Từ xếp hạng 3 về chỉ số cải cách hành chính trong năm 2017, Đà Lạt trong năm 2018 đã tụt xuống vị trí thứ 9 trong tổng số 12 huyện, thành của tỉnh. Nhiều giải pháp đã được thành phố đưa ra để nâng chỉ số trong năm nay.
Từ xếp hạng 3 về chỉ số cải cách hành chính trong năm 2017, Đà Lạt trong năm 2018 đã tụt xuống vị trí thứ 9 trong tổng số 12 huyện, thành của tỉnh. Nhiều giải pháp đã được thành phố đưa ra để nâng chỉ số trong năm nay.
|
Tiếp nhận giải quyết và trả kết quả tại bộ phận một cửa UBND Phường 3 - Đà Lạt. Ảnh: G.K |
Những nguyên do mất điểm
Từng là một địa phương đi đầu tỉnh về cải cách hành chính (CCHC) rất nhiều mặt trong nhiều năm nay, nhưng thành phố Đà Lạt đã từ vị trí thứ 3 của năm 2017 tụt xuống vị trí thứ 9 trong bảng xếp hạng cải cách hành chính (CCHC) 12 huyện, thành của tỉnh năm 2018. Theo xếp hạng Chỉ số CCHC 2018 này, Đà Lạt chỉ xếp trên 3 huyện vùng sâu là Cát Tiên, Đam Rông và Lạc Dương.
Rất nhiều nguyên do cho việc tụt hạng chỉ số CCHC này. Trước nhất, thành phố này đã giảm điểm so với năm trước đó ở một số tiêu chí trong các lĩnh vực “Cải cách thể chế”, “Cải cách thủ tục hành chính (TTHC)”, “Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức”, “Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông”. Nhiều tiêu chí thành phần như hoạt động của trang thông tin điện tử thành phố; chất lượng báo cáo kiểm soát thủ tục hành chính; việc sử dụng, bổ nhiệm, khen thưởng và giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức; phạm vi áp dụng hệ thống quản lý chất lượng cũng không đạt hoặc không có điểm.
Cùng đó, Chỉ số CCHC các cơ quan chuyên môn của thành phố tuy tăng 4,45% điểm so với 2017 nhưng như đánh giá, vẫn còn 3/6 tiêu chí có chỉ số trung bình đạt dưới 90%; cụ thể đó là các tiêu chí về công tác chỉ đạo điều hành (đạt 74,9% điểm), cải cách thủ tục hành chính (80,51% điểm), hiện đại hóa nền hành chính (76,61% điểm). Nguyên do những tiêu chí này không đạt điểm ở mức cao là vì trễ hạn trong giải quyết TTHC; không tác nghiệp, xử lý hồ sơ trên hệ thống một cửa điện tử; chưa đảm bảo thời gian báo cáo; chưa thực hiện việc rà soát TTHC theo đúng qui định.
Trong giải quyết TTHC, năm 2018 Đà Lạt tiếp nhận 164.973 hồ sơ từ cấp xã, phường đến cấp thành phố, trong đó có 146.798 ở cấp xã, phường và 18.175 hồ sơ ở bộ phận một cửa cấp thành phố. Trong khi toàn bộ 100% số hồ sơ xã, phường đều được giải quyết đúng hạn thì số hồ sơ tại cấp thành phố chỉ giải quyết được 17.160 hồ sơ, tỷ lệ giải quyết đúng hạn đạt gần 95%. Nhiều lĩnh vực như cấp phép xây dựng hồ sơ chỉ đạt 79,6%, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất đạt gần 95%, chưa đảm bảo mục tiêu của Đà Lạt đặt ra là phải đạt mức 98% hoặc cao hơn.
Khó khăn rất lớn của Đà Lạt hiện nay, như một lãnh đạo thành phố Đà Lạt cho biết trong một hội nghị CCHC của tỉnh gần đây, lượng hồ sơ TTHC của Đà Lạt ngày càng tăng cao trong khi số người làm việc bị giảm. Như năm 2018 vừa qua, Đà Lạt tăng khoảng 14.600 hồ sơ ở cấp xã, phường và cấp thành phố, hồ sơ tăng cao trong khi đó thành phố theo qui định đã phải cắt giảm 24 hợp đồng lao động.
Với cấp phường, xã, mặc dù chỉ số CCHC tăng 4,92% điểm so với 2017 nhưng vẫn còn các tiêu chí có chỉ số trung bình dưới 90% trong các lĩnh vực như chỉ đạo điều hành, cải cách TTHC, hiện đại hóa nền hành chính. Những sai sót được chỉ ra: chưa nghiêm túc việc niêm yết TTHC; không cập nhật chuyên mục địa phương trên trang thông tin điện tử thành phố; chưa khai thác hiệu quả hệ thống một cửa điện tử; có 5/16 xã, phường giảm điểm về mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với dịch vụ hành chính công.
Những giải pháp
Một kế hoạch khắc phục đã được Đà Lạt xây dựng sau khi tỉnh công bố bảng xếp hạng chỉ số CCHC các huyện, thành trong tỉnh.
Đến nay, Đà Lạt đã cho chấn chỉnh hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (một cửa) cấp thành phố, ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của bộ phận này với mục tiêu lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân làm thước đo hiệu quả; yêu cầu việc giải quyết TTHC phải kịp thời, nhanh chóng, thuận tiện, công khai, minh bạch; không làm phát sinh chi phí thực hiện cho tổ chức, cá nhân ngoài quy định của pháp luật.
Để thuận tiện cho người dân, tại bộ phận một cửa cấp thành phố, bên cạnh các phòng ban chuyên môn, nhân viên bưu điện, Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh Đà Lạt hoạt động như trước đây, nay có thêm Công an thành phố cử người trực để làm chứng minh nhân dân, làm hộ khẩu và có thêm cán bộ của Chi cục Thuế khu vực Đà Lạt và Lạc Dương làm việc về thuế.
Thành phố cũng qui định rõ trách nhiệm của thủ trưởng các phòng, ban, đơn vị, chủ tịch UBND các phường, xã trong CCHC, theo dõi, kiểm tra, chấn chỉnh cán bộ, công chức, viên chức dưới quyền nếu có thái độ quan liêu, gây khó khăn, chậm trễ trong giải quyết công việc với người dân.
Thành phố sẽ thực hiện đúng quy định công tác kiểm soát TTHC, kiểm soát nội bộ, kịp thời phát hiện những sai sót, thực hiện không đúng qui trình, trễ hạn, nhằm chấn chỉnh đồng thời tăng cường việc kiểm tra công vụ; thực hiện việc xin lỗi người dân nếu hồ sơ trễ hạn.
Một việc quan trọng, theo ông Tôn Thiện San - Chủ tịch UBND thành phố, chính là thực hiện tốt giải quyết khiếu nại, tố cáo; yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, chủ tịch các phường, xã trực tiếp phụ trách, không ủy quyền cho cấp phó.
Một nhiệm vụ khác mà Đà Lạt cũng nhấn mạnh trong dịp này, đó là việc tăng cường phối hợp trong nội bộ đơn vị; phối hợp với ngành dọc cấp trên và phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, UBND phường, xã trong thành phố với nhau trong giải quyết hồ sơ TTHC, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc nếu có. “Trao đổi trực tiếp, không hành chính hóa” - ông San nhấn mạnh.
Và cuối cùng, theo lãnh đạo thành phố, Đà Lạt đã có một khoản kinh phí khoảng 4 tỷ đồng để tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong CCHC, khai thác sử dụng hiệu quả các chương trình một cửa hiện đại đang có; đồng thời tăng cường thêm cơ sở vật chất và hệ thống máy tính cho việc hiện đại hóa hành chính tại địa phương.
GIA KHÁNH