Giám sát về xâm hại trẻ em tại thành phố Đà Lạt

11:09, 18/09/2019

(LĐ online) - Sáng ngày 18/9, tiếp tục chương giám sát chuyên đề về xâm hại trẻ em theo chương trình giám sát tối cao của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội Lâm Đồng thực hiện giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em tại thành phố Đà Lạt.

(LĐ online) - Sáng ngày 18/9, tiếp tục chương giám sát chuyên đề về xâm hại trẻ em theo chương trình giám sát tối cao của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội Lâm Đồng thực hiện giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em tại thành phố Đà Lạt. Đoàn do ông Nguyễn Tạo – Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH làm trưởng đoàn. Tham dự còn có đại biểu Quốc hội K’Nhiễu - Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; đại diện các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội; các chuyên gia Tổ tư vấn pháp luật. 
 
Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn giám sát về việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em tại thành phố Đà Lạt
Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn giám sát về việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em tại thành phố Đà Lạt
 
Phía thành phố Đà Lạt, tham dự làm việc với Đoàn giám sát có Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt Trần Thị Vũ Loan; đại diện Phòng Giáo dục, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát, các đoàn thể xã hội của thành phố. 
 
Theo báo cáo của UBND thành phố Đà Lạt, hiện toàn thành phố Đà Lạt có 60.183 trẻ em, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khoảng 192 em. Từ năm 2015 đến tháng 6/2019, số trẻ em bị xâm hại là 42 trường hợp, trong đó xâm hại tình dục là 21 trường hợp; bạo lực là 10 trường hợp, trong đó có 01 trẻ em tử vong do bị giết; 03 trẻ em bị thương tật, 03 trẻ em có thai khi bị xâm hại tình dục. Ngoài ra, theo báo cáo còn phát hiện 10 vụ với khoảng 25 đối tượng có hành vi dâm ô, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác mà nạn nhân là trẻ em nhưng chưa đến mức khởi tố và đã xử lý vi phạm hành chính. 
 
Đối tượng xâm hại trẻ em chủ yếu là người quen biết, đáng chú ý có trường hợp bố xâm hại cả con ruột của mình. Phương thức, thủ đoạn chủ yếu là do quen biết, đưa đi ăn uống sau đó tán tỉnh, dụ dỗ đưa đi quan hệ tình dục. Nguyên nhân dẫn đến các vụ việc xâm hại đáng tiếc do hoàn cảnh gia đình bố mẹ ly hôn, có hoàn cảnh khó khăn. Một số gia đình còn thiếu quan tâm, chăm lo, giáo dục, quản lý con cái, chưa nhận thức đầy đủ về nguy hiểm tiềm ẩn đối với trẻ em từ các quan hệ xã hội. Các em còn nhỏ, chưa có kỹ năng phòng vệ nên rất dễ rơi vào cạm bẫy của đối tượng xấu.
 
Tại buổi giám sát, đoàn đã ghi nhận, đánh giá cao về báo cáo chi tiết, đầy đủ, sát thực của thành phố Đà Lạt về kết quả thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Từ năm 2015 đến nay, thành phố đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, xây dựng kế hoạch kiểm tra giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về trẻ em trên địa bàn thành phố. Cơ bản trẻ em mồ côi, tàn tật, khuyết tật trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đủ điều kiện đều được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Nhiều trẻ em bị khuyết tật, dị tật, tim bẩm sinh được phẫu thuật miễn phí. Tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục được hỗ trợ, trợ giúp kịp thời và tội phạm xâm hại bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
 
Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Tạo cũng tiếp thu, ghi nhận các ý kiến kiến nghị, Đoàn ĐBQH sẽ kiến nghị với với Bộ Tài chính xem xét, sửa đổi Thông tư số 87/2008/TT-BTC ngày 08/10/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng Quỹ Bảo trợ trẻ em, vì Thông tư này gây khó khăn cho việc vận động Quỹ Bảo trợ trẻ em tại cấp huyện và cấp xã. 
 
Với quan điểm “Trẻ em hôm nay – thế giới ngày mai”, ông Nguyễn Tạo cũng đề nghị các cấp, các ngành thành phố Đà Lạt cần phải tăng cường hơn nữa sự phối hợp trong công tác tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa các loại tội phạm xâm hại trẻ em một cách thiết thực, quyết tâm ngăn ngừa đến mức thấp nhất loại tội phạm này. 
 
Chính quyền địa phương cần quan tâm xây dựng nhiều sân chơi an toàn như hồ bơi, sân bóng cho trẻ em. Tăng cường sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong việc quản lý, giáo dục trẻ em; duy trì thực hiện tốt hệ thống bảo vệ trẻ em tại cộng đồng; quản lý theo dõi nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại để có biện pháp hỗ trợ, can thiệp kịp thời. 
 
Đặc biệt, cần thường xuyên tổ chức các lớp giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho trẻ em và tập huấn kỹ năng bảo vệ trẻ em cho cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ, người trực tiếp làm việc với trẻ em. 
 
NGUYỆT THU