Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, các sản phẩm nhựa dùng 1 lần trong y tế có ưu điểm là đã góp phần phòng ngừa được nguy cơ lây nhiễm, đảm bảo chất lượng chuyên môn y tế; đặc biệt những công việc đòi hỏi nghiêm ngặt về vô trùng, an toàn, an ninh sinh học...
Ngành y tế phát sinh lượng lớn chất thải nhựa
Theo ước tính tổng lượng chất thải y tế nguy hại là 21.374 tấn/năm, lượng chất thải y tế nguy hại được xử lý là 21.185 tấn/năm (chiếm 99,1%). Tổng lượng chất thải sinh hoạt phát sinh 116.058 tấn/năm, lượng chất thải sinh hoạt được xử lý là 114.219 tấn/năm (chiếm 98,4%). Đến nay, chưa có số liệu thống kê cụ thể về lượng chất thải nhựa phát sinh của ngành y tế hàng năm.
Tuy nhiên, theo báo cáo của một số cơ sở y tế được Cục Quản lý môi trường khảo sát thì tỷ lệ nhựa trong chất thải y tế (không bao gồm chất thải sinh hoạt) tại các bệnh viện dao động trong khoảng 10 - 45%; tỷ lệ nhựa trong chất thải sinh hoạt tại cơ sở y tế trong khoảng 12 - 17%.
Trong ngành y tế, tính ưu việt của các sản phẩm nhựa dùng 1 lần như bơm kim tiêm dùng 1 lần, dụng cụ thiết bị dùng 1 lần trong phẫu thuật, xét nghiệm như găng tay vô trùng, chai, lọ, ống đựng bệnh phẩm… đã góp phần loại trừ, giảm thiểu nhiều nguy cơ lây nhiễm, đảm bảo các hoạt động chuyên môn y tế được thực hiện đúng theo quy định, đặc biệt những công việc đòi hỏi nghiêm ngặt về vô trùng, an toàn, an ninh sinh học. Điều đó đồng nghĩa với việc chủng loại và khối lượng chất thải nhựa trong y tế là đa dạng và phát sinh với khối lượng lớn.
Ngoài ra, do đặc thù trong ngành y tế, việc lưu trú, sinh hoạt của nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại cơ sở y tế cũng làm phát sinh lượng chất thải nhựa dùng một lần trong sinh hoạt rất lớn. Việc thay đổi nhận thức, hình thành thói quen cho nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân về thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần, hạn chế việc phát sinh chất thải, chất thải nhựa là một quá trình lâu dài.
Trên bình diện chung, các sản phẩm thân thiện môi trường thay thế cho sản phẩm nhựa cũng là một khó khăn không nhỏ trong giai đoạn hiện nay. Việc tiếp cận những sản phẩm thân thiện môi trường về chủng loại, mặt hàng, số lượng, giá thành, khả năng cung ứng tại các địa phương cũng rất khác nhau, và hầu hết là chưa đảm bảo cho việc sớm thay thế, loại trừ hoàn toàn việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.
Phong trào chống rác thải nhựa tại cơ sở y tế
Năm 2018, hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động, Bộ Y tế đã có chỉ đạo toàn ngành triển khai phong trào. Trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng cùng nhau thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái. Kết quả bước đầu triển khai được Bộ Y tế ghi nhận điểm sáng tại tỉnh Bình Định. Từ tháng 12/2018 đến tháng 3/2019, các cơ sở y tế tại tỉnh Bình Định đã xây dựng và triển khai các hoạt động “Chống rác thải nhựa” gắn với thực hiện nhiệm vụ công tác của từng đơn vị, thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa dùng 1 lần” và túi nilon khó phân hủy. Tăng cường tổ chức quản lý chất thải rắn theo mô hình 3R (giảm thiểu - tái sử dụng - tái chế); đẩy mạnh hoạt động phân loại, thu gom các sản phẩm nhựa, túi nilon đã qua sử dụng và vận chuyển đến nơi tái chế xử lý đúng quy định. Với những nỗ lực đó, trong 4 tháng đầu triển khai các cơ sở y tế tỉnh Bình Định đã thu gom, phân loại và giao cho các cơ sở có giấy phép hành nghề xử lý gần 73.340 kg chất thải nguy hại; 6.500 kg chất thải nhựa có thể tái chế. Việc tái chế, tái sử dụng túi nilon đã giảm thiểu 10.000 túi nilon dung tích 15 lít thải ra môi trường.
Thực hiện Chỉ thị số 08/CT-BYT ngày 29/7/2019 của Bộ Y tế về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế, Sở Y tế Lâm Đồng chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành triển khai thực hiện tốt phong trào này. Cụ thể, đối với các cơ sở khám, chữa bệnh trong toàn ngành ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch giảm thiểu chất thải nhựa trong hoạt động của đơn vị, trong đó phải có nội dung, chỉ tiêu phấn đấu và mốc thời gian thực hiện với các nội dung: Tăng cường sử dụng thuốc bằng đường uống; sử dụng các vật dụng, vật tư, thiết bị y tế, bao bì, dụng cụ đóng gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng trong quá trình khám, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh, trong hoạt động nghiên cứu, kiểm nghiệm, kiểm định và các hoạt động chuyên môn y tế khác, nhằm giảm phát sinh chất thải nhựa. Hạn chế sử dụng túi, chai, cốc, bát, đĩa, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc nilon khó phân hủy cho mục đích ăn, uống của người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế và tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn của đơn vị; tiến tới thay thế bằng các vật liệu thân thiện với môi trường, hoặc có thể tái sử dụng...
Đối với văn phòng Sở Y tế, các chi cục và các đơn vị y tế hệ dự phòng: Hạn chế, tiến tới không sử dụng túi, chai, cốc, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc nilon khó phân hủy tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn và các hoạt động khác của cơ quan; thay thế bằng các vật dụng làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng. Phát động phong trào thi đua và vận động mỗi công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan thực hiện giảm thiểu và tiến tới không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy.
AN NHIÊN