"Mùa" đi tìm học sinh

06:08, 19/08/2019

Một năm học mới sắp bắt đầu, mọi công tác chuẩn bị cho ngày tựu trường đã được các thầy cô giáo ở Trường Trung học cơ sở Đạ Nhim dần hoàn tất. Trong đó, việc quan trọng nhất chính là vận động học sinh đến trường, lớp nhằm duy trì sĩ số. 

Một năm học mới sắp bắt đầu, mọi công tác chuẩn bị cho ngày tựu trường đã được các thầy cô giáo ở Trường Trung học cơ sở Đạ Nhim dần hoàn tất. Trong đó, việc quan trọng nhất chính là vận động học sinh đến trường, lớp nhằm duy trì sĩ số. 
 
Thầy Tiến cùng cô giáo Nguyễn Thị Nhung tranh thủ giờ nghỉ trưa để gặp phụ huynh học sinh; vận động con em của họ đến trường, đến lớp đúng thời gian quy định. Ảnh: Đ.T
Thầy Tiến cùng cô giáo Nguyễn Thị Nhung tranh thủ giờ nghỉ trưa để gặp phụ huynh học sinh; vận động con em của họ đến trường, đến lớp đúng thời gian quy định. Ảnh: Đ.T
 
Thầy giáo Trần Đức Tiến - Phó Hiệu trưởng nhà trường ôn tồn giải thích về “mùa”. “Mùa” ở đây là sự vào cuộc của nhiều thầy cô giáo, đúng thời điểm và có tính lặp đi lặp lại để làm một công việc gì đó; mà ở đây cụ thể chính là công việc đi đến từng nhà, gặp từng phụ huynh, từng học sinh để các em đến trường, đến lớp đúng thời gian để bắt đầu một năm học mới. 
 
Xã Đa Nhim là một địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống của huyện Lạc Dương. Đa phần đồng bào DTTS đều mưu sinh dựa vào sản xuất nông nghiệp, đời sống còn khó khăn; chính vì vậy chuyện học hành của con em không phải lúc nào cũng được quan tâm sát sao. Và họ cũng không có điều kiện để chăm lo cho con em của mình trong tiến trình học tập.
 
Chính câu chuyện của cô Trần Thị Giang - giáo viên nhà trường, phải lặn lội vào tận nương rẫy tìm học sinh của mình trong đợt thi học kỳ niên khóa 2018 - 2019 đã minh chứng rõ cho việc học hành ở đây. Cô phải vượt núi rừng, tìm đến nương rẫy mà gia đình em K’Lực Trung Hải (học sinh lớp 9) đang canh tác để vận động rồi làm “xe ôm” đèo em ra thi học kỳ. Năm nay, K’Lực Trung Hải đã lên lớp 10, em thầm cảm ơn các thầy, cô giáo ở ngôi trường thân thương này vì nhờ họ mà em đã có một bước tiến mới trong con đường học hành của mình, nuôi ước mơ để có thể bay cao, bay xa hơn. Rồi một mai, mang những gì mình học được để giúp thôn bản, làng xã hay ít nhất cũng là tự giúp bản thân mình có một cuộc sống tươi mới hơn; không lầm lũi trong những cánh rừng như cha mẹ nữa. 
 
Năm học 2019 - 2020 này, cô giáo Nguyễn Thị Nhung được phân công chủ nhiệm lớp 9 A1 của trường. Nhận nhiệm vụ là cô liền nắm bắt sĩ số, tìm hiểu rõ về hoàn cảnh, điều kiện của từng học sinh để đến từng nhà vận động các em đến trường đến lớp đúng thời gian quy định. Cô Nhung tâm sự rằng, đối với các em khối lớp 9 thì thông thường lý do không đến trường đến lớp chính là vì phải giúp đỡ gia đình làm công việc nông nghiệp. Nắm bắt được điều đó mình phải trực tiếp vận động phụ huynh, giải thích cho họ hiểu rõ đi học là quyền lợi của các em, nếu các em thất học thì sau này rất thiệt thòi.
 
Điều thứ hai cô Nhung thường giải thích cho phụ huynh đó là cho con em đi học cũng là cách để giúp chính gia đình mình, vì sau này nếu các em có về lại giúp gia đình làm nông nghiệp thì cũng rất dễ tiếp cận với các tài liệu, con số, kỹ thuật canh tác; qua đó nâng cao chất lượng sản xuất. Ngoài ra, có trình độ các em rất dễ tiếp cận với các công việc bên ngoài; có thể được nhà tuyển dụng quan tâm, tìm được những công việc có thu nhập ổn định.
 
Theo cô giáo Nguyễn Thị Nhung thì trong công tác vận động học sinh đến trường đến lớp có những khó khăn nhất định. Điều đầu tiên là địa bàn vì các em ở rải rác, không tập trung, đường sá đi lại khó khăn; thứ hai chính là nhận thức của phụ huynh còn ở một mức độ nhất định; thứ ba chính là tâm lý của học sinh khi gặp thầy cô giáo. Cho nên giáo viên ở đây phải gần dân và đối xử với học trò như người thân trong gia đình của mình mới có kết quả.
 
Còn riêng thầy giáo trẻ Hồ Hải Dương thì cho biết: Ở khối học sinh lớp 6, lớp 7, một số em lý do không đi học chính là “mê” game. Vì thời buổi này, công nghệ, Internet đã len lỏi vào tận những nơi xa xôi, hẻo lánh. Đi tìm học sinh ra trường lớp thì phải đến gia đình thông báo lý do cho phụ huynh, nhưng gặp được các em rất khó, vì nghe tiếng xe máy của thầy giáo đầu ngõ là đã “ba chân bốn cẳng” trốn đi nơi khác rồi. 
 
Nhưng biện pháp hữu hiệu hơn chính là phải tuyên truyền đến phụ huynh, yêu cầu hợp tác, quản lý con em chặt chẽ về giờ giấc.
 
Mặt khác, trong công tác vận động học sinh đến trường đến lớp đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự chung tay của các đoàn thể chính trị - xã hội. Trong những năm qua, tỉ lệ học sinh đến trường, đến lớp của xã Đạ Nhim luôn đạt tỷ lệ cao; theo Đảng ủy xã Đạ Nhim thì đây là một nội dung trọng tâm được xác định trong công tác dân vận của Khối Dân vận xã. Công tác vận động này được giao cụ thể đến các chi bộ, đảng viên, kết hợp với đoàn thể chính trị - xã hội mà nòng cốt là thầy cô giáo tại trường, để hiểu rõ từng hoàn cảnh học sinh; qua đó, tìm ra biện pháp vận động hiệu quả nhất.
 
Bà Nguyễn Thị Thủy - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lạc Dương cho biết: Là một địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống, tại xã Đạ Nhim các thầy cô giáo đã tích cực trong công tác vận động học sinh đến trường đến lớp; qua đó, tìm hiểu và giúp đỡ được nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn không bỏ học giữa chừng. Nhiều tấm gương thầy cô giáo tại Trường Trung học cơ sở Đạ Nhim là tấm gương sáng để đội ngũ giáo viên địa phương học hỏi; nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động học sinh và duy trì sĩ số.
 
ĐỨC TÚ