(LĐ online) - Sáng ngày 12/9, tiếp tục chương trình giám sát lần 2 về việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường, Đoàn giám sát của tỉnh do ông Nguyễn Trọng Ánh Đông - UVBTV Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh làm trưởng đoàn đã có chương trình giám sát, kiểm tra về thực trạng môi trường ở huyện nông thôn mới Đơn Dương.
(LĐ online) - Sáng ngày 12/9, tiếp tục chương trình giám sát lần 2 về việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường, Đoàn giám sát của tỉnh do ông Nguyễn Trọng Ánh Đông - UVBTV Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh làm Trưởng đoàn đã có chương trình giám sát, kiểm tra về thực trạng môi trường ở huyện nông thôn mới Đơn Dương.
|
Các thành viên của Đoàn giám sát nêu lên những tồn tại trong thu gom, xử lý chất thải rắn nhằm bảo vệ môi trường tại Đơn Dương |
Đề án thu gom rác đã và đang được triển khai thực hiện, được Nhân dân đồng tình ủng hộ, đem lại kết quả nhất định. Tổng lượng rác thải thu gom tại Đơn Dương đạt khoảng 70%. Thu gom và chuyển giao bao bì thuốc bảo vệ thực vật trong 2 năm 2018 - 2019 khoảng 4,7 tấn và chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý. Về xử lý rác thải y tế được xử lý bằng lò đốt với công suất 20kg/lần đốt. Qua đó, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xây dựng huyện nông thôn mới.
Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế tại huyện, Đoàn giám sát nhận thấy còn rất nhiều vấn đề tồn tại trong bảo vệ môi trường xử lý chất thải rắn tại Đơn Dương cần khắc phục. Đó là, thực tế lượng rác thải trong dân vẫn còn rất nhiều so với khối lượng đã thu gom, tình trạng vứt rác bừa bãi không đúng nơi quy định vẫn còn, xuất hiện nhiều bãi rác tự phát dọc theo Quốc lộ 27, chân cầu, đường huyện… gây mất cảnh quan, ô nhiễm môi trường. Về công tác thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt mới chỉ dừng lại ở việc chôn lấp sơ sài. Tại các thùng chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật do Sở Nông nghiệp triển khai dự án thì người dân không bỏ rác bao bì thuốc bảo vệ thực vật mà lại bỏ rác sinh hoạt vào thùng chứa rác được xây dựng.
Theo đó, Đoàn giám sát đã nêu lên nhiều vấn đề tồn tại cần khắc phục, đó là cần tăng cường hướng dẫn người dân phân loại rác thải tại nguồn. Trước mắt, tập trung phân theo 2 loại đó là rác thải có thể tái chế tái sử dụng và rác thải khó phân hủy, độc hại bỏ đúng nơi quy định. Cần đầu tư tập trung nâng cao năng lực thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn, nhằm đáp ứng cao hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cần thiết phải xây dựng phương án đóng cửa bãi rác tập trung của huyện và triển khai thực hiện sau khi dự án Tổ hợp xử lý chất thải rắn đi vào hoạt động. Huyện cũng cần quan tâm khảo sát, xây dựng phương án chôn lấp rác thải hợp vệ sinh để dự phòng Tổ hợp xử lý chất thải rắn sinh hoạt gặp sự cố tạm ngưng hoạt động trong quá trình vận hành hoặc chưa xử lý theo đúng công suất đã đăng ký gây tồn đọng rác thải. Đề nghị phía Trung tâm Quản lý và khai thác công trình công cộng cần khẩn trương thực hiện phương án xử lý tạm thời ô nhiễm môi trường tại bãi rác, nhất là nước rỉ rác, mùi hôi phát sinh trong thời gian chờ dự án đóng cửa.
NGUYỆT THU