Ðẩy mạnh công tác phòng, chống thiên tai trong mùa mưa lũ

07:08, 12/08/2019

Những năm gần đây, tình hình thời tiết, thiên tai trong nước và thế giới diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường với các yếu tố hết sức cực đoan, bất thường, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, là một trong những nỗi lo lớn nhất của nhân loại...

Những năm gần đây, tình hình thời tiết, thiên tai trong nước và thế giới diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường với các yếu tố hết sức cực đoan, bất thường, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, là một trong những nỗi lo lớn nhất của nhân loại. Do vậy, việc chủ động phòng, chống, ứng phó có hiệu quả với các diễn biến bất thường của thiên tai, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra là rất cần thiết.
 
Cơ quan chức năng giải cứu người dân mắc kẹt do lũ đổ về tại xã Lát, huyện Lạc Dương chiều 8/8. Ảnh: C.Thành
Cơ quan chức năng giải cứu người dân mắc kẹt do lũ đổ về tại xã Lát, huyện Lạc Dương chiều 8/8. Ảnh: C.Thành
 
Thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra
 
Năm 2018, tình hình thiên tai trên thế giới cũng như trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp với trên 280 trận thiên tai; trong đó, 108 trận lụt, lũ quét; 20 trận động đất, sóng thần và nhiều loại hình thiên tai khác; thiệt hại kinh tế ước tính 146 tỷ USD. Tại Việt Nam, thiên tai năm 2018 không diễn ra dồn dập và khốc liệt như năm 2017 nhưng vẫn là năm có nhiều thiên tai lớn cùng những yếu tố cực đoan, di thường diễn ra khắp các vùng miền trên cả nước với 16/21 hình thái thiên tai. Cụ thể, có 14 cơn bão và ấp thấp nhiệt đới, 212 trận giông, lốc sét; 15 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất lớn; 4 đợt rét đậm rét hại; 11 đợt nắng nóng; lũ thượng nguồn sông Cửu Long kéo dài và ở mức cao nhất kể từ năm 2011; triều cường vượt mốc lịch sử ở các tỉnh Nam Bộ; sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra nghiêm trọng tại đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh ven biển miền Trung…
 
Ðiểm qua một số trận thiên tai trên cho thấy, thời gian qua, nhiều khu vực trong cả nước đã phải hứng chịu hầu hết các loại hình thiên tai, gây tổn thất nặng nề về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, tác động đến môi trường sống, hoạt động sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước. 
 
Theo thống kê của cơ quan chức năng, thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2018 ở nước ta đã giảm nhiều so với những năm gần đây, nhưng vẫn đang ở trong tình trạng đáng báo động. Cụ thể, năm 2018, có 224 người chết và mất tích; gần 2.000 nhà cửa bị đổ, trôi; trên 31,3 ngàn nhà bị ngập, hư hỏng phải di dời khẩn cấp; trên 260 ngàn ha lúa và hoa màu bị ngập và thiệt hại; 29,4 ngàn con gia súc và 774 ngàn con gia cầm bị chết; gần 12 ngàn ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 884 km đê, kênh mương, bờ ao và 8,4 triệu m3 đất đá đường quốc lộ, tỉnh lộ và đường giao thông nông thôn bị sạt trượt; 107 tàu thuyền bị chìm do bão, áp thấp nhiệt đới trong tổng số 467 tàu, thuyền bị chìm… Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính gần 20 ngàn tỷ đồng.
 
Bên cạnh những thiệt hại về vật chất nêu trên, thiên tai cũng đã làm đình trệ sản xuất, cản trở giao thương, làm gián đoạn việc cung cấp dịch vụ thiết yếu tại nhiều khu vực, nhất là khu vực Bắc Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. 
 
Trong những tháng đầu năm nay, thiên tai cũng đã xảy ra khắp các vùng miền trên cả nước: mưa lớn cực đoan, mưa đá, giông lốc, sạt lở bờ sông, bờ biển,… nhất là khu vực miền núi phía Bắc, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Mới đây, tại Lâm Đồng, mưa lớn kéo dài từ chiều ngày 6 sang ngày 8/8 đã khiến nhiều vùng trũng, thấp của các huyện phía Nam của tỉnh như: Cát Tiên, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, TP Bảo Lộc... lâm vào tình trạng ngập lụt nghiêm trọng. Thậm chí tại phố núi Đà Lạt, mưa lớn kéo dài đã làm nhiều tuyến đường, nhà dân, khu vực sản xuất nông nghiệp cũng bị ngập sâu trong biển nước. 
 
Tăng cường công tác tuyên truyền
 
Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và Nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, mới đây, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Đề cương tuyên truyền công tác phòng, chống thiên tai năm 2018, nhiệm vụ năm 2019.
 
Theo đó, Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu các địa phương, đơn vị trong cả nước quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng; điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai. Cụ thể, cần tập trung tuyên truyền Nghị định 160 ngày 29/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều luật của Luật Phòng, chống thiên tai; Nghị quyết 76 ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai; Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; triển khai có hiệu quả Đề án cung ứng các dịch vụ truyền hình tuyên truyền về đối ngoại; về phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, hiểm hỏa phục vụ cộng đồng; về nông nghiêp, nông thôn giai đoạn 2018-2020…
 
Theo Ban Tuyên giáo Trung ương, mục đích của việc tuyên truyền này nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao tại các nghị quyết, chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai; xây dựng các chương trình, đề án, dự án phòng chống thiên tai theo đặc thù từng khu vực, vùng miền…
 
Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của báo chí, lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên trong việc nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, các lực lượng xã hội và tầng lớp nhân dân trong phòng, chống thiên tai. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách làm cơ sở tổ chức triển khai, thực thi đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai. Tập trung nguồn lực như: nguồn lực tài chính; bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng thiên tai; tổ chức diễn tập ứng phó công tác tác phòng, chống thiên tai. Thông tin thường xuyên về tình hình thiên tai, kỹ năng ứng phó, trách nhiệm của người đứng đầu để nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, người dân, cộng đồng doanh nghiệp trong phòng, chống thiên tai; triển khai các giải pháp phát huy hiệu quả lực lượng dân sự trong ứng phó thiên tai, nhất là lực lượng tại chỗ ở cơ sở ngay từ đầu.
 
Đặc biệt, cần tập trung chỉ đạo, đôn đốc thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng” của các cấp chính quyền và người dân phù hợp với thực tiễn hiện nay. Đồng thời, tăng cường kiểm tra vi phạm trong lĩnh vực đê điều, thủy lợi; khai thác cát, sỏi lòng sông, bãi sông; quản lý quy hoạch lũ; quy hoạch đất đai; kiểm soát tốt hoạt động kinh tế - xã hội nhằm ngăn chặn gia tăng tủi ro thiên tai.
 
HẢI PHONG