Ðức Trọng tăng cường phòng, chống sốt xuất huyết

06:09, 18/09/2019

Hai tháng nay, bệnh sốt xuất huyết bùng phát trên địa bàn huyện Ðức Trọng, cao gấp hơn 6 lần so với cùng kỳ năm 2018 và để phòng, chống dịch bệnh này, Ðức Trọng đã và đang tăng cường nhiều biện pháp. 

Hai tháng nay, bệnh sốt xuất huyết (SXH) bùng phát trên địa bàn huyện Ðức Trọng, cao gấp hơn 6 lần so với cùng kỳ năm 2018 và để phòng, chống dịch bệnh này, Ðức Trọng đã và đang tăng cường nhiều biện pháp. 
 
Người dân xã Ninh Gia ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường. Ảnh: T.Vũ
Người dân xã Ninh Gia ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường. Ảnh: T.Vũ
 
Thị trấn Liên Nghĩa là địa bàn có số ca SXH cao nhất của huyện: 83 ca, trong đó, tập trung vào một số tổ như: 26, 25, 28, 23, còn lại rải rác ở các tổ khác trên địa bàn. Bà Phạm Thị Phương Quyên - Trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn Liên Nghĩa cho biết cụ thể, dịch SXH chỉ bùng phát 2 tháng nay, trước đó, từ đầu năm đến hết tháng 7/2019, thị trấn chỉ ghi nhận 22 ca bị SXH. Trước tình hình trên, Trạm Y tế thị trấn Liên Nghĩa đã chủ động đi giám sát ca bệnh, diệt loăng quăng và phối hợp với Đội Y tế dự phòng (Trung tâm Y tế huyện) đi phun thuốc ổ dịch, tập trung vào các tổ có ổ dịch. Song song với đó, thị trấn Liên Nghĩa cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về cách phòng, chống bệnh SXH bằng cách phát tờ rơi, phát trên loa truyền thanh của thị trấn hoặc đi giám sát ca bệnh nào thì phát tờ rơi cho người dân ở khu vực đó. “Trước tình hình thời tiết thất thường, mưa nhiều, thuận lợi cho muỗi sinh sản nên từ nay đến cuối năm dịch bệnh có thể diễn biến khó lường, vì vậy địa phương chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp với các tổ dân phố ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, diệt muỗi, loăng quăng, thu gom và hủy vật dụng phế thải xung quanh nhà dân; lật úp các dụng cụ chứa nước không cần thiết...” - bà Phạm Thị Phương Quyên cho biết thêm.
 
Tính tới thời điểm này, số ca mắc bệnh SXH trên địa bàn huyện Ðức Trọng cao hơn 6 lần so với cùng kỳ năm 2018.
Theo ông Ðỗ Văn Ðồng - cán bộ phụ trách Ðội Y tế dự phòng (Trung tâm Y tế huyện Ðức Trọng)

Mới đây, xã Ninh Gia (huyện Đức Trọng) cũng vừa ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, phòng, chống dịch SXH trên địa bàn. Ông Nguyễn Thiện Thuật - Phó Chủ tịch xã Ninh Gia cho biết, mặc dù từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã chỉ mới ghi nhận 4 ca SXH, nhưng địa phương không chủ quan trước bệnh dịch này, vì năm 2016, dịch bệnh SXH đã bùng phát trên địa bàn. Vì vậy, ngay từ đầu năm, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo ráo riết công tác tuyên truyền, phòng dịch, phân công cán bộ phụ trách các thôn cùng với đội thanh niên xung kích bảo vệ môi trường tổ chức ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường tại các trục đường và ở từng thôn; kết hợp với việc diệt loăng quăng. Ông Nguyễn Văn Thanh (người dân thôn Đăng Srôn, xã Ninh Gia) vừa nhanh tay dọn cỏ hai bên đường vào thôn, vừa cho biết: “Việc dọn dẹp vệ sinh môi trường, diệt muỗi, loăng quăng không chỉ góp phần giữ gìn môi trường sống trong lành cho chính mình, cho bà con, mà còn hạn chế các dịch bệnh xảy ra, nhất là bệnh SXH đang tăng cao, bà con chúng tôi không ai bảo ai đều tích cực hưởng ứng”.

Trong tổng số 172 trường hợp mắc bệnh SXH trên địa bàn, địa phương có số ca mắc bệnh nhiều nhất là thị trấn Liên Nghĩa với 83 ca, tiếp đó là xã Hiệp An với 40 ca, xã Phú Hội là 10 ca, xã Hiệp Thạnh 11 ca và xã Liên Hiệp là 7 ca... Hai tháng trở lại đây, tình hình dịch SXH trên địa bàn huyện có nhiều diễn biến phức tạp, số ca mắc bệnh tăng cao. Trung tâm Y tế huyện đã có nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên diện rộng, như: Ra quân chiến dịch diệt loăng quăng, bọ gậy tại thị trấn Liên Nghĩa, xã Hiệp An và Ninh Gia; trước đó, cũng đã tiến hành phun hóa chất diệt muỗi tại những khu vực có số ca mắc SXH tăng cao...
 
Ông Đỗ Văn Đồng cũng cho hay, hiện đang trong mùa mưa, là điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn phát triển, làm tăng nguy cơ lây truyền bệnh SXH. Nếu thời tiết vẫn mưa liên tục sẽ khiến công tác phun xịt hóa chất diệt muỗi gặp nhiều khó khăn mà hiệu quả mang lại không cao. Chính vì vậy, việc người dân chủ động diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy là biện pháp hiệu quả nhất để phòng chống SXH hiện nay: “Ngoài các biện pháp trên, trước tình hình bệnh SXH gia tăng, Trung tâm Y tế huyện đã có công văn phối hợp với Phòng Giáo dục - Đào tạo nhằm tuyên truyền cho học sinh cách phòng, chống bệnh SXH, tuyên truyền cho các em về cách diệt loăng quăng, vệ sinh môi trường và có 3 công văn chỉ đạo cho các trạm y tế và phòng khám đa khoa về việc tăng cường phòng, chống SXH trên địa bàn”, ông Đỗ Văn Đồng nói.
 
Bệnh SXH là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus Dengue gây ra. Cho đến nay, SXH vẫn là một bệnh rất nguy hiểm do bệnh dễ lây lan thành dịch, chưa có vắc-xin phòng ngừa và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh tại gia đình, như: diệt muỗi, diệt bọ gậy, ngủ trong màn kể cả ban ngày, úp tất cả các dụng cụ chứa nước không cần thiết... Khi có các dấu hiệu nghi ngờ bị SXH, người dân không nên tự ý điều trị tại nhà mà phải đến ngay các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời, không để bệnh biến chứng nặng hơn.
 
THY VŨ