Đam Rông: Giáo dục không chỉ là việc dạy và học

06:08, 26/08/2019

Những ngày này, cả xã hội nhộn nhịp khi con em bước vào năm học mới. Nơi vùng sâu huyện nghèo Đam Rông cũng không ngoại lệ. Trong những tiểu khu sâu nhất, xa nhất, mọi việc đã hoàn thiện để trẻ em đến trường.

 

Những ngày này, cả xã hội nhộn nhịp khi con em bước vào năm học mới. Nơi vùng sâu huyện nghèo Đam Rông cũng không ngoại lệ. Trong những tiểu khu sâu nhất, xa nhất, mọi việc đã hoàn thiện để trẻ em đến trường.
 
Các thầy cô giáo vẫn nỗ lực từng ngày để “gieo” thêm vào khoảng trời tuổi thơ của những đứa trẻ trong rừng sâu hạt mầm con chữ.
Các thầy cô giáo vẫn nỗ lực từng ngày để “gieo” thêm vào khoảng trời tuổi thơ của những đứa trẻ trong rừng sâu hạt mầm con chữ.
 
Năm học mới ở Tiểu khu 179
 
Tại Tiểu khu (TK) 179 - nơi sâu nhất, xa nhất của huyện Đam Rông có một điểm trường nhỏ thuộc Trường Tiểu học Liêng Srônh (xã Liêng Srônh). Đường vào 179 khó vô cùng khó. Từ xã Đạ Rsal (huyện Đam Rông), các thầy cô giáo phải đi qua địa phận hai xã Quảng Hòa và Quảng Sơn thuộc huyện Đak Glong, tỉnh Đắk Nông vượt quãng đường dài trên 40 km để vào điểm trường. Quãng đường này đi qua những con dốc ngoằn ngoèo kéo dài từ chân tới đỉnh đồi, những nương rẫy bạt ngàn cà phê và cả những ngọn đồi đã bị thiêu rụi. Chúng tôi theo chân các thầy cô giáo khởi hành lúc 8h sáng, nhưng vào tới điểm trường cũng là lúc chẳng ai còn thấy nổi bóng mình in trên nền đất. Nam Tây Nguyên đang vào mùa mưa. Những cơn mưa đêm rả rích làm đường vào 179 khó càng thêm khó. Những chiếc xe số được quấn sẵn xích vẫn không dễ dàng vượt qua các con dốc trơn trượt. 
 
TK179 hiện có 107 hộ/594 khẩu sinh sống trên diện tích 224 ha (thuộc đất rừng phòng hộ và rừng phòng hộ xung yếu). Các hộ là dân di cư tự do cư trú chưa hợp pháp nên không có giấy tờ tùy thân. 
 
Bắt đầu từ ngày 21/8, các thầy, cô đã vào điểm trường chuẩn bị cho năm học mới. Hành trang trên xe ngoài sách, vở, phấn, bút còn lỉnh kỉnh nào nước, nào bánh mì. Quần xắn tới gối, hai chân bơi trên đường lầy khi bánh xe phải chạy dưới rãnh bùn, xe trước nối xe sau có lẽ là hình ảnh quen thuộc với thầy cô giáo vào với điểm trường 179 mỗi mùa năm học mới. Thầy cô vào sớm để thông báo với các gia đình đã đến năm học mới, để gọi những đứa trẻ còn miệt mài trong rừng tìm măng về tìm con chữ, để phát cỏ trước sân, dọn dẹp trong phòng học. Bữa cơm ngày đầu quay lại điểm trường của các thầy cô chỉ mì gói nấu đặc thay cơm, bánh mì, dưa leo và một ít thịt luộc mua mang sẵn từ ngoài xã vào. Suốt từ năm 2012 đến nay, các thầy cô đều đặn luân phiên nhau, cứ đầu năm học mới lại sẵn sàng khăn gói vào gieo chữ trong 179. Năm học 2019 - 2020 này, 5 thầy cô giáo vào với 179. Nếu như các thầy Lãnh Văn Giang, Hoàng Văn Đức, Phạm Duy Huân đã có nhiều năm luân phiên vào 179 thì hai cô giáo trẻ Vũ Thị Thu Trinh (24 tuổi) và Lê Thị Hương Trà (25 tuổi) lần đầu vào “gieo” con chữ giữa nơi heo hút này.
 
Năm học 2019-2020, điểm trường 179 có 19 học sinh vào lớp 1. Lớp 2 có 19 học sinh, lớp 3 có 15 học sinh, lớp 4 có 28 học sinh và có 15 học sinh lớp 5. Tất cả các em đều là học sinh người dân tộc H’Mông. Chúng tôi quay lại 179 sau 3 năm, nơi đây đã có thêm 2 phòng học mới được dựng lên từ ván gỗ, nâng tổng số phòng học lên 6 phòng. Thầy cô giáo có căn bếp mới được dựng lên từ nguồn hỗ trợ của các đơn vị từ thiện, có điện năng lượng mặt trời, ti vi. Nhưng những chiếc điện thoại cục gạch vẫn được treo nơi một góc phòng để… hứng sóng. Nhưng có trải qua những gian nan để đặt chân được vào vùng đất khó này mới hiểu được những đổi thay tưởng chừng như ít ỏi ấy là sự nỗ lực rất lớn của tập thể cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Liêng Srônh.
 
Có mặt cùng các thầy cô trong ngày đầu quay lại điểm trường, thầy Tô Hiến Tiến - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Liêng Srônh nói: “Mặc dù ở vùng sâu, đi lại khó khăn song công tác chuẩn bị cho ngày học sinh tới trường phải được đảm bảo. Không cờ hoa, không khai giảng theo lễ nghi như ở điểm trường lớn, song các thầy cô luôn nỗ lực để các em được tới trường đầy đủ nhất. Để các em hiểu được rằng nhà trường và xã hội đã nỗ lực dành điều tốt nhất cho các em”.
 
Áp lực từ 181
 
Đảm bảo cho trẻ em được học hành không chỉ là trách nhiệm của thầy cô giáo mà của toàn xã hội. Những năm qua, huyện Đam Rông đã có nhiều nỗ lực để trẻ em nói chung và con em các dân tộc nói riêng được đến trường. 
 
Bởi vậy tỉ lệ học sinh ra lớp năm sau luôn cao hơn năm trước. Nhưng không chỉ thực hiện nhiệm vụ dạy và học, ngành Giáo dục Đam Rông còn phải đối mặt với nhiều vấn đề đến từ cộng đồng dân di cư tự do từ các tỉnh Tây Bắc vào cư trú bất hợp pháp trên đất Đam Rông. Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, đến tháng 8/2019 có 463 hộ/2.621 khẩu (chủ yếu là dân tộc H’Mông) di cư tự do đang sinh sống và canh tác trên diện tích thuộc rừng phòng hộ và sản xuất. Toàn bộ dân di cư tự do sinh sống rải rác tại 10 TK thuộc địa phận quản lý của xã Liêng Srônh. Trong đó, số dân cư ngụ tại TK 179 và TK 181 có số lượng lớn nhất. Nếu như người dân từ TK179 là dân di cư tự do vào khu vực này sớm nhất, từ trước những năm 2.000 (trước lúc thành lập huyện) nên được hỗ trợ việc dựng điểm trường. Tuy nhiên, điểm trường nằm trên đất lâm nghiệp nên theo quy định không được xây dựng kiên cố. Tuy nhiên, sau TK 179, mặc dù không cho phép người dân di cư tự do và sinh sống bất hợp pháp trên đất rừng, song việc này vẫn không dừng lại, người dân vẫn lén lút vào sinh sống giữa rừng. Nhiều năm qua, Đam Rông đã có nhiều biện pháp để ổn định tình hình, nhưng vấn đề này vẫn chưa có một giải pháp nào triệt để.
 
Riêng với vấn đề học hành của con em các dân tộc trong các TK, Trường Tiểu học Liêng Srônh đã áp dụng mô hình bán trú dân nuôi. Theo thầy Tô Hiến Tiến, mô hình này tạo điều kiện cho hàng trăm học sinh người H’Mông các TK có điều kiện ăn, nghỉ ổn định, thuận lợi học hành. Nhà bán trú góp phần đáng kể trong việc nâng cao chất lượng dạy học. Khi học sinh ở nhà bán trú, các em được hưởng chế độ 460.000 đồng và 15 kg gạo mỗi tháng theo quy định của Nhà nước. Lâm Đồng là địa phương đầu tiên ở Tây Nguyên xây dựng mô hình này. Tuy nhiên, hiện nay, bán trú dân nuôi không thể duy trì được vì người dân bỏ lửng hoàn toàn, đặt hết gánh nặng lên vai thầy cô, nhà trường và xã hội.
 
Ông Trần Phú Vinh - Trưởng phòng Giáo dục huyện Đam Rông, cho biết: “Địa phương và Phòng Giáo dục đã có nhiều giải pháp để tạo thuận lợi nhất cho các em học hành. Đơn cử như đã làm việc với huyện Đak Glong để con em một số TK giáp Đắk Nông có thể học tập thuận lợi ở đó liên tục từ bậc tiểu học cho tới THPT, nhằm rút ngắn quãng đường đến trường của các em. Song chính phụ huynh học sinh lại không chịu”.
 
Hiện nay một số bà con ở TK 181 còn tự ý dựng một số phòng học và có kiến nghị địa phương và phòng giáo dục đưa giáo viên vào dạy tại đây. Trả lời về vấn đề này, ông Liêng Hót Ha Hai - Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông khẳng định: “Căn cứ quyết định của tỉnh Lâm Đồng về kết quả điều chỉnh quy hoạch đất sản xuất lâm nghiệp và cơ cấu 3 loại rừng giai đoạn 2016 - 2025 thì toàn bộ diện tích đất người dân tự ý dựng 3 phòng học và 1 nhà vệ sinh bằng gỗ tại TK 181 là đất lấn chiếm trái phép nằm trong diện tích “rừng phòng hộ đầu nguồn xung yếu”. Việc các hộ dựng nhà trên đất lâm nghiệp tại TK 181 là vi phạm Luật Lâm nghiệp. Vì vậy, UBND huyện không đồng ý mở điểm trường và không đưa giáo viên vào đây giảng dạy”.
 
Tiểu khu 181 hiện có gần 200 hộ dân là đồng bào H’Mông. Các hộ hiện đang canh tác khoảng 200 ha cây trồng các loại, như: cà phê, bắp, lúa nước, khoai mì… Thực tế, trong những năm qua, các hộ dân sống tại TK 181 đã gây ra nhiều vụ phá rừng tại khu vực rừng phòng hộ. Cùng với đó, gây nhiều nguy cơ tiềm ẩn về tình hình an ninh trật tự, kèm theo những khó khăn trong việc đảm bảo về các vấn đề an sinh xã hội.
 
Trưởng phòng Giáo dục huyện Đam Rông nói thêm: “Nếu như ở các địa bàn khác, giáo dục là câu chuyện của dạy và học, thì ở Đam Rông không như thế. Bởi hiện ngành Giáo dục huyện đang phải đối mặt với áp lực nặng nề từ những đòi hỏi ngoài quy định pháp luật của người dân tại TK181. Tuy nhiên, ngành giáo dục nói chung và các thầy cô giáo nói riêng vẫn xác định tập trung tất cả cho việc dạy và học, chuẩn bị đầy đủ nhất để các em bước vào năm học mới 2019 - 2020. Bởi vậy, hiện nay, thầy cô giáo đã có mặt trong tất cả các TK “đến từng ngõ, gõ từng nhà” để đưa các em chuẩn bị ra lớp”.
 
Chính quyền huyện Đam Rông ngoài việc trả lời kiến nghị của người dân TK 181, còn tổ chức gặp gỡ, đối thoại với người dân. Cùng với đó mặt trận và các đoàn thể cấp xã, huyện phối hợp với cơ quan an ninh, lực lượng kiểm lâm, các ban quản lý rừng tích cực làm công tác tuyên truyền, nhất là các nội dung liên quan đến Luật Lâm nghiệp để tăng cường sự hiểu biết cho người dân.
 
Việc di cư tự do vào rừng sâu của cha mẹ đã làm quãng đường đến trường của con trẻ thêm xa xôi. Tuổi thơ của các em chỉ quẩn quanh với rẫy, rừng với chân đất, đầu trần và nắng cháy. Mặc dù những người dân di cư tự do đang đặt ra nhiều áp lực và gánh nặng cho ngành giáo dục, nhưng các thầy cô giáo vẫn nỗ lực từng ngày để “gieo” thêm vào khoảng trời tuổi thơ của những đứa trẻ trong rừng sâu hạt mầm con chữ. 
 
N.NGÀ - H.YÊN