Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số

06:09, 10/09/2019

Có thể khẳng định rằng, Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa IX) về công tác dân tộc chính là yếu tố then chốt, là nền tảng để thúc đẩy, tạo sự đổi thay tích cực ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Có thể khẳng định rằng, Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa IX) về công tác dân tộc chính là yếu tố then chốt, là nền tảng để thúc đẩy, tạo sự đổi thay tích cực ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS). Từ khi Nghị quyết này ra đời, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành rất nhiều nghị quyết, chương trình hành động về đầu tư phát triển vùng ĐBDTTS. UBND tỉnh cũng đã cụ thể hóa các nghị quyết, chương trình hành động và lãnh, chỉ đạo thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch liên quan theo đặc thù riêng của địa phương. Chính vì vậy mà kinh tế - xã hội ở vùng DTTS từ đó đến nay có những bước phát triển khá đồng bộ, toàn diện, bộ mặt nông thôn, thị trấn, thị tứ có sự chuyển biến vô cùng rõ nét.
 
Vùng lúa mới công nghệ cao ở huyện Cát Tiên. Ảnh: N.T
Vùng lúa mới công nghệ cao ở huyện Cát Tiên. Ảnh: N.T
 
Giai đoạn 2001 - 2005, khi chưa có Nghị quyết 24 của Trung ương, toàn tỉnh có tới 49 xã, 64 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS chiếm trên 55% theo tiêu chí lúc bấy giờ, còn nhiều hộ đói giáp hạt; nhiều xã chưa có trường học, trạm y tế và bác sĩ; tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em trên 30%, dịch bệnh thường xuyên xảy ra; giao thông đến trung tâm nhiều xã phần lớn chỉ đi được mùa nắng, ách tắc trong mùa mưa; tỷ lệ hộ ĐBDTTS dùng nước hợp vệ sinh dưới 50%, tỷ lệ dùng điện dưới 60%. Chất lượng giáo dục - đào tạo trong vùng ĐBDTTS còn nhiều hạn chế, kết quả đào tạo nghề còn thấp; một số tập quán lạc hậu trong sản xuất và đời sống chậm được khắc phục, mê tín dị đoan có xu hướng gia tăng. Hệ thống chính trị cơ sở nhiều nơi còn yếu, hoạt động vẫn còn mang tính hành chính; tình trạng lợi dụng, kích động, lôi kéo một số người trong cộng đồng gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc chưa được phát hiện, ngăn chặn kịp thời; tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép để sản xuất nông nghiệp còn diễn ra ở nhiều nơi;... Nguyên nhân chủ yếu là do xuất phát điểm về kinh tế - xã hội và trình độ dân trí thấp; phương thức sản xuất và tập quán canh tác còn lạc hậu, đời sống còn nhiều khó khăn; trong khi đó các thế lực thù địch, kẻ xấu luôn tìm cách lợi dụng những khó khăn, yếu kém để xuyên tạc, kích động, lôi kéo gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
 
Toàn tỉnh hiện có 12 đơn vị hành chính cấp huyện (10 huyện, 2 thành phố); 147 xã, phường, thị trấn với 1.564 thôn, buôn, khu phố. Dân số 1.307.163 người với 43 dân tộc cùng sinh sống; đồng bào dân tộc thiểu số 70.655 hộ, 314.104 người (chiếm 24,1% dân số toàn tỉnh), trong đó, ĐBDTTS gốc Tây Nguyên 39.792 hộ với 196.061 người, chiếm 15,0%; hiện có 66 xã và 468 thôn có trên 20% ĐBDTTS sinh sống, trong đó nhiều thôn, buôn, xã có ĐBDTTS chiếm trên 80%; một số dân tộc có số lượng lớn, như: Kơ Ho, Mạ, Churu, Nùng, Tày, Hoa, M’Nông.

Xuất phát từ tình hình thực tế đó, sự ra đời của NQ số 24 chính là “kim chỉ nam” hành động để thúc đẩy vùng ĐBDTTS phát triển. Với sự chỉ đạo quyết liệt từ các chính sách dân tộc sát với điều kiện thực tế địa phương của Tỉnh ủy, sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự tập trung triển khai Nghị quyết của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và sự tham gia tích cực của người dân; bằng nhiều nguồn lực khác nhau...; sau 16 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, vùng ĐBDTTS trong tỉnh đã được đầu tư toàn diện và đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và tiến tới ổn định bền vững. Kết cấu hạ tầng nông thôn vùng ĐBDTTS được đầu tư đồng bộ, từng bước kiên cố hóa và được cải thiện rõ rệt; ngành công nghiệp có bước phát triển, nhất là công nghiệp thủy điện, chế biến nông, lâm sản, tạo động lực thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh nói chung và vùng ĐBDTTS nói riêng. 

16 năm trôi qua, có thể khẳng định rằng, hiệu quả của các chính sách đầu tư vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK), vùng ĐBDTTS trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã góp phần phát triển toàn diện vùng nông thôn DTTS; thể hiện rất rõ đó là đời sống vật chất, tinh thần của ĐBDTTS được cải thiện, con em có đủ trường, lớp để học; người dân được chăm sóc sức khỏe; trình độ dân trí được nâng lên; đồng bào đã biết cách làm ăn, hạn chế tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định,... Từ đó, góp phần giảm khoảng cách về trình độ phát triển giữa các dân tộc, giữa các khu vực; không còn hộ đói giáp hạt, tỷ lệ hộ nghèo từ 55% (theo tiêu chí cũ), giảm còn 12,2% (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, tính đến hết năm 2017). Tình hình an ninh chính trị vùng ĐBDTTS được giữ vững, các vấn đề bức xúc trong cộng đồng được giải quyết kịp thời, không để xảy ra điểm nóng. Đến nay, đã có 38/49 xã và 19/129 thôn ĐBKK đã hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn III; còn 11 xã và 110 thôn, buôn ĐBKK cần tiếp tục đầu tư trong giai đoạn tiếp theo. Nổi bật trên các lĩnh vực phải kể đến sự đổi thay mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp, hạ tầng nông thôn và văn hóa, giáo dục. 
 
Thống kê của ngành nông nghiệp, bằng phương thức mô hình mẫu, hỗ trợ giống mới, phân bón và trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật canh tác cùng với đầu tư thủy lợi nhỏ, thời gian qua đã giúp hàng ngàn hộ ĐBDTTS nâng cao nhận thức, chuyển từ sản xuất tự cung tự cấp với cây trồng chính là lúa rẫy, cây màu sang sản xuất hàng hóa có hiệu quả và cải thiện được thu nhập. Một số hộ vươn lên trở thành hộ có thu nhập khá, giàu, như: phát triển sản xuất lúa nước, làm kinh tế VAC tại các huyện Đam Rông, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Lâm Hà, Đức Trọng,...; chuyển đổi từ cây điều hạt năng suất thấp sang trồng cây điều ghép, cây ăn quả, tre lấy măng tại các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên; chuyển đổi giống và thâm canh cây cà phê có hiệu quả tại các huyện Di Linh, Bảo Lâm, Lâm Hà; chuyển đổi giống thâm canh cây chè tại các huyện Bảo Lâm, Di Linh, thành phố Bảo Lộc; sản xuất rau, hoa tại các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Lạc Dương, Lâm Hà và thành phố Đà Lạt,...
 
Kết cấu hạ tầng nông thôn cũng đã có những phát triển vượt bậc. Tính đến nay, mạng lưới giao thông đã được đầu tư và cơ bản hoàn thành từ huyện đến xã, liên xã; 100% số xã có đường kiên cố đến trung tâm xã; hệ thống giao thông các tuyến Quốc lộ 20, 27, 27C, 28, 20, 55; Tỉnh lộ 725, 723, 721,... được đầu tư nâng cấp khá đồng bộ. Mạng lưới điện sinh hoạt phát triển, đến nay 100% số xã có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ dùng điện ở nông thôn đạt trên 97%. 
 
Còn trong lĩnh vực giáo dục, toàn tỉnh đã hoàn thành phổ cập tiểu học và trung học cơ sở; giáo dục mầm non được chú trọng tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK. Đội ngũ giáo viên ngành học phổ thông đã cơ bản ổn định về số lượng và chuẩn hóa trình độ, lực lượng giáo viên tại chỗ, giáo viên người DTTS được tăng cường; mạng lưới cơ sở đào tạo nghề được hình thành khá phong phú và rộng khắp, với 33 cơ sở dạy nghề; hàng nghìn người DTTS được đào tạo nghề hàng năm. Hệ thống khám, chữa bệnh cũng đã được xây dựng từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt ở vùng DTTS từng bước được củng cố và phát triển, đến nay: 100% số xã có trạm y tế; 100% xã, phường, thị trấn có bác sỹ; 100% số thôn, buôn có nhân viên y tế. 
 
Việc triển khai tốt NQ 24 thời gian qua như thổi một luồng gió mới đến với vùng ĐBDTTS , giúp bà con vươn lên xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế. Nhiều địa phương vùng ĐBDTTS đã trở thành điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no trên địa bàn tỉnh trong những năm qua.
 
NGUYÊN THI