đặt là Ka và tên riêng (Ka Yiêng, Ka Diên, Ka Nghê, Ka Nga).
 
Ngoài ra, truyện cổ tích Cơ Ho và Mạ còn có sự tương đồng về nội dung sinh hoạt được phản ánh trong tác phẩm, qua các truyện cổ tích của người Cơ Ho và người Mạ như: truyện Kon Đơi, Diệt cọp lươn (I), Po K’Long của người Cơ Ho; truyện Mồ côi và cá thần (I), Lá Đỏ, Tha Na của người Mạ.
 
Các kiểu nhân vật 
 
Kiểu nhân vật mồ côi cũng là kiểu nhân vật phổ biến trong truyện cổ tích mọi dân tộc, mọi thời kỳ lịch sử khác nhau, nhằm thể hiện lòng nhân đạo của tác giả đối với những nhân vật bất hạnh. Đa phần số phận nhân vật mồ côi trong các tác phẩm cổ tích của người Cơ Ho và người Mạ luôn được một thế lực siêu nhiên giúp đỡ và thường là kết thúc có hậu, sống một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc. Người Cơ Ho có câu chuyện về Hai em nhỏ mồ côi và trăn thần; truyện Chàng K’Đời và nàng Ka Bla; một số truyện điển hình của người Mạ như: K’Khoẹt; K’Bâu Mồ Côi hay truyện Người con côi và nàng rồng...
 
Như vậy, cả hai dân tộc cùng có chung một kiểu nhân vật mồ côi. Theo thống kê trong khuôn khổ đề tài, người Cơ Ho có 59 truyện, người Mạ có 63 truyện về kiểu nhân vật này trong tổng số 305 truyện cổ tích của hai dân tộc.
 
Bên cạnh đó, kiểu nhân vật mang lốt cũng là tuyến nhân vật khá phổ biến của người Cơ Ho và người Mạ. Các hình thức lốt này có liên quan đến giới động vật quen thuộc của núi rừng Tây Nguyên. 
 
Nhân vật mang lốt tuy phong phú nhưng có thể quy về một số dạng cơ bản như người thường bị dị tật bẩm sinh hay bệnh hoạn; người bị phù phép phải mang lốt; con không cha mang lốt; thần linh mang lốt để thử thách, giúp đỡ con người. Lốt là chi tiết quan trọng để phân biệt các kiểu nhân vật và các kiểu truyện cổ tích. Các dạng thức thường gặp của lốt thể hiện ngay khi đặt tên nhân vật chính, cũng đồng thời là tên tác phẩm như lốt dị dạng có chàng Cùi, chàng Cụt, chàng Ghẻ, chàng Lùn; lốt động vật có chàng Heo, chàng Dê, chàng Trâu, chàng Tôm, nàng Hươu; lốt thực vật như chàng Dưa, nàng Chuối, chàng Đu Đủ, lốt đồ vật có chàng Mâm, nàng Ngà…
 
Nhìn chung, cổ tích của cả hai dân tộc cùng có chung một kiểu nhân vật tiêu biểu là nhân vật mang lốt. Theo thống kê, người Cơ Ho có 50 truyện, người Mạ có 86 truyện về kiểu nhân vật mang lốt trong tổng số 305 truyện cổ tích của hai dân tộc kể cả dị bản.
 
Và sẽ thiếu sót nếu không đề cập đến kiểu nhân vật ma lai. Bởi trong văn học dân gian vùng Tây Nguyên nói chung, người Cơ Ho và người Mạ nói riêng thường nói đến thế lực Chà (ma quỷ) luôn làm hại con người, là ác thần khiến con người khiếp sợ. Đây là hiện tượng tín ngưỡng được nhắc đến như một cách biểu hiện sự lạc hậu, mê tín trong cộng đồng của hai dân tộc này. Người hiện đại xem tín ngưỡng này là mê tín dị đoan vì nó quá dã man, dẫn đến những cái chết oan uổng như trong truyện Tôi không phải là ma lai của người Cơ Ho; truyện Ma Nai chồng chồn của người Mạ.
 
Trong văn học dân gian của hai dân tộc, có một loại nhân vật ma được gọi là ma lai, hiện lên không chỉ là bóng hay hồn, mà là người, nhưng là người - ma, sống riêng thành bon ma hay sống trà trộn trong bon người, dùng bùa phép, biến hóa để tiếp cận và làm hại người thường, làm cho họ chết ngay hay đau ốm rồi chết dần, dù phải cúng bái rất tốn kém.
 
Nhìn chung, cổ tích của cả hai dân tộc cùng có chung một kiểu nhân vật độc đáo là nhân vật ma lai. Theo thống kê, người Cơ Ho có 19 truyện, người Mạ có 27 truyện về kiểu nhân vật ma lai trong tổng số 305 truyện cổ tích của hai dân tộc.
 
Đồng bào Mạ bản địa gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Ảnh: Q.Uyển
Đồng bào Mạ bản địa gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Ảnh: Q.Uyển
 
Nghệ thuật của truyện cổ tích 
 
Trong quá trình sáng tác, tác giả dân gian thường đặt tên truyện ngắn gọn, dễ hiểu, đặt theo cách đơn giản để dễ nhớ. Khi muốn giải thích một hiện tượng tự nhiên nào đó hay đặc điểm của các loài vật, tác giả dân gian hai dân tộc sử dụng ngay tên gọi của các hiện tượng tự nhiên đó, các đặc điểm của loài vật để đặt tên cho truyện cổ tích điển hình như truyện Dòng sông Đạ Huoai, Cọp mắc mưu người, Lấy rắn làm chồng... của người Cơ Ho; truyện Tắc Kè, Dọc Thần, Sự tích núi K’Nàng, Gà Thần... của người Mạ.
 
Ngoài ra, trong các truyện cổ tích Cơ Ho và Mạ mà chúng tôi đã khảo sát, sưu tầm, hầu hết các truyện đều có cách đặt tên khá giống nhau. Tên nhân vật thường được sử dụng để đặt tên cho truyện (K’Tàr, K’Lút, K’Tôm, K’Khoẹt)...
 
Có những nhân vật được dân gian đặt cho cái tên rất cụ thể, nhưng cũng có nhân vật đặt theo hình dáng bề ngoài khiến ta hình dung ngay ra hình thức bên ngoài của nhân vật, đó là truyện Lấy rắn làm chồng, Con Dê vàng, Chàng Bầu... của người Cơ Ho; truyện Chuyện chàng Rắn, Ma nai chồng chồn, Chàng Đu Đủ, Mồ côi và lươn thần... của người Mạ.
 
Nghiên cứu, tìm hiểu sự tương đồng về cách đặt tên truyện của người Cơ Ho và người Mạ ta thấy sự gần gũi trong quan niệm về thế giới tự nhiên, xã hội và con người, đặc biệt là nghệ thuật trong truyện cổ tích.
 
Về thời gian, đa số trong các truyện cổ tích của người Cơ Ho và người Mạ, yếu tố thời gian thể hiện thường ở đầu truyện và không xác định rõ ràng, dùng những từ mang tính chất ước lượng (ngày xưa, một hôm, một thời gian sau,…) như truyện: Ông Xơ-Rơ-Đen của người Cơ Ho; Chiêng biết nói của người Mạ, mở đầu câu chuyện thường sử dụng cụm từ “xưa lắm, bà Trời ông Đất lấy nhau sinh bà Bing...” hay: “Ngày xưa, có đôi vợ chồng...”
 
Về không gian, chủ yếu là những khung cảnh quen thuộc trong đời sống sinh hoạt cộng đồng của họ (buôn làng, khu rừng, ngọn núi, dòng suối, dòng sông), hoặc không gian huyền ảo trong tín ngưỡng (trên trời, dưới lòng đất, dưới lòng sông), như một số truyện: Lấy rắn làm chồng, Chồng Ếch và nàng công chúa út, K’Tar, Con quạ gian ác... của người Cơ Ho; truyện K’Tôm, Đô Gle xấu xí, Gà Thần, Con chung một mẹ... của người Mạ.
 
Hạnh phúc của mồ côi đa phần là nhờ có sự giúp đỡ của yếu tố thần kỳ. Các Yàng, nhất là Yàng Mặt Trời đã ban cho nhân vật mồ côi các vũ khí thiêng, hạt giống thần, công cụ sản xuất linh nghiệm, thậm chí nhân vật mồ côi vốn là người - thần, như K’Brài. Nếu nhân vật mồ côi thường phải nhờ vả nhiều vào yếu tố thần kỳ thì nhân vật mang lốt có sẵn trong mình các khả năng thần kỳ, tự cởi lốt đúng lúc để hoàn thiện mà không cần nhờ vả ai khác.
 
Từ điển văn học đã đưa ra cách hiểu về “motif”. Thứ nhất, “motif thường được hiểu theo nghĩa là “hạt nhân của cốt truyện”, là cái “công thức” từ đó cốt truyện được triển khai”; thứ hai, motif được hiểu theo nghĩa là “yếu tố hợp thành” của cốt truyện”. Thí dụ như các motif về “sự sinh nở thần kỳ”, “người đội lốt vật”, “thách đố”, “cởi lốt”, “kết hôn”… Các motif này kết hợp lại với nhau tạo nên những cốt truyện cụ thể từ đơn giản đến phức tạp trong kiểu truyện như truyện: Lấy chồng dê (II) của người Cơ Ho, tương tự truyện Tắc Kè của người Mạ. 
 
Nhìn chung, truyện cổ tích của cả hai dân tộc Mạ và Cơ Ho đều có chung những motif như: sự ra đời thần kỳ, người phụ trợ, sự thách đố, thần báo mộng, vũ khí thiêng, sự kết hôn, sự lên ngôi, sự cởi lốt, trở về trời...
 
Đâu là nguyên nhân và ý nghĩa của sự tương đồng
 
Người Cơ Ho và người Mạ phần nào có chung nguồn gốc với nhau từ xa xưa. Trong những câu chuyện của người Cơ Ho và người Mạ vẫn còn dấu vết của thời kỳ đó qua những chuyện kể nhắc tới biển, như các truyện: Chàng Tro (V), Ha Bò alah, Ja Siêng, Tăp Đòng Kòng Pơ nghe, Ka Drun ka Ol, Ma ăn người của người Cơ Ho; truyện Mồ côi và cá thần (III), Dam Bơ Kàu (III), Lá đỏ, Mồ côi và con bò, K’Té K’Tiên, K’Joành đánh thần sét, Nàng Ngà (II), K’Tàr (IV) của người Mạ.
 
Ngoài ra, dù là hai dân tộc, nhưng do cùng một nhóm ngữ hệ, lại có không gian sống gần nhau, cùng với đời sống du canh du cư, nên ít nhiều họ đã có sự gặp gỡ nhau trong quá khứ và đã có sự giao lưu, trao đổi về văn hóa, văn học dân gian với nhau. Điều này đã tạo nên những nét tương đồng trong nội dung và hình thức của những truyện cổ tích của người Cơ Ho và người Mạ.
 
Ở những vùng tiếp xúc nhau giữa hai dân tộc đã từng có sự cộng cư, sinh sống lẫn vào nhau, tạo nên sự giao thoa văn hóa và sự gặp nhau trong quan niệm tín ngưỡng và trong văn học dân gian. Chính vì vậy, trong nội dung truyện cổ tích của người Cơ Ho và người Mạ có sự tương đồng nhau về tín ngưỡng, tập tục và quan niệm sống.
 
Từ sự gặp nhau và gần gũi nhau trong văn hóa của người Cơ Ho và người Mạ đã tạo điều kiện cho sự tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống, tạo sự đoàn kết giữa hai dân tộc.
 
Sự tương đồng này còn tạo ra một khả năng giao lưu và hội nhập giữa người Cơ Ho và người Mạ, cùng với các cộng đồng người khác trên đất nước Việt Nam để cùng phát triển trong thời đại mới. Đây là một biểu hiện quan trọng trong văn hóa Việt Nam, là sự đa dạng trong thống nhất giữa văn hóa các tộc người, góp phần vào quá trình đại đoàn kết toàn dân trên đất nước Việt Nam.
 
Tóm lại, người Cơ Ho và người Mạ tuy là hai tộc người khác nhau, nhưng trong văn học dân gian, đặc biệt là truyện cổ tích có nhiều nét tương đồng với nhau về nội dung lưu giữ và chuyển tải (tín ngưỡng, phong tục, sinh hoạt), kiểu nhân vật và hình thức nghệ thuật (cách đặt tên, thời gian, không gian, những motif chủ yếu).
 
(CÒN NỮA)
 
LÊ THỊ HỒNG PHÚC