Người thắp lửa ở Ðạ Tông

06:09, 19/09/2019

Trăn trở và luôn đau đáu nỗi niềm khi nghĩ về buôn làng, lũ trẻ đến trường liệu có niềm vui con chữ, người già đến bữa liệu có đủ đầy miếng ăn, ý nghĩ chưa bao giờ ngơi nghỉ và ngừng thôi thúc trong con người của Kơ Dơng Ha En.

Trăn trở và luôn đau đáu nỗi niềm khi nghĩ về buôn làng, lũ trẻ đến trường liệu có niềm vui con chữ, người già đến bữa liệu có đủ đầy miếng ăn, ý nghĩ chưa bao giờ ngơi nghỉ và ngừng thôi thúc trong con người của Kơ Dơng Ha En.
 
Ông Kơ Dơng Ha En
Ông Kơ Dơng Ha En
Về Đầm Ròn từ những ngày vùng đất này còn hoang vu và cô lập, cách trở bởi núi đồi và sông suối; nên chẳng có gì lạ, từng thớ đất, ngọn cỏ nơi đây đều như nằm lòng trong từng khoảng ký ức của Ha En. 
Trong trí nhớ của người đàn ông đã ở cái tuổi hưu trí, gác bỏ lại mọi bề bộn công việc nhàn nhã trở về với cuộc sống điền viên. Đạ Tông hiện rõ trong tâm thức của ông như một thước phim quay chậm với tất cả những buồn vui, với cả những đổi thay hiện tại và vất vả, gian khó của những ngày đã qua.
 
Không nói nhiều về những gì mình làm được, trong câu chuyện về đất và người Đạ Tông của ông chỉ giản đơn về một chữ Tình. Không hề hồ nghi hay võ đoán, những ai tiếp xúc với ông đều tin, tâm tư, nghĩ suy và nguyện vọng của con người trên vùng đất này mới là điều ông thấu hiểu và tận tường nhất. Sự trân quý và niềm tin của người dân dành cho ông có lẽ mới là thứ tài sản đáng giá nhất mà ông có được sau khi rời bỏ nhiệm sở.
 
Từ xã Lát (Lạc Dương) ông về Đầm với Ròn hơn 3 năm làm thầy ở những lớp bổ túc, mang niềm vui con chữ cho bà con ít học nơi đây sau ngày giải phóng. Hơn ai hết, ông thấu hiểu nỗi khó nhọc và thiệt thòi của người dân. 
 
Vì thế, chỉ vài năm sau khi rời Đạ Tông về Di Linh lập nghiệp, ông đã trở lại nơi này như một định mệnh.
 
Sẽ khó tin hoặc chẳng mấy ai để tâm, nhưng ông chính là người đầu tiên mang cây cà phê về cắm rễ ở Đạ Tông. Chỉ riêng câu chuyện ấy, chắc cũng đủ hàng ngàn chữ với đầy đủ chương hồi để viết, để mô tả về ông.
 
Không trường lớp, không qua đào tạo, chỉ tìm hiểu qua sách vở, ông tự mày mò ươm giống cà phê và đem về Đạ Tông gieo trồng, khi rẫy vườn nơi đây chỉ có một số ít diện tích lúa, bắp và cỏ dại.
 
6.000 cây cà phê tự tay ông ươm giống mang về thì hơn một nửa trong số đó được 12 hộ dân tin tưởng nhận về để trồng theo ông. Cũng vì chữ tình, nên cứ 100 cây người dân lại trao đổi với ông theo phương thức quà tặng bằng hai con gà, một trống một mái.
 
Ông kể, bây giờ có tuổi, nên rẫy vườn cho con cái làm phần nhiều, chỉ giữ lại gần 2 ha để dưỡng già, còn ngày trẻ ông làm như con trâu. Sức vóc của thời trai trẻ, của sự chịu khó, khiến gia đình ông là một trong những nhà có “của ăn, của để” nhất trong vùng. Bà con thấy thế, cũng nhiều người tin ông và làm theo để có nhiều thóc lúa trong kho, không còn lo cái đói trong những mùa giáp hạt.
 
Các vị trí công tác của ông cũng tỷ lệ thuận với niềm tin của người dân và sự tin tưởng của lãnh đạo địa phương. Từ Phó Trưởng Công an đến Trưởng Công an xã, và khi mới chỉ là đảng viên dự bị ông đã vinh dự được giao trọng trách nắm giữ vị trí Chủ tịch UBND xã. Hai nhiệm kỳ làm chủ tịch, bắt đầu từ năm 2008, ông nhận trọng trách làm Bí thư Đảng ủy xã Đạ Tông cho đến hiện tại. Xen lẫn trong suốt hơn nửa đời làm cán bộ của ông là những ngày tháng học tập miệt mài, qua rất nhiều lớp đào tạo. Và ở đâu trong quãng thời gian ấy, ông đều đạt được thành tích xuất sắc. Ông chia sẻ, người đồng bào mình bị thiệt thòi nhiều vì ít chữ, nên phải cố gắng học thôi. Có lẽ vì thế, nên cũng dễ hiểu khi con cái của ông đều tốt nghiệp đại học. Bởi ông quan niệm, làm gì không biết, có cái chữ vẫn tốt hơn.
 
Không chỉ ở gia đình, với lớp cán bộ trẻ đang nắm giữ nhiều vị trí quan trọng tại xã, cũng đều được ông tận tình hướng dẫn, quan tâm dìu dắt. Ông cũng là người xóa tan đi định kiến trước tình trạng cục bộ trong gia tộc dòng họ khi biết nhìn nhận từng khả năng của con người để bố trí và giới thiệu vào những vị trí sở trường, qua đó phát huy được hết khả năng. “Phải xóa tư tưởng cục bộ địa phương vì đơn giản thôi, điều này sẽ cản trở rất lớn đến sự phát triển”, ông thật lòng chia sẻ.
 
Trên cương vị Bí thư xã, từ lúc nhận trọng trách cả xã mới có 4 chi bộ với hơn 50 đảng viên, đến khi sắp mãn nhiệm toàn xã có 16 chi bộ với 150 đảng viên. Với ông đó là một thành công, bởi quan niệm của ông, phát triển đảng viên nhiều cũng có nghĩa là thêm người đứng ra nhận trọng trách, cáng đáng công việc được nhiều hơn.
 
Cả một đời với Đạ Tông, ông như người thắp lửa và truyền cảm hứng đến với người dân của vùng đất nơi đây. Trong đôi mắt ưu tư và gương mặt ít thấy nụ cười nơi ông vẫn còn rất nhiều nỗi niềm về đời sống khó nhọc của bà con và có lẽ là cả sự nuối tiếc về những điều ông chưa làm được trong nhiệm kỳ của mình.
 
LINH ÐAN