Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường

06:08, 08/08/2019

Từ 2016 - 2019, Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ vận động, hỗ trợ hội viên phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường. 

Từ 2016 - 2019, Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ vận động, hỗ trợ hội viên phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường. 
 
Bà Dương Thị Hạnh - Chủ nhiệm CLB Doanh nhân nữ Lâm Đồng tặng quà cho các nữ doanh nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Ảnh: A.N
Bà Dương Thị Hạnh - Chủ nhiệm CLB Doanh nhân nữ Lâm Đồng tặng quà cho các nữ doanh nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Ảnh: A.N
 
Phụ nữ giúp nhau giảm nghèo 
 
Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh chủ động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên về ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nông nghiệp công nghệ cao để tạo ra các sản phẩm đảm bảo chất lượng gắn với bảo vệ môi trường. Vận động phụ nữ tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể, như tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất, hợp tác xã (HTX) để sản xuất theo chuỗi giá trị; chú trọng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm an toàn, không sử dụng chất cấm trong sản xuất chăn nuôi, không kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. 
 
Theo Hội Phụ nữ tỉnh, thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo nhanh, bền vững, Hội tiếp tục tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội cho hội viên phụ nữ nghèo vay vốn để phát triển kinh tế. Đến nay, tổng dư nợ toàn tỉnh trên 1.222 tỷ đồng với 36.473 hộ vay thuộc 921 tổ; nợ quá hạn 2,179 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 0,17%). Tiếp tục thu hồi và giải ngân Quỹ Hỗ trợ phụ nữ nghèo với dư nợ trên 5 tỷ đồng có 935 thành viên tham gia vay vốn; duy trì hoạt động Quỹ quay vòng vệ sinh với dư nợ 2,4 tỷ đồng cho 339 thành viên vay. 
 
Đồng thời, thực hiện hướng dẫn liên ngành về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ, đến nay, tổng dư nợ vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hơn 217 tỷ đồng cho 1.607 hộ vay thuộc 56 tổ tại 4 huyện: Di Linh, Lạc Dương, Lâm Hà, Đam Rông.
 
Phát huy nội lực trong công tác phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của phụ nữ, các cấp Hội tiếp tục duy trì các tổ tiết kiệm, tổ hùn vốn, tổ quay vòng vốn tại 1.576 chi, tổ hội. Đến nay, có 1.639 tổ tiết kiệm với 43.020 thành viên tham gia với số tiền hơn 32 tỷ đồng. Phong trào giúp nhau phát triển kinh tế luôn được các cấp Hội quan tâm, duy trì bằng nhiều hoạt động như hỗ trợ tiền, ngày công, con giống... đã giúp cho trên hàng ngàn chị có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập ổn định cuộc sống.
 
Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp
 
Xác định hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp là nội dung quan trọng, Hội Phụ nữ tỉnh tham mưu xây dựng kế hoạch tổng thể thực hiện Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp (Đề án 939); tổ chức tập huấn cho cán bộ huyện, thành phố và cơ sở; chỉ đạo 12/12 huyện, thành Hội xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Thành lập Hội đồng thẩm định ý tưởng khởi nghiệp của tỉnh giai đoạn 2017 - 2025. Tổ chức hội thảo, tọa đàm, truyền thông Đề án 939 sâu rộng đến đông đảo hội viên phụ nữ; khảo sát nhu cầu hội viên phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp. Hàng năm phát động “Ngày Phụ nữ khởi nghiệp” đến các cấp Hội Phụ nữ.
 
Trong 2 năm (2018 - 2019) có 145 ý tưởng của phụ nữ các huyện, thành phố tham gia Ngày Phụ nữ khởi nghiệp (vượt 45% so với kế hoạch). Năm 2018, Lâm Đồng có 3 đề án khởi nghiệp xuất sắc cùng với 17 đề án khởi nghiệp khác trong cả nước được tham gia tại Diễn đàn “Kết nối phụ nữ khởi nghiệp với các nhà đầu tư” và được sự hỗ trợ kinh phí từ các nhà đầu tư. Năm 2019, Hội Phụ nữ Lâm Đồng giới thiệu 18 ý tưởng tham gia cuộc thi chứng minh ý tưởng lần 3 do Trung ương Hội tổ chức với chủ đề “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh”, kết quả có 1 ý tưởng xuất sắc. Để những ý tưởng của phụ nữ hình thành và khả thi, phù hợp thực tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức tập huấn chuyên sâu về xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, lập kế hoạch kinh doanh, ý tưởng để khởi nghiệp, đánh giá về nguồn lực, thực trạng, cơ hội và rủi ro trong kinh doanh, trao đổi, chia sẻ, thảo luận, đóng góp các ý kiến, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình khởi nghiệp.
 
Đồng hành cùng với phong trào khởi nghiệp của phụ nữ, CLB Nữ Doanh nhân tỉnh ra đời đã phát triển thêm nhiều thành viên mới với gần 100 chị. CLB đã có nhiều hoạt động đóng góp trong phong trào phụ nữ như hỗ trợ kinh phí xây dựng các công trình đồng hành cùng phụ nữ biên cương; hỗ trợ Quỹ vì người nghèo của TP Đà Lạt; hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp... Phối hợp tổ chức Diễn đàn “Phụ nữ khởi nghiệp - Cơ hội và thách thức” nhằm chia sẻ, tư vấn, thông tin về khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, kỹ năng điều hành quản trị doanh nghiệp, tiến tới xây dựng hệ thống mạng lưới chuyên gia tư vấn nữ về khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp.
 
Đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, xây dựng các HTX, tổ liên kết 
 
Hội LHPN tỉnh tiếp tục tổ chức các hoạt động hỗ trợ cho các tổ hợp tác, HTX và dạy nghề giới thiệu việc làm cho phụ nữ. Phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện Lạc Dương tổ chức Hội thảo về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây Artisô cho 10 thành viên của tổ hợp tác tại xã Đạ Sar (Lạc Dương), trang bị kiến thức về VietGap và kỹ thuật trồng, chăm sóc cây Artisô theo tiêu chuẩn VietGap, kiến thức về chuỗi giá trị và hỗ trợ 10.000 cây giống cho 10 hộ trong tổ. Phối hợp với Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh và Công ty TNHH Golocor tổ chức khóa đào tạo nghiệp vụ quản gia - buồng phòng cho 20 chị là hội viên phụ nữ thuộc TP Đà Lạt, sau 3 tháng kết thúc khóa học, 100% chị em được giới thiệu việc làm tại các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn và đã có thu nhập ổn định. Thành lập HTX sản xuất kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp Đà Loan (Đức Trọng) với 28 thành viên; Hội LHPN tỉnh hỗ trợ 300 triệu đồng từ nguồn quỹ Chương trình xây dựng Nông thôn mới và tổ chức dạy nghề trồng rau theo tiêu chuẩn VietGap cho các thành viên trong HTX. 
 
Các cấp Hội đã tích cực vận động hội viên tham gia các mô hình kinh tế hợp tác theo chuỗi giá trị, hỗ trợ thành lập các mô hình kinh tế hợp tác phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Đến nay, các cấp Hội đã thành lập được 3 HTX và 12 tổ hợp tác, 7 tổ liên kết với 185 thành viên như: Tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm, Tổ hợp tác đan nong né tại huyện Lâm Hà; Tổ hợp tác đan móc len tại Lạc Dương; Tổ liên kết nuôi cá nước ngọt, Tổ liên kết nuôi gà thả vườn, Tổ liên kết trồng bơ tại Bảo Lộc... Hội LHPN các cấp đã phối hợp tổ chức 200 lớp dạy nghề móc len, thêu tay, kỹ thuật chăm sóc cà phê, dâu tằm, nghề thú y, làm hoa hạt nhựa bình pha lê... cho 14.100 chị và đã có 6.035 chị có việc làm sau học nghề, có 58 chị tham gia xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, Hàn Quốc.
 
AN NHIÊN