Ðồng hành cùng nông dân vì một Lâm Ðồng xanh

06:08, 01/08/2019

Mười năm, cả một quá trình dài Lâm Ðồng từng bước, từng bước xây dựng nông thôn mới, một nông thôn no ấm và bền vững...

Mười năm, cả một quá trình dài Lâm Ðồng từng bước, từng bước xây dựng nông thôn mới, một nông thôn no ấm và bền vững. Trong suốt hơn ba ngàn ngày ấy, tổ chức Hội Nông dân đã đứng cạnh hội viên, đồng hành, động viên những người nông dân vươn lên xây dựng quê hương xanh, một miền đất trù phú và an bình.
 
Canh tác nông nghiệp công nghệ cao tại Lâm Đồng. Ảnh: D.Q
Canh tác nông nghiệp công nghệ cao tại Lâm Đồng. Ảnh: D.Q
 
Vươn lên làm giàu chính đáng
 
Xây dựng nông thôn mới (NTM) đầu tiên phải là cùng nông dân thoát nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cư dân nông thôn, bảo đảm đến năm 2020 tăng thu nhập ít nhất 2,5 lần so với năm 2008. Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng hiện có trên 160 ngàn thành viên, chiếm trên 85% số hộ ở nông thôn, nên sự vươn lên của hội viên cũng là sự phát triển của nông thôn. Chính vì vậy, Hội Nông dân đã xác định hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế là then chốt trong xây dựng NTM. Hội đã làm đầu mối, liên kết mang vốn cho người nông dân. Tính tới tháng 7/2019, trên 1.500 tỷ đồng từ quỹ hội, từ các tổ chức tín dụng đã tới tay nông dân với lãi suất ưu đãi và thủ tục vay tín chấp đơn giản, là nguồn vốn vô cùng hữu ích để người nông dân đầu tư sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống gia đình.
 
Không chỉ tạo vốn, Hội còn hướng dẫn hội viên tiếp cận kiến thức khoa học kỹ thuật, tiếp cận những kỹ thuật canh tác hiện đại, biết sử dụng mạng internet để sản xuất kinh doanh, bước ra ngoài thế giới để học hỏi nông dân các quốc gia tiến bộ như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức. 
 
Hăng say lao động làm giàu, tính tới nay, đã có 66.399 hộ nông dân đạt danh hiệu Nông dân sản xuất giỏi các cấp, nhiều nông hộ cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm. Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, các mô hình kinh tế nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật theo các quy trình, tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững. Nông sản Lâm Đồng đã vượt qua nhiều rào cản, đến với thị trường quốc tế, có mặt khắp châu Âu, châu Á hay châu Phi, châu Mỹ. Và họ còn giúp nhau, tương trợ những hộ khó khăn về vốn, giống, kinh nghiệm vượt qua cái nghèo, vươn lên xây dựng kinh tế gia đình. Để tới hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 2,85%, một con số đáng kể so với xuất phát điểm nông nghiệp khó khăn của Lâm Đồng.
 
Những phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi do Hội Nông dân tổ chức cũng là một trong những điểm sáng ở nông thôn. Những phong trào ấy đã giúp đời sống tinh thần của người nông dân phong phú hơn, cuộc sống tươi vui hơn, chất lượng sống tốt hơn. Đây cũng là điều Hội Nông dân rất chú trọng bởi việc thiếu hụt về giải trí tinh thần ở nông thôn vẫn là một trong những điểm cần khắc phục.
 
Lòng dân cùng nhìn về một hướng
 
Nhà nước đầu tư, chính sách phù hợp, hỗ trợ nông dân phát triển nông thôn. Nhưng người nông dân mới đóng vai trò chủ chốt trong xây dựng NTM. Có thể nói, thành công trong xây dựng NTM của Lâm Đồng chính là “lòng dân”. Người nông dân đã ý thức được vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM, họ xác định được chính mình phải đóng vai trò chủ chốt để giữ gìn đất quê. Và Hội Nông dân đã đóng vai trò sát sườn, cùng với toàn thể hệ thống chính trị tuyên truyền, vận động, cùng bà con xây dựng ý thức lâu dài cho nông dân Lâm Đồng. 
 
Trong 10 năm, hội viên nông dân đã tự nguyện dỡ rào, hiến 776.654 m2 đất thổ cư, đất sản xuất của gia đình mà không lấy tiền đền bù; đóng góp trên 164 tỷ đồng; hơn 155.729 ngày công lao động để sửa chữa và làm mới cầu cống, đường sá, các công trình phúc lợi phục vụ cuộc sống. Không chỉ đóng góp chi phí, sức lao động, ý thức bảo vệ môi trường của người nông dân thay đổi rất nhiều, canh tác sạch hơn, giữ gìn nông thôn xanh hơn, nâng cao chất lượng sống ở nông thôn. 
 
Không chỉ đóng vai trò thụ động, người nông dân còn chủ động đứng ra đóng góp nhiều sáng kiến xây dựng NTM. Họ chủ động xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, các HTX, tổ hợp tác, đóng góp nhiều ý tưởng thực tế khiến không ít chủ trương, chính sách về NTM phải điều chỉnh để thích hợp với tình hình. Có thể nói, sự tham gia chủ động, tích cực của nông dân đã giúp công cuộc xây dựng NTM ở Lâm Đồng không xa rời thực tế, phù hợp với người nông dân và luôn được điều chỉnh hợp lý. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, một chủ trương lớn của Lâm Đồng không thể thành công nếu thiếu sự tham gia của những người nông dân vốn quen với cây cối, ruộng vườn. 
 
Suốt 10 năm, người nông dân Lâm Đồng đã cùng với Hội, tập thể của mình đồng hành cùng vun đắp kinh tế cho từng nông hộ, giữ gìn cho từng mảnh vườn. Những cá nhân nông dân vươn lên làm giàu, những tập thể nông dân tạo thành khối liên kết chặt chẽ đã cho thấy tương lai của nông thôn Lâm Đồng. Xây dựng NTM không chỉ dừng lại ở con số 10 năm, 20 năm hay một con số cụ thể nào đó mà là cả quá trình người nông dân ý thức được việc xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, phát triển bền vững; là nơi sống an bình, ổn định cho bản thân, cho gia đình và cho cộng đồng.
 
DIỆP QUỲNH