Điểm tương đồng, khác biệt trong truyện cổ tích Cơ Ho và Mạ (Bài 2)

06:08, 22/08/2019

Truyện cổ tích người Cơ Ho và người Mạ tuy có nhiều nét tương đồng nhưng cũng có những khác biệt ở một số phương diện, tạo nên nét đặc sắc riêng của truyện cổ tích từng dân tộc, giúp độc giả có thể hiểu hơn về đời sống, phong tục, sinh hoạt… làm nên sự độc đáo của hai dân tộc này. 

[links()]
Đâu là sự khác biệt 
 
Truyện cổ tích người Cơ Ho và người Mạ tuy có nhiều nét tương đồng nhưng cũng có những khác biệt ở một số phương diện, tạo nên nét đặc sắc riêng của truyện cổ tích từng dân tộc, giúp độc giả có thể hiểu hơn về đời sống, phong tục, sinh hoạt… làm nên sự độc đáo của hai dân tộc này. 
 
Nghi lễ cúng Yàng của người Cơ Ho. Ảnh: N.Brừm
Nghi lễ cúng Yàng của người Cơ Ho. Ảnh: N.Brừm
 
Văn hóa mẫu hệ qua truyện cổ tích Cơ Ho
 
Có thể nói rằng, chính chế độ quần hôn và loại hình kinh tế săn bắt, hái lượm của thời nguyên thủy đã khiến cho vai trò của người mẹ trong gia đình trở nên quan trọng, từ đó hình thành chế độ mẫu hệ.
 
Ngày nay, chế độ mẫu hệ vẫn còn phổ biến ở các tộc người thuộc ngữ hệ Nam Đảo như Gia Rai, Ê Đê, Chăm,… và các tộc người thuộc ngữ hệ Nam Á như Mơ Nông, Cơ Ho,… Đây là những tộc người còn bảo lưu đậm nét chế độ mẫu hệ trong các lĩnh vực đời sống khác nhau. Đó là nét đặc trưng nổi bật mà các nhà dân tộc học, ngôn ngữ học, văn hóa học cũng có thể nhận thấy trong truyện cổ tích của người Cơ Ho.
 
Người Cơ Ho theo chế độ mẫu hệ, phụ nữ đóng vai trò đặc biệt quan trọng và quyết định nhiều vấn đề lớn nhỏ trong gia đình từ xa xưa và vẫn lưu giữ cho đến ngày nay. Đặc điểm nổi bật của chế độ mẫu hệ trong cộng đồng người Cơ Ho là quan hệ huyết thống, là quan hệ thừa kế đều được tính theo dòng mẹ. Từ đó, con cái sinh ra đều mặc định được trở thành thành viên của thị tộc, dòng dõi của người mẹ và tài sản chúng kế thừa là tài sản của người mẹ chứ không phải của người cha. Do đặc điểm về hình thức cư trú trong các buôn làng, người Cơ Ho gọi là bon, là những hình thức công xã láng giềng tập hợp các đại gia đình mẫu hệ dưới những nóc nhà sàn.
 
Do đặc điểm cư trú trên vùng đất cao nguyên mênh mông, núi rừng hùng vĩ, để tồn tại và thích nghi, cư dân sinh sống nơi đây phải phát rừng làm rẫy, săn bắn để ăn, trồng bông dệt vải để mặc. Muốn có cuộc sống ổn định, an toàn và phát triển lâu dài giữa không gian thiên nhiên rộng lớn đó, họ phải biết phân phối sức lao động phù hợp, nuôi dạy con cái, phải có người trụ cột trong gia đình. Những yếu tố đó khiến cho vai trò trụ cột trong gia đình phù hợp hơn với người phụ nữ. Vì người đàn ông phải đi săn, lăn xả vào những cuộc chiến đấu với thú dữ, còn phụ nữ thì trồng trọt, chăn nuôi, sinh con đẻ cái, mang lại sự ổn định cho gia đình, bộ tộc. 
 
Về đời sống hôn nhân, người phụ nữ chủ động đặt vấn đề cưới hỏi chồng, họ có tục bắt chồng và chàng trai ở rể nhà vợ, con cái sinh ra theo họ mẹ. Khi một đôi trai gái yêu nhau, cô gái sẽ cùng với bà mối cùng một vài thành viên trong gia đình sang nhà trai để xin hỏi cưới. Chàng trai có quyền thách cưới nhà gái, yêu cầu sính lễ tùy thuộc vào điều kiện gia đình nhà gái. Nếu cô gái đáp ứng được các điều kiện chàng trai thách cưới thì mới được phép bắt chàng trai về làm chồng. Tục bắt chồng là một nét độc đáo trong hôn nhân của người Cơ Ho.
 
Trong truyện cổ tích của người Cơ Ho, dân gian đã khéo léo thể hiện được đời sống hôn nhân của cộng đồng mình thông qua chi tiết người đàn ông sẽ theo cô gái về làng và ở lại buôn của cô gái sinh sống. Qua chi tiết đó chúng ta có thể nhận thấy sự phản ánh chế độ mẫu hệ trong hôn nhân của người Cơ Ho. Trong hôn nhân người con gái sẽ chủ động và sau hôn nhân cũng vậy.
 
Truyện Tăn Glàng và con gái của Mặt trời kể về chàng Tăn Glàng sống cùng mẹ. Một hôm, hai con gái thần Mặt trời hái trộm rau của chàng. Chàng bắt được, họ xin tha, chàng muốn cô chị làm vợ. Một hôm đi làm về không thấy vợ đâu, chàng lên cung điện thần Mặt trời tìm và trải qua thử thách do cha nàng đưa ra. Sau đó, chàng lấy nàng và ở trên buôn trời.
 
Truyện Cô gái trong rừng và chàng K’Khar kể về gia đình nọ có cô gái xinh đẹp, mẹ chết, bố lấy vợ khác, mẹ kế đem cô gái vào bỏ trong rừng sâu. Cô bé nhặt được cái chai bên dòng suối và làm bạn với chai. Nằm mơ chai hóa thành trai trẻ, hai người sống chung với nhau. Mẹ kế xúi nàng giết K’Khar nhưng chàng đều tránh được. Một lần, chàng bị chông đâm chảy máu và bỏ vào rừng. Chim bày cho nàng lấy lá cầm máu và nàng đi tìm K’Khar chữa vết thương cho chàng. Sau đó hai người quay về làng sống vui vẻ bên nhau.
 
Truyện Chàng K’Dùng và nàng Ka Làng kể trên trời có cô gái xinh đẹp tên Ka Làng. Nàng muốn đi chơi nên biến thành chim Ntợp. Ở buôn xa, có chàng K’Dùng đẹp trai, khỏe mạnh. Chàng K’Dùng bắn tên trúng chim Ntợp, mang về nuôi. Chim biến thành người dọn nhà cửa sạch sẽ. Hai người ở với nhau. Ka Làng sinh đứa con trai. Một ngày, chàng không còn yêu nàng nữa. Nàng hóa thành chim bay về trời, chàng hối hận ôm con đi tìm. Gặp lại họ tha thứ cho nhau và quay về sống hạnh phúc.
 
Qua những chi tiết “chàng lấy nàng và ở trên buôn trời” trong truyện Tăn Glàng và con gái của Mặt trời; “hai người quay về làng sống vui vẻ bên nhau” trong truyện Cô gái trong rừng và chàng K’Khar, “Gặp được nhau họ tha thứ cho nhau và quay về sống hạnh phúc” trong truyện Chàng K’Dùng và nàng Ka Làng… chúng ta có thể thấy được dấu ấn trong phong tục hôn nhân mẫu hệ của người Cơ Ho.
 
Qua một số truyện cổ tích nêu trên, có thể thấy được sự khắc họa rõ nét về đời sống hôn nhân trong chế độ mẫu hệ của người Cơ Ho. Chế độ mẫu hệ chính là một trong những đặc trưng tiêu biểu của văn hóa truyền thống các dân tộc Tây Nguyên nói chung và người Cơ Ho nói riêng.
 
Ở chế độ mẫu hệ, người mẹ là người giữ vai trò lãnh đạo. Ngày xưa, vùng đất cao nguyên mênh mông, núi rừng hùng vĩ, chói chang ánh mặt trời, đầy mưa rừng, thú dữ, để tồn tại và thích nghi, họ phải phát rừng, làm rẫy, săn bắn để ăn, trồng bông, dệt vải để mặc. Muốn ổn định, phát triển lâu dài họ phải biết quản lý, phân phối sức lao động, nuôi dạy con cái, phải có người trụ cột trong gia đình và không ai khác đó là người phụ nữ. Tài sản duy nhất của mỗi gia đình là sự đoàn kết và tương trợ. Người đàn ông, được trang bị đầy đủ vũ khí sắc bén để họ lăn xả vào cuộc chiến đấu lớn, khốc liệt với kẻ thù, thú dữ rình rập. Người phụ nữ thực hiện thiên chức của mình là sinh nở, nuôi dạy con cái, trồng trọt, chăn nuôi, đem lại sự ổn định trong gia đình, bộ tộc. Do vậy, gia đình phải để họ cai quản, đây là quyền lợi và nghĩa vụ cao cả của người phụ nữ, đặc biệt là người mẹ giữ vai trò lãnh đạo và đầy quyền lực.
 
Cảnh sinh hoạt của một gia đình người Mạ. Ảnh: T.Bình
Cảnh sinh hoạt của một gia đình người Mạ. Ảnh: T.Bình
 
Vai trò của nam giới qua truyện cổ tích Mạ
 
Trong khi hầu hết các dân tộc ở Lâm Đồng còn tồn tại khá đậm nét các hình thức hôn nhân và gia đình của thời kỳ chế độ mẫu hệ thì người Mạ là tộc người duy nhất đã xuất hiện khá phổ biến các hình thức hôn nhân gia đình theo chế độ phụ hệ.
 
Nguồn gốc xa xưa của người Mạ cũng là mẫu hệ, tuy nhiên người Mạ đã chuyển sang chế độ phụ hệ từ lâu. Cụ thể, trong hôn nhân của người Mạ, đàn ông đóng vai trò chủ động hơn, nhà trai đáp ứng yêu cầu thách cưới của nhà gái, sau hôn nhân thì người con gái sẽ chuyển đến cư trú bên gia đình chồng và con sinh ra theo họ cha.
 
Trong chế độ hôn nhân của người Mạ, những yếu tố của chế độ phụ hệ được biểu hiện khá rõ nét trên nhiều mặt, nhiều khía cạnh mà trước hết là ở vai trò chủ động của đàn ông. Nếu như trong xã hội các dân tộc còn lưu giữ nhiều hình thức hôn nhân của thời kỳ chế độ mẫu hệ như Cơ Ho, Churu, Raglai... con trai dù đã đến tuổi trưởng thành vẫn phải “ngồi chờ” để có một cô gái nào đó đến “bắt chồng” thì trong xã hội người Mạ, chế độ “bắt chồng” đó đã được thay thế bằng chế độ “bắt vợ”.
 
Trong các truyện cổ tích của người Mạ, chúng tôi nhận thấy có những chi tiết trong truyện phản ánh chế độ phụ hệ hay nói cách khác là sự chủ động của người đàn ông Mạ trong hôn nhân. Đây là điều khác biệt so với các chi tiết phản ánh chế độ mẫu hệ và sự chủ động của phụ nữ Cơ Ho trong truyện cổ tích. 
 
Truyện Brà kể về hai anh em mồ côi, bị cậu đuổi ra ở chòi trên rẫy, Thần N’Đu thương tình hóa thành ông già ăn xin thử lòng hai anh em rồi mời đến nhà thần chơi. Sau đó, thần để lại của cải cho hai anh em, gả con gái cho và sống ở buôn từ đó.
 
Truyện Chuyện con mồ côi kể về chàng trai mồ côi cha mẹ sống với cậu và phải làm nhiều việc vất vả. Một hôm, chàng đi săn Dọc trong rừng với cậu và những người khác. Chàng săn được nhiều nhưng đều bị Chà Túlú ăn hết. Một lần, chàng bắt được Chà Túlú, chàng tha mạng và được tặng 1 thanh gươm thần. Chàng dùng gươm biến thành trâu, bò, heo, gà và trở thành người giàu có. Chàng lấy cô gái làng bên làm vợ và bị cướp thanh gươm, về sau buôn làng chàng nghèo đi.
 
Truyện K’Khoẹt kể về làng nọ có chàng K’Khoẹt bị tật ở chân. Một hôm, chàng lấy một quả dưa đẹp nhất trong gùi của mẹ rồi xuống suối tắm, cá liếm người chàng, chàng thành người lành lặn. Chàng đi khắp 7 buôn chọn vợ xinh đẹp, chàng gặp được hai nàng Ka Chớ và Ka Nay đồng ý lấy chàng. Từ đó chàng sống với hai người vợ xinh đẹp và giàu có.
 
“Thần để lại của cải cho hai anh em, gả con gái cho và sống ở buôn từ đó” trong truyện Brà; “Chàng lấy cô gái làng bên làm vợ và bị cướp thanh gươm, về sau buôn làng chàng nghèo đi” trong truyện Chuyện con mồ côi; “Chàng đi khắp 7 buôn chọn vợ xinh đẹp, chàng gặp được hai nàng Ka Chớ và Ka Nay đồng ý lấy chàng. Từ đó chàng sống với hai người vợ xinh đẹp và giàu có” trong truyện K’Khoẹt,… là những chi tiết cho thấy sự chủ động trong hôn nhân và vấn đề cư trú sau hôn nhân ở buôn làng chàng trai trong truyện cổ tích người Mạ. Phải chăng, thông qua điều đó, dân gian Mạ muốn gửi gắm những thông điệp hôn nhân từ xa xưa của cộng đồng mình, để con cháu về sau biết và làm theo cho đến ngày nay.
 
Chế độ thừa kế tài sản được truyền lại theo dòng dõi người đàn ông. Nếu người cha chết trước khi đứa con trai của ông ta đủ khôn lớn để đảm đương các trọng trách của người chủ gia đình thì tài sản của người cha này sẽ do một anh hoặc em trai của ông ta quản lý và nếu ông không có anh em trai thì sẽ do người cháu thứ nhất quản lý. Tuy nhiên, khi người con trai cả đến tuổi trưởng thành thì mọi tài sản và đặc quyền của người cha sẽ truyền lại cho người con trai cả này, theo luật tục của người Mạ.
 
Qua nghiên cứu chúng tôi nhận thấy một điều khá thú vị, xã hội càng phát triển thì người đàn ông là trụ cột gia đình và chuyển qua chế độ phụ hệ. Dù mẫu hệ hay phụ hệ nhưng Già làng vẫn là đàn ông. Dù mẫu hệ hay phụ hệ đều coi trọng con người, sự sống tồn tại không có quyền lực nào mạnh hơn tình yêu của họ.
 
Thay lời kết
 
Sự khác biệt trong truyện cổ tích của người Cơ Ho và người Mạ làm cho mỗi dân tộc có những nét đặc trưng riêng. Đọc truyện cổ tích người Cơ Ho và người Mạ, chúng ta có thể nhận ra được những điểm khác nhau. Chính nét khác biệt đó tạo nên sự độc đáo trong văn học dân gian mỗi dân tộc, góp phần làm phong phú văn học dân gian Việt Nam đa sắc màu. Bên cạnh những điểm giống nhau, điểm khác biệt cũng giúp tạo nên sự thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam.
 
Truyện cổ tích là một trong những tài sản văn học dân gian quý báu của người Cơ Ho và người Mạ. Truyện cổ tích hai tộc người này có nhiều nét khác biệt về nội dung và nghệ thuật thể hiện qua truyện cổ tích của họ. Chính sự khác biệt đã tạo nên những nét riêng biệt cho văn học dân gian mỗi dân tộc cũng như góp phần làm phong phú văn học dân gian Việt Nam đa sắc màu.
 
LÊ THỊ HỒNG PHÚC