Khi cơn lũ băng qua...

06:08, 12/08/2019

Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3, trong bốn ngày qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa lớn kéo dài trên diện rộng, gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thiệt hại nặng về người và tài sản... 

Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3, trong bốn ngày qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa lớn kéo dài trên diện rộng, gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thiệt hại nặng về người và tài sản... 
 
Mưa lớn trong các ngày (từ ngày 6-9/8) đã nhấn chìm khu dân cư Thôn 7 và 9 phường B’Lao (TP Bảo Lộc) trong biển nước. Ảnh: Phạm Tiến Đạt
Mưa lớn trong các ngày (từ ngày 6-9/8) đã nhấn chìm khu dân cư Thôn 7 và 9 phường B’Lao (TP Bảo Lộc) trong biển nước. Ảnh: Phạm Tiến Đạt
 
Khi cơn lũ băng qua, màu áo bộ đội, công an, dân quân, đoàn thanh niên, cán bộ cùng người dân quyện hòa. Họ cùng nhau vượt qua lũ dữ và khi con nước về xuôi, họ cùng chung tay góp sức khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.
 
Tại Lạc Dương, lũ bất ngờ đổ về nhấn chìm cả nông trại sản xuất của gia đình ông Lê Tuấn (thôn Đạ Nghịt). Ông Tuấn ngậm ngùi: “Mất trắng rồi. Cùng với hệ thống nhà kính, lũ còn cuốn, nhấn chìm 7 xe cơ giới đang thi công mở rộng trang trại”. Cạnh đó, trang trại sản xuất rau, hoa công nghệ cao của Công ty Fresh Chilli Việt Nam cũng bị lũ phá hỏng. Thiệt hại lớn nhất là 1,2 ha nuôi cá nước lạnh bị ngập, hơn 310 tấn cá bị mất trắng, mất mát hơn 52 tỷ đồng. 
 
Trong khi đó, tại huyện Đạ Tẻh có 697 căn nhà bị ngập, trong đó có 201 hộ phải di dời; 1.065 ha cây trồng bị nhấn chìm. Nhiều tuyến đường, cầu cống bị ngập sâu khiến giao thông đi lại khó khăn. Tại huyện vùng sâu Cát Tiên, nhiều khu vực đã bị nước lũ chia cắt, 87 ngôi nhà và một trường học bị ngập; đường đến Thôn 1 bị chia cắt; 243 ha cây trồng bị ngập úng. Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên Bùi Văn Hùng cho biết: “Địa phương đã triển khai thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”. Khi xảy ra mưa lũ, lãnh đạo địa phương đã trực tiếp đến những địa bàn xung yếu để chỉ đạo công tác phòng, chống. Hiện nước đang rút, chúng tôi chỉ đạo các địa phương triển khai giúp người dân khắc phục hậu quả”. Nỗi lo lớn nhất của hai huyện này là ứng phó sự cố thủy điện Đắk Kar (Đắk Nông), khi “quả bom nước” đang treo lơ lửng. Tuy nhiên, các địa phương đã sẵn sàng phương án sơ tán khẩn cấp khoảng 300 hộ dân khu vực hạ du sông Đồng Nai, nếu xảy ra sự cố.
 
Khi cơn lũ dữ đi qua, nhiều người đã đến thắp nén nhang tiễn biệt, tri ân tấm gương dũng cảm quên mình trong tình huống giúp Nhân dân chống lũ, đồng chí Phạm Minh Tú (50 tuổi, công an viên thôn Tân Thịnh, xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc). Trong bức thư của Thượng tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an, thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an gửi lời thăm hỏi, chia buồn cùng gia đình, khẳng định: “Đồng chí Phạm Minh Tú đã thể hiện tinh thần, phẩm chất của người chiến sĩ Công an nhân dân: “Vì nước quên thân, vì dân quên mình”, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của Nhân dân”. Cùng với sự đau thương khi mất mát một tấm gương dũng cảm, Lâm Đồng còn thêm bốn người bị thương, do sự cố sạt lở đất trên đèo Bảo Lộc rạng sáng ngày 9/8. Sự cố này còn gây ách tắc giao thông nhiều giờ. 
 
Hai nhà dân tại Tổ dân phố 7, thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai treo lơ lửng trên vực suối Lạnh. Ảnh: Khánh Phúc
Hai nhà dân tại Tổ dân phố 7, thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai treo lơ lửng trên vực suối Lạnh. Ảnh: Khánh Phúc
 
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt đã có công điện hỏa tốc gửi chủ tịch UBND các huyện, thành phố trực thuộc và thủ trưởng các sở, ngành địa phương, yêu cầu tăng cường công tác ứng phó, khắc phục tình hình mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất trên địa bàn. Chủ động ứng phó, khắc phục trước tình hình mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất gây ra trên địa bàn, đảm bảo an toàn, giảm thiểu thiệt hại, sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống của Nhân dân. 
 
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Đức Quận cũng có công điện khẩn gửi UBND tỉnh và các đồng chí bí thư huyện ủy, thành ủy chủ động tập trung ứng phó với tình hình mưa, lũ và khắc phục thiệt hại, đảm bảo an toàn, sớm ổn định sản xuất và đời sống của Nhân dân. Trong đó, yêu cầu bí thư các huyện, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền, hệ thống chính trị địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ, sạt lở đất để chỉ đạo kịp thời các cấp, các ngành và người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh, ứng phó; tăng cường thông tin, tuyên truyền, không để xảy ra tình trạng chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm… trong phòng, chống thiên tai.
 
Để đảm bảo an toàn, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống Nhân dân, lãnh đạo huyện ủy, thành ủy, UBND và các Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) các huyện, thành phố đã chủ động thành lập các tổ công tác trực tiếp đến hiện trường để chỉ đạo ứng phó, xử lý các tình huống xảy ra. Huy động các lực lượng tại chỗ tổ chức xuống hiện trường, phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC & TKCN tỉnh ứng phó, sơ tán Nhân dân tại những khu vực có nguy cơ mất an toàn, triển khai lắp đặt các biển hướng dẫn, cảnh báo, cử các lực lượng thường trực, hỗ trợ đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản Nhân dân. Đồng thời, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm đảm bảo các hộ dân không bị đói, rét. Huy động phương tiện máy móc (máy múc, ủi) tổ chức khắc phục các vị trí bị sạt lở, thông đường tại các tuyến giao thông trên địa bàn... Đối với lực lượng y tế đã cắt, cử lực lượng y, bác sĩ trực, đảm bảo cơ số thuốc và các điều kiện khác sẵn sàng cứu chữa, điều trị kịp thời cho Nhân dân.
 
Trang trại chăn nuôi cá cả trăm tỷ đồng của gia đình anh Nguyễn Văn Toản phút chốc tan hoang. Ảnh: Văn Báu
Trang trại chăn nuôi cá cả trăm tỷ đồng của gia đình anh Nguyễn Văn Toản phút chốc tan hoang. Ảnh: Văn Báu
 
Theo báo cáo nhanh cập nhật đến chiều ngày 10/8, của Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Lâm Đồng, mưa lớn trong những ngày qua (từ ngày 6-9/8), đã gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất... tại các huyện: Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Lâm Hà, Bảo Lâm, Đức Trọng, Đam Rông, Lạc Dương, TP Đà Lạt và Bảo Lộc. Mưa lũ khiến hơn 2.430 căn nhà bị ngập, trong đó 548 hộ phải di dời; nhấn chìm hơn 2.558 ha cây trồng; gây ngập và thiệt hại hàng trăm ha nhà kính sản xuất công nghệ cao; 52,2 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập, hơn 310 tấn cá tầm bị cuốn trôi; nhiều tuyến giao thông bị sạt lở, chia cắt; nhiều xe ô tô bị ngập, cuốn trôi... Uớc tính ban đầu, tổng thiệt hại khoảng 130 tỷ đồng.
 
Hiện nước lũ đã cơ bản rút tại hầu hết các địa phương trong tỉnh, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, các địa phương, đơn vị triển khai việc kiểm tra, rà soát, đánh giá tình hình thiệt hại để có biện pháp khắc phục, hỗ trợ kịp thời đối với các địa phương và người dân bị thiệt hại. Ngay sau khi nước rút, tổ chức thăm hỏi, giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại sớm ổn định cuộc sống; tập trung khôi phục sản xuất và có biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường. 
 
THỤY TRANG