Triển khai Dự án Text to change tại Lâm Ðồng

07:08, 21/08/2019

Năm 2019, Lâm Ðồng là tỉnh đầu tiên trong cả nước được SOS Việt Nam chọn triển khai thí điểm Dự án Text to change (Nhắn tin để thay đổi), nhằm tăng cường kỹ năng làm cha mẹ cho người làm công tác trẻ em, cha mẹ, người chăm sóc thông qua việc lan tỏa thông tin bằng tin nhắn hàng ngày trên điện thoại di động...

Năm 2019, Lâm Ðồng là tỉnh đầu tiên trong cả nước được SOS Việt Nam chọn triển khai thí điểm Dự án Text to change (Nhắn tin để thay đổi), nhằm tăng cường kỹ năng làm cha mẹ cho người làm công tác trẻ em, cha mẹ, người chăm sóc thông qua việc lan tỏa thông tin bằng tin nhắn hàng ngày trên điện thoại di động. Qua đó, góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực, xâm hại và bóc lột trẻ em tại gia đình, cộng đồng. 
 
Dự án Text to change là một sáng kiến của tổ chức SOS quốc tế được triển khai hiệu quả từ năm 2014 tại các quốc gia Sri Lanka, Nepal, Bangladesh và Cambodia. Dự án sử dụng tin nhắn để lan tỏa thông tin thông qua các ứng dụng phổ biến gồm SMS/WhatsApp/Zalo Quicklearns thúc đẩy học hỏi, chia sẻ trong cộng đồng xã hội và cải thiện tình cảm, quan hệ giữa cha mẹ, người chăm sóc với các con của mình. Đồng thời, dự án cũng hướng đến tăng cường năng lực cha mẹ, người chăm sóc xây dựng một môi trường an toàn, thân thiện cho trẻ em và đảm bảo trẻ em lớn lên và được chăm sóc đầy đủ về thể chất, tinh thần, an sinh xã hội thông qua chất lượng kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ tốt. Cha mẹ, người chăm sóc được hướng dẫn các phương án giáo dục thay thế tích cực giảm thiểu mọi thái độ, hành vi tiêu cực ở trẻ em, thanh thiếu niên và phòng tránh các phương pháp kỷ luật bạo lực tại gia đình.
 
Theo ông Nguyễn Xuân Hòa - đại diện Làng trẻ em SOS Việt Nam cho biết, qua khảo sát được triển khai tại Lâm Đồng, số lượng liên quan tới trẻ em cũng như các bà mẹ, các phụ huynh tham gia các chương trình tăng cường gia đình của SOS Đà Lạt, với hơn 100 mẫu thu thập được cho thấy nhận thức và kỹ năng của người chăm sóc trẻ chưa nắm được thế nào là cần phải bảo vệ trẻ em, thế nào là làm cha mẹ tốt để giúp cho trẻ có thể được chăm sóc và nuôi dưỡng một cách đầy đủ. Mặt khác, các phát hiện cho thấy, vấn đề xâm hại, bạo lực và bóc lột trẻ em về thể chất và tinh thần còn phổ biến; kiến thức và hiểu biết giới tính, xử lý mâu thuẫn gia đình, chăm sóc y tế và sức khỏe, sự phân biệt đối xử và bất bình đẳng trên cơ sở giới, công tác phòng chống và ứng phó với mọi hành vi xâm hại, bạo lực và bóc lột trẻ em còn hạn chế; điều kiện kinh tế và khả năng vươn lên tự làm chủ cuộc sống gặp nhiều thách thức; chính sách và thực hiện chính sách, sự gắn kết mạng lưới cung cấp dịch vụ cho trẻ em có nhiều khoảng trống.
 
Chính vì vậy, tại Lâm Đồng, Dự án Text to change được triển khai từ năm 2019 (dự kiến kéo dài trong 3 năm), do Làng trẻ em SOS Đà Lạt là cơ quan trực tiếp thực hiện. Văn phòng Làng trẻ em SOS Việt Nam là cơ quan điều hành và hỗ trợ, nhằm tăng cường kiến thức làm cha mẹ tốt cho đội ngũ các bà mẹ, các bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ để nuôi dưỡng trẻ tốt hơn. Thêm vào đó, mục tiêu của dự án cũng muốn tập trung vào hơn 300 đối tượng hưởng lợi, gồm: Các bà mẹ, bà dì hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại Làng trẻ em SOS Đà Lạt; đội ngũ là giáo viên đang tham gia giáo dục và dạy dỗ trẻ tại Trường Hermann Gmeiner Đà Lạt và cha mẹ, phụ huynh chăm sóc trẻ tại 2 huyện Lâm Hà và Đơn Dương (đây là 2 địa phương đang triển khai chương trình tăng cường gia đình tại cộng đồng).
 
Dự án được thiết kế và vận dụng tối ưu lợi thế của công nghệ di động để lan tỏa thông tin. Thông qua giải pháp công nghệ di động, dự án truyền tải thông tin đến đối tượng hưởng lợi nhằm tăng cường năng lực của cha mẹ, người chăm sóc và khả năng ứng phó với mọi vấn đề xâm hại, bạo lực và bóc lột tình dục với trẻ em tại gia đình và cộng đồng.
 
Dự án phối hợp chặt chẽ với Dolisa Lâm Đồng, Công ty MobilTrain và các nhà cung cấp dịch vụ mạng di động tại Việt Nam gồm: Vinaphone, MobiFone, Viettel... Công ty MobilTrain chịu trách nhiệm cung cấp nội dung theo chủ đề tập huấn và được xây dựng dựa trên sự phối hợp chặt chẽ với SOS Việt Nam và Dolisa Lâm Đồng. Công ty MobilTrain chịu trách nhiệm hợp tác đối tác và ký kết thỏa thuận hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ mạng di động tại Việt Nam gửi chuyển tin nhắn hợp pháp và đúng quy định pháp luật của Việt Nam. 
 
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Hòa, từ khi dự án được triển khai, mỗi ngày, chương trình sẽ gửi đi 1 tin nhắn đến cho những người tham gia dự án và trong năm 2019 sẽ có 5 chủ đề, trong mỗi chủ đề sẽ có 60 tin nhắn. Dự án cũng yêu cầu những người tham gia dự án khi đọc tin nhắn sẽ hiểu và ghi chép lại các tin nhắn đó vào sổ nhật ký của mình, sau đó, thảo luận nhóm trong bộ phận của mình để có những thông tin phản hồi và cũng có thể học được những kinh nghiệm từ các tin nhắn đó để có thể chăm sóc các con tốt hơn. “Để dự án này triển khai thành công, cần phải có sự vào cuộc, nỗ lực mạnh mẽ của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Ngoài ra, chúng tôi cũng rất mong muốn là tại cơ sở, các bậc phụ huynh - những người tham gia dự án ở 2 huyện Đơn Dương và Lâm Hà cũng phải tích cực tham gia vào dự án, phải biết được trách nhiệm của mình và có những phản hồi đối với dự án để chúng tôi có những thông tin, và biết được đang có những khoảng trống ở đâu về kiến thức, kỹ năng, từ đó chúng tôi mới có những kế hoạch hỗ trợ, can thiệp” - ông Nguyễn Xuân Hòa nói thêm.
 
THY VŨ