Dấu ấn một nhiệm kỳ

06:09, 19/09/2019

Thực hiện Quyết tâm thư, Chương trình hành động Ðại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Ðồng lần thứ 2 (năm 2014 - 2019); dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo điều hành của UBND dân tỉnh;...
 

Thực hiện Quyết tâm thư, Chương trình hành động Ðại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Ðồng lần thứ 2 (năm 2014 - 2019); dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo điều hành của UBND dân tỉnh; việc triển khai thực hiện của các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương, cơ quan, đơn vị và toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự đoàn kết đồng lòng nỗ lực của bà con dân tộc thiểu số, diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong tỉnh có sự thay đổi khá toàn diện...
 
Tính toàn diện ấy có thể nhìn nhận từ kinh tế phát triển, kết cấu hạ tầng thiết yếu được quan tâm đầu tư; hệ thống đường liên xã, giao thông nông thôn được cứng hóa; bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện và phát triển ổn định. 
 
Bà con vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số sản xuất lúa nông nghiệp công nghệ cao.
Bà con vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số sản xuất lúa nông nghiệp công nghệ cao.
 
Hiệu quả các chương trình, chính sách 
 
Sau 5 năm triển khai thực hiện quyết tâm thư, Chương trình hành động, có thể thấy rõ, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS đã có nhiều thay đổi. Sản xuất nông nghiệp phát triển, đời sống của đại bộ phận đồng bào ngày càng khá hơn. Nhiều hộ đồng bào DTTS đã biết tận dụng đất đai, lao động, các điều kiện khác để đầu tư phát triển sản xuất hàng hóa, đa dạng về giống cây trồng, vật nuôi. Nhiều vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp hàng hóa, như rau, hoa, cà phê, chè, cây ăn quả, dâu tằm; chăn nuôi thủy sản, gia súc gia cầm … đã hình thành và phát triển mạnh, mang lại giá trị kinh tế cao.
 
Rất nhiều chính sách được Đảng, Nhà nước dành riêng cho đồng bào DTTS để hỗ trợ phát triển kinh tế, bảo tồn văn hoá dân tộc. Các chính sách về trợ giá, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ tín dụng, cho đến tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và các hội thảo đầu bờ được tổ chức triển khai thực hiện đã tạo điều kiện giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS. Việc thực hiện có hiệu quả các chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, giao khoán quản lý, bảo vệ rừng tạo nguồn thu nhập ổn định, cải thiện đời sống cho người dân vùng đồng bào DTTS. Bên cạnh đó còn quan tâm  thực hiện các chính sách đối với người có uy tín trong vùng DTTS theo Quyết định số 18/QĐ-TTg của Chính phủ về chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS gắn với việc giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Chương trình 135, chương trình định canh định cư, chương trình bố trí dân cư cũng được tỉnh ráo riết triển khai thực hiện. Chính sách an sinh xã hội theo Quyết định 62/QĐ-UBND  của UBND tỉnh về việc “Quy định mức trợ cấp xã hội cho học sinh - sinh viên của tỉnh Lâm Đồng đang học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề” được thực hiện nghiêm túc, đồng bộ. Tổng kinh phí thực hiện trong nhiệm kỳ qua là 574.174 triệu đồng, tạo điều kiện cho rất nhiều đối tượng người dân tộc thiểu số theo học, nâng cao dân trí. Trong 5 năm qua, tỉnh cũng đã quan tâm đầu tư mới, sửa chữa, nâng cấp được trên 500 công trình đường giao thông tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, đời sống từ đó có nhiều khởi sắc.
 
Số liệu thống kê của UBND tỉnh, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 5 năm đạt 106.674 tỷ đồng, bằng 32,9% so với GRDP.
 
Các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống, sản xuất của người dân tại các xã nông thôn mới được ưu tiên đầu tư. Ưu tiên sử dụng nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn từ ngân sách tỉnh để đầu tư các công trình giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, văn hoá.
 
Một trong những chuyển biến mang tính đột phá thời gian qua trong công tác dân tộc nữa phải kể đến đó là chuyển biến trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo ở vùng đồng bào DTTS. Với sự quan tâm đặc biệt ở lĩnh vực này, hệ thống trường, lớp học trên địa bàn tỉnh hầu như được đầu tư, xây dựng khang trang; tỷ lệ học sinh đến trường, tốt nghiệp THCS, THPT vùng dân tộc trước đây luôn là nỗi ám ảnh đối với ngành giáo dục thì nay đã được cải thiện với tỷ lệ học sinh đến trường tăng rõ rệt. Tỷ lệ học sinh là người dân tộc thiểu số học THPT, cao đẳng, đại học cũng theo đó ngày càng tăng. 
 
Thực hiện và vận dụng Nghị quyết 30a của Chính phủ, ngoài 8 xã thuộc huyện Đam Rông được đầu tư theo chương trình của Trung ương, tỉnh đã xây dựng Đề án giảm nghèo nhanh và bền vững cho 29 xã và 97 thôn có tỷ lệ hộ nghèo trên 30% để tạo điều kiện thực hiện tốt công tác giảm nghèo vùng DTTS. 
 
Thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương về Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, tỉnh đã có 90/116 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 77,5,% tổng số xã toàn tỉnh. Có Đơn Dương được công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2015, là một trong 4 huyện trong cả nước được Trung ương chọn thực hiện NTM kiểu mẫu về ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh giai đoạn 2018 - 2025 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4271/QĐ-UBND ngày 06/3/2019. Đồng thời, tỉnh cũng đã trình Trung ương thẩm định, xem xét công nhận huyện Đức Trọng công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2018 và thành phố Đà Lạt, thành phố Bảo Lộc công nhận hoàn thành xây dựng NTM năm 2018. 
 
Với những hiệu quả trong công tác triển khai đầu tư trên nhiều lĩnh vực, tính đến cuối năm 2018, GDP bình quân đầu vùng đồng bào DTTS đạt 35,84 triệu đồng và không còn hộ đói giáp hạt. 
 
Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh qua từng năm, giảm từ 6,67 cuối năm 2015 xuống còn 2,85% năm 2018; hộ nghèo DTTS giảm từ 11,56% xuống 8,56% (giảm 3%). Mạng lưới y tế cũng được quan tâm đầu tư cả về cơ sở vật chất lẫn chất lượng khám, chữa bệnh. Đến nay, 100% xã trên địa bàn tỉnh có trạm y tế đã được kiên cố hóa, tỷ lệ đạt chuẩn quốc gia đạt 95,9%; 100% trạm xá các xã, phường, thị trấn có bác sĩ điều trị, 89/147 xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020. 
 
Lâm Đồng là tỉnh thuộc Nam Tây Nguyên có 12 đơn vị hành chính cấp huyện (10 huyện, 2 thành phố); 147 xã, phường, thị trấn với 1.564 thôn, tổ dân phố. Dân số 1.307.163 người với 43 dân tộc cùng sinh sống. Đồng bào DTTS có 70.655 hộ với 314.104 người, chiếm 24,1% dân số toàn tỉnh. Đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên 39.792 hộ với 196.061 người, chiếm 15,0%; có 66 xã và 468 thôn có trên 20% đồng bào DTTS sinh sống. Có nhiều thôn, buôn, xã có đồng bào DTTS chiếm trên 80%. Một số đồng bào DTTS có số lượng lớn: Cơ Ho, Mạ, Churu, Nùng, Tày, Hoa, M’Nông.

Hướng về đồng bào dân tộc thiểu số

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, xây dựng khu dân cư văn hoá, xây dựng gia đình văn hoá… thời gian qua được Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ VN và các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm triển khai trong vùng đồng bào DTTS và cũng đã trở thành các phong trào thi đua sôi nổi và phát triển sâu rộng đến các thôn, buôn. Không chỉ Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền quan tâm đến việc bảo tồn văn hoá dân tộc, mà thông qua công tác tuyên truyền, nhiều bà con đã có ý thức chủ động tham gia vào công tác bảo tồn văn hoá truyền thống, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của mình. Ở nhiều địa phương, đã xuất hiện ngày càng nhiều các hoạt động văn hoá mang tính truyền thống nhằm giới thiệu và phát huy các trò chơi dân gian, hoạt động văn hoá, nghệ thuật truyền thống của các dân tộc. 
 
Ngoài những kết quả để đạt được về kinh tế, văn hoá, xã hội; theo lãnh đạo Ban Dân tộc, các chính sách về đào tạo, về bố trí cán bộ dân tộc thời gian qua cũng đặc biệt được tỉnh quan tâm, thực hiện đồng bộ, nhờ đó đã góp phần xây dựng, tạo được niềm tin, sự ổn định về chính trị trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thắt chặt khối đại đoàn kết toàn dân. Việc thực hiện công tác đối ngoại nhân dân của ở vùng đồng bào DTTS cũng đạt được những kết qủa quan trọng, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ mặt trận và cán bộ là người DTTS trong hệ thống chính trị. 
 
Theo số liệu của Ban Dân tộc tỉnh, toàn tỉnh hiện có 4.073 đảng viên là người đồng bào DTTS, chiếm tỷ lệ 10,4% so với tổng số đảng viên trên địa bàn toàn tỉnh. Việc đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) là người DTTS được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm. Tỉnh cũng đã đào tạo, bồi dưỡng 146/722 người (chiếm tỷ lệ 20,22%) có trình độ đại học; thạc sỹ 3/722 người (chiếm tỷ lệ 0,41%); đã tuyển dụng 59 công chức cấp tỉnh; 339 cán bộ (qua bầu cử) và 237 công chức cấp xã theo chính sách ưu tiên trong tuyển dụng đối với CBCCVC là người DTTS; bố trí 17 đội viên trí thức trẻ là người dân tộc thiểu số có trình độ đại học về làm Phó Chủ tịch UBND xã tại địa bàn kinh tế đặc biệt khó khăn (theo Đề án 50 tỉnh). 
 
Riêng Đề án 500 và 600 triển khai thực hiện trên địa bàn huyện Đam Rông (theo Nghị quyết 30a của Chính phủ), đã bố trí 11 đội viên làm cán bộ, công chức cấp xã (Đề án 500: 6 đội viên; Đề án 600: 5 đội viên). Toàn tỉnh có 3.951 CBCCVC chức người DTTS (chiếm 13,48%), trong đó cấp huyện trở lên công chức có 92 người, viên chức có 3.283 người; cấp xã, cán bộ chuyên trách 339 người, công chức 237 người. Số lượng đại biểu HĐND tỉnh là người DTTS các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 có 12/76 người, chiếm 15,79%; đại biểu HĐND cấp huyện có 71/428 người, chiếm 16,59%; đại biểu HĐND cấp xã có 1.011/4.103 người, chiếm 24,64%. Số cán bộ là người DTTS thuộc diện Tỉnh ủy quản lý hiện nay là 15/318 người (chiếm 4,7%); số cán bộ là người DTTS tham gia vào Ban chấp hành cấp tỉnh là 15/54 người (chiếm 5,55%), cấp huyện là 22/503 người (chiếm 4,37%).
 
Đánh giá về kết quả của công tác dân tộc trong 5 năm qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S khẳng định rằng, mặc dù còn nhiều hạn chế, nhưng những cái được trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nổi trội và rõ nét hơn. Có thể thấy, sau 5 năm triển khai thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh, kết quả đạt được khá đầy đủ và toàn diện trên các lĩnh vực, bao phủ toàn địa bàn. Các chính sách đã có sự đổi mới, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc thiểu số, qua đó giải quyết được nhu cầu, nguyện vọng của bà con các dân tộc, cũng như giải quyết cơ bản những khó khăn, bức xúc nhất trong giai đoạn qua cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số; từng bước củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, bình đẳng, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Đây cũng là nền tảng vững chắc để tỉnh cũng như bà con đồng bào các dân tộc phấn đấu trong nhiệm kỳ tiếp theo. 
 
NGUYÊN THI