Cùng với những nỗ lực duy trì Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế, đơn vị tiên tiến về y dược cổ truyền đến giai đoạn 2020..., thời gian qua Trạm Y tế xã Ðạ Sar (Lạc Dương) luôn làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân tại địa phương.
Cùng với những nỗ lực duy trì Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế, đơn vị tiên tiến về y dược cổ truyền đến giai đoạn 2020..., thời gian qua Trạm Y tế xã Ðạ Sar (Lạc Dương) luôn làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân tại địa phương.
|
Cán bộ Trạm Y tế xã Đạ Sar khám bệnh cho bà con DTTS. Ảnh: N.N |
Xã Đạ Sar có 6 thôn với 1.220 hộ trên 5.000 nhân khẩu; trong đó trên 90% số hộ là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Toàn xã có 78 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,3%.
Chị Liêng Jrang Marisell - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đạ Sar cho biết: “Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân là nhiệm vụ chính của trạm. Để thực hiện có hiệu quả công tác này đòi hỏi cán bộ y tế trạm thường xuyên thăm nắm địa bàn, làm tốt công tác tuyên truyền, dự trù thuốc và hóa chất... Nhờ vậy, nhiều năm qua không để dịch xảy ra tại xã”. Đơn cử như trong năm 2018, dù nhiều nơi xảy ra các dịch bệnh, song tại Đạ Sar không có trường hợp bệnh nhân mắc các bệnh như Cúm A (H5N6, H7N9), Vi rút Ebola, tay - chân - miệng... Bên cạnh đó, với dự án phòng, chống sốt rét - căn bệnh một thời đã trở thành ám ảnh đối với bà con các buôn làng, Trạm Y tế Đạ Sar đã tiến hành xét nghiệm máu, test nhanh tìm ký sinh trùng cho 1.540 người, đạt trên 100% chỉ tiêu năm 2018. Đặc biệt, đội y tế dự phòng đã đến tận từng nhà làm công tác tuyên truyền cũng như cấp phát tận tay hàng chục chiếc võng màn phòng chống sốt rét cho người dân nhất là bà con thường xuyên đi rừng tìm lâm sản phụ, đi làm rẫy ở xa hay đi tuần tra bảo vệ rừng.
Hiện Trạm Y tế xã Đạ Sar có 6 cán bộ, trong đó có 1 bác sỹ, 1 y sỹ, 1 điều dưỡng và 1 dược sỹ. Ngoài ra, trạm hiện có 6 y tế thôn bản đều là đồng bào dân tộc thiểu số hoạt động ở 6 thôn và 11 cộng tác viên dân số. Trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, cán bộ Trạm Y tế xã Đạ Sar tiến hành khám, chữa bệnh bằng y học hiện đại kết hợp với y học cổ truyền. Bên cạnh sử dụng nhiều loại thuốc là thành phẩm của thuốc Nam, cán bộ trạm y tế còn xây dựng vườn thuốc Nam tại chỗ với trên 70 loại cây thuốc thông dụng. Các loại cây ngoài dùng để chữa bệnh tại chỗ còn được các cán bộ y tế thôn bản mang đến nhân giống ngay tại vườn nhà dân và hướng dẫn bà con sử dụng.
Theo Trạm trưởng Marisell: “Việc dân số biến động, người đi, người đến nhiều và phức tạp; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn cao nên gây khó khăn trong việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các nhiệm vụ y tế. Đó là một trong những khó khăn lớn của Trạm Y tế xã”.
Bởi vậy, cán bộ Trạm Y tế xã thường xuyên sát cánh cùng nhân viên y tế thôn bản đi từng ngõ, gõ từng nhà để chữa bệnh cũng như làm công tác tuyên truyền chăm sóc sức khỏe cho bà con nhất là vào mùa mưa, khi nguy cơ xảy ra các bệnh dịch nhiều.
Chị Lơ Mu Ka Sanh, cán bộ y tế thôn bản Thôn 3 nói: “Chỉ có cách gần gũi, nắm được hoàn cảnh trong mỗi nhà, hiểu tâm tư tình cảm mỗi con người thì mới có thể vận động, tuyên truyền các quy định về việc chăm sóc sức khỏe của bà con hiệu quả được”.
Và hơn hết có lẽ là sự ghi nhận của bà con nhân dân trong xã. Với bà con ở Đạ Sar, trạm y tế là địa chỉ tin cậy để khám chữa bệnh. 4/6 cán bộ của trạm hiện nay là người DTTS tại chỗ, là con em của mảnh đất Đạ Sar này. Không chỉ có những thế hệ đầu tiên như chị Marisell mà những thế hệ trẻ hôm nay như Cil Ka Chờ luôn thấy hãnh diện và tự hào khi được chăm sóc sức khỏe bà con trong buôn làng. Niềm tin của bà con bao năm qua như nguồn tiếp sức để cán bộ Trạm Y tế xã Đạ Sar hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Ông Krjan Ha Đời, già làng uy tín ở Đạ Sar, có lần sau khi cấp cứu ở trạm, lời tâm tình của ông làm cán bộ Trạm Y tế xã Đạ Sar ai cũng nhớ mãi rằng: “Con cháu của buôn làng được học hành đầy đủ giờ quay về làm việc, chăm sóc sức khỏe cho bà con. Người già bị bệnh không phải đi viện xa, yên tâm vì đã có trạm xá gần nhà, vậy là mừng lắm”.
N. NGÀ