Trách nhiệm với cộng đồng, mong muốn xây dựng khu dân cư đáng sống, Linh mục Phêrô Trần Quốc Hưng Long - Chánh xứ, Quản xứ Giáo xứ Ka Đơn đã mạnh dạn đi đầu trong xây dựng mô hình điểm về bảo vệ môi trường với cách làm riêng, góp phần xây dựng Giáo xứ xanh - sạch - đẹp.
Trách nhiệm với cộng đồng, mong muốn xây dựng khu dân cư đáng sống, Linh mục Phêrô Trần Quốc Hưng Long - Chánh xứ, Quản xứ Giáo xứ Ka Đơn đã mạnh dạn đi đầu trong xây dựng mô hình điểm về bảo vệ môi trường với cách làm riêng, góp phần xây dựng Giáo xứ xanh - sạch - đẹp.
|
Linh mục Phêrô Trần Quốc Hưng Long - Chánh xứ, Quản xứ Giáo xứ Ka Đơn cùng trực tiếp hướng dẫn bà con canh tác rau sạch hữu cơ theo hướng truyền thống. Ảnh: N.Thu |
Ý tưởng xanh được bắt đầu khi mỗi sớm mai thức dậy Cha Long thấy có mùi thuốc sâu thoang thoảng trong không khí đâu đây và đó là do bà con phun thuốc trừ sâu bệnh cho các loại rau quanh vùng. Nhận thấy, nguy cơ độc hại và làm ô nhiễm bầu không khí, Cha nói là làm, bắt tay ngay vào việc tuyên truyền cho bà con giáo dân và Nhân dân quanh vùng Ka Đơn.
Mô hình Giáo xứ xanh - sạch - đẹp được khởi đầu cách đây 5 năm với hàng trăm cây thông được trồng mới, dưới là nền cỏ xanh được trồng, chăm sóc, tỉa cắt đều đẹp để giữ lại mảng xanh cho nhà thờ. Xung quanh có vườn cây ăn trái như mít, bơ... giờ đây Cha Long đã cho trồng lại các loại rau truyền thống bầu hồ lô, bí, đậu rồng, khôi phục lại giống và nhân rộng để giữ lại giống cây bản xứ lâu đời của đồng bào Churu. Nhiều cây gia vị để đuổi côn trùng, ớt, tỏi, cho đến các loại rau cũ như cải nhật, cải trắng, củ cải đỏ, rau đay, mùng tơi, sà lách, rau muống... cũng được trồng tại đây theo phương pháp hữu cơ. Hiện nay, Giáo xứ Ka Đơn đã triển khai được 6 sào rau hữu cơ, đầu ra cho các sản phẩm này đang được công ty ở Cát Lái - Bình Dương và Sài Gòn hợp đồng tiêu thụ.
Qua đó, Cha Long đang mong muốn nhân rộng mô hình ra cộng đồng, nâng cao ý thức cho người dân về việc sản xuất ra sản phẩm rau, củ, quả an toàn. Đồng thời, kêu gọi giáo dân cùng làm ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, cho giá thành tốt, thu nhập khá theo hình thức trồng rau hữu. Mô hình xanh được duy trì gần 2 tháng nay nhưng cho thấy dấu hiệu tốt bởi đầu ra không đủ cung cấp cho đơn đặt hàng ở các nhà hàng chay Sài Gòn và nhiều công ty, doanh nghiệp lớn. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, với MTTQ và các đoàn thể, giáo xứ đã cùng thực hiện trồng cây hoa Mai anh đào xung quanh khuôn viên nhà thờ, tương lai sẽ tạo điểm nhấn tôn thêm vẻ đẹp tự nhiên cho vùng đất nơi đây.
Từ “ý tưởng xanh” này, Giáo xứ Ka Đơn đến nay đã trở thành mô hình kiểu mẫu giáo xứ xanh - sạch - đẹp được mọi người dân và du khách tìm đến tham quan, tìm hiểu tín ngưỡng tôn giáo và văn hóa của người Chu ru.
Để tiếp tục duy trì và gìn giữ nét xanh - sạch - đẹp này, Cha Long đã tiếp tục vận động, tuyên truyền bà con thực hiện nề nếp giữ gìn không gian xanh, không xả rác bừa bãi để tạo môi trường sống sạch và trong lành, phục vụ cho chính con người nơi đây và cả cộng đồng cùng thụ hưởng. Đơn cử như sau mỗi buổi sinh hoạt “Cà phê Tin Mừng” tổ chức vào tối chủ nhật hàng tuần, trước khi ra về, mọi vật phế thải như bịch nilon, vỏ lon bia, nước ngọt, vỏ chai nhựa... đều được gom về đúng thùng rác quy định. Tại đây, Cha quy định rõ thùng rác màu đỏ là rác nguy hại bằng nhựa, khó phân hủy, có hại cho môi trường; còn thùng rác màu xanh là rác hữu cơ có thể tái chế và sử dụng lại. Tiếp đó, triển khai mô hình này đến từng hộ gia đình và các hộ gia đình nơi đây đều phải thực hiện việc thu gom, phân loại rác như Cha Long hướng dẫn. Đây chính là cách tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường tốt nhất cho bà con, tạo ý thức từ các em nhỏ đến người lớn đều cùng phải chấp hành và ai vi phạm thì mọi thành viên trong nhà đều có trách nhiệm nhắc nhở nhau.
Cha Long đã trực tiếp hướng dẫn người dân phân loại rác ngay tại hộ gia đình, xây dựng không gian xanh - sạch - đẹp trong giáo xứ, góp phần xây dựng khu dân cư trở thành nơi đáng sống và xây dựng giáo xứ xanh - sạch - đẹp, giáo xứ bình yên. Tất cả các vị chức sắc, linh mục và bà con giáo dân cùng nhau thực hiện việc sản xuất ra các nông sản an toàn, bảo đảm sức khỏe con người, đồng thời vẫn tạo ra giá trị kinh tế với mức thu nhập cao từ hình thức canh tác hữu cơ. Từng bước thay đổi thói quen sống để xây dựng nếp sống mới văn minh hiện đại hơn, đó cũng là tâm huyết của Linh mục Phêrô Trần Quốc Hưng Long cùng toàn thể các vị chức sắc, Linh mục, tập thể Giáo hạt, chính quyền địa phương và đông đảo các tầng lớp nhân dân trong vùng.
NGUYỆT THU