Dìu dắt học trò bằng tâm huyết và niềm đam mê

06:08, 20/08/2019

Khi được giao hướng dẫn học sinh của trường tham gia các cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp huyện, tỉnh, cô giáo, thạc sĩ Vật lý Nguyễn Thị Thanh Nga (Trường THPT Đơn Dương, huyện Đơn Dương) với tất cả tâm huyết, đam mê của mình đã dìu dắt các em học sinh liên tục đoạt giải cao tại các sân chơi trí tuệ này.

Khi được giao hướng dẫn học sinh của trường tham gia các cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp huyện, tỉnh, cô giáo, thạc sĩ Vật lý Nguyễn Thị Thanh Nga (Trường THPT Đơn Dương, huyện Đơn Dương) với tất cả tâm huyết, đam mê của mình đã dìu dắt các em học sinh liên tục đoạt giải cao tại các sân chơi trí tuệ này.
 
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nga chụp ảnh cùng các em học sinh. Ảnh: T.V
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nga chụp ảnh cùng các em học sinh. Ảnh: T.V
 
Đã 4 năm liên tục, từ năm học 2015 - 2016, Trường THPT Đơn Dương tham gia các cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng, khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp huyện, tỉnh. Đặc biệt, năm học 2017 - 2018, Đề tài “Nghiên cứu sản xuất màng sinh học từ phế phẩm tơ tằm chiếu xạ để bảo quản trái dâu tây” của hai em học sinh của nhà trường là Lê Nguyễn Hoàng Ngân và Phan Lê Thảo Phương đã đoạt giải nhì cuộc thi KHKT cấp quốc gia. Đề tài này sau đó dự thi và đoạt giải đặc biệt Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Lâm Đồng và giải nhất Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc. Và vào tháng 10 năm nay, đề tài này sẽ tham gia Cuộc thi KHKT quốc tế được tổ chức tại Indonesia. Giáo viên trực tiếp hướng dẫn các em học sinh của Trường THPT Đơn Dương là cô giáo, thạc sĩ Vật lý Nguyễn Thị Thanh Nga. Em Phan Lê Thảo Phương, tác giả của đề tài trên đã xúc động khi nói về cô giáo của mình: “Khi bắt tay vào nghiên cứu đề tài này, chúng em vốn chưa có đủ kiến thức nhưng may mắn chúng em đã được cô Nga tận tình và tâm huyết hướng dẫn, dìu dắt mà không hề nề hà bất cứ khó khăn gì”.
 
Và không chỉ hướng dẫn hai em Ngân, Thảo với đề tài trên, mà từ 4 năm nay, người luôn sát cánh cùng các thế hệ học trò nhà trường, dìu dắt các em đi tới thành công tại các cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng, KHKT huyện, tỉnh và cấp quốc gia không ai khác ngoài cô giáo Nga. Khi nghe chúng tôi hỏi về “bí quyết” hướng dẫn các em học sinh, để lần đi thi nào cũng đều đoạt giải cao tại các cuộc thi, cô Nguyễn Thị Thanh Nga cười thật tươi bộc bạch: Các cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng, KHKT mặc dù đã được tổ chức từ lâu nhưng năm 2015 là năm đầu tiên Trường THPT Đơn Dương tham gia và lúc đó, tôi cũng lần đầu tiên được giao nhiệm vụ hướng dẫn các em nghiên cứu đề tài. Thật lòng là lúc đó tôi không hình dung được phải hướng dẫn các em như thế nào, phải bắt đầu từ đâu. Vậy là lại một quá trình nghiên cứu, tìm tòi, dựa vào các công văn hướng dẫn của Sở, rồi dựa vào cách mình viết luận văn lúc đi học để hướng dẫn các em, rồi lại liên hệ với Trường Cao đẳng Nghề, với Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt để nhờ trợ giúp. Và năm đó, với Đề tài “Quan sát sự chuyển động của hạt phóng xạ” của hai em học sinh Nguyễn Thanh Hải, Phạm Trần Bảo Khang đã lần lượt đoạt các giải như giải nhì vật lý cấp tỉnh, giải ba chung cuộc cấp tỉnh, giải nhì cấp quốc gia khu vực phía Nam và giải nhì hội thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng cấp tỉnh. Đây thật sự là niềm vui rất lớn của cả thầy và trò chúng tôi và cũng là động lực để tôi tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu và nỗ lực hơn nữa trong việc hướng dẫn các em tại các cuộc thi tiếp theo.
 
Cô giáo Nga cho biết thêm, bắt đầu từ năm lớp 10 khi các em mới vào trường, sẽ tập trung các em lại, cho các em đăng ký nguyện vọng, rồi cho các em thử thiết kế, xem khả năng của các em tới đâu, lúc đó mới chọn ra các em thật sự có khả năng để bồi dưỡng. “Để có thể toàn tâm, toàn ý hướng dẫn các em hoàn thiện các đề tài khoa học để tham gia các cuộc thi sáng tạo thì người giáo viên trước hết phải thật sự yêu nghề, có niềm đam mê nghiên cứu khoa học, bởi nếu không có đủ niềm đam mê và kiên trì thì rất dễ bỏ cuộc. Ví dụ như Đề tài Hệ thống thông minh sử dụng năng lượng mặt trời của 2 em học sinh Nguyễn Thành Hiếu và Nguyễn Việt Hùng tham gia cuộc thi năm 2018-2019. Lúc đó, khi cuộc thi đã cận kề thì tìm hiểu trên mạng, cô trò mới phát hiện đề tài này vốn đã phổ biến trước đó, vậy là lại ngày đêm gấp rút nghĩ cách sáng tạo thêm con ro bốt trong nhà kính. Đề tài này sau đó đã đoạt giải nhất cấp tỉnh, giải tư cấp quốc gia khu vực phía Nam và giải nhì cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đống cấp tỉnh. Nhưng nói thật, nếu trước đó, cả cô và trò không đam mê và kiên trì tới cùng thì có lẽ đã bỏ cuộc giữa chừng!” - cô giáo Nga kể.
 
Cô giáo Thanh Nga chia sẻ: “Ngoài việc phải đảm bảo số tiết đứng lớp, người giáo viên hướng dẫn phải dành nhiều thời gian để đọc tài liệu. Bản thân tôi cũng thường đọc và dịch các tài liệu từ tiếng Anh qua tiếng Việt để tìm hiểu. Rồi thêm vào đó, còn phải dành thời gian để đưa các em đi lại, thuyết phục phụ huynh ủng hộ... Và rất may, Ban giám hiệu nhà trường đã tạo mọi điều kiện để tôi hoàn thành công việc”.
 
Nói về cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nga, thầy Trần Quang Dương - Hiệu phó nhà trường cho biết: “Cô Nga là người có tay nghề, năng lực chuyên môn vững vàng và đặc biệt là có niềm đam mê nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Và trong những năm học vừa qua, bằng kinh nghiệm, niềm đam mê và sự tận tụy, trách nhiệm với công việc, cô Nga đã hỗ trợ nhà trường rất nhiều, tham mưu cho nhà trường trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và tận tình hướng dẫn các em học sinh. Và với các giải cao trong các cuộc thi khoa học kỹ thuật mà học sinh của trường lần lượt mang về trong các năm học vừa qua, cô Nga và các em học sinh đã mang lại niềm vinh dự rất lớn cho nhà trường”. 
 
THY VŨ