Có thể thấy rằng, Chương trình 135 thời gian qua đã hòa nhịp cùng với các chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn và mang lại hiệu quả thiết thực...
Có thể thấy rằng, Chương trình 135 thời gian qua đã hòa nhịp cùng với các chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn và mang lại hiệu quả thiết thực. Qua đó, Chương trình 135 đã làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn (ĐBKK), đời sống của đồng bào từng bước được cải thiện, tỉ lệ đói nghèo giảm nhanh.
|
Bộ mặt nông thôn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thời gian qua có nhiều thay đổi tích cực từ nguồn lực của Chương trình 135. Ảnh: N.Thi |
Sự ra đời của Chương trình 135 (Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã ĐBKK vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi) đã thể hiện chủ trương, đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, chăm lo đời sống Nhân dân, bảo đảm tiến bộ công bằng xã hội ở vùng DTTS và miền núi. Sau 20 năm và qua 3 giai đoạn triển khai thực hiện, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và được đồng bào các DTTS hưởng ứng, tích cực, Chương trình 135 tại Lâm Đồng đã đạt được nhiều thành tựu.
Theo số liệu thống kê của UBND tỉnh, là một tỉnh miền núi, xuất phát điểm còn thấp trên mọi phương diện, 20 năm qua, tổng kinh phí thực hiện Chương trình 135 đầu tư trên địa bàn tỉnh là rất lớn.
Nếu chỉ tính riêng giai đoạn 2016 - 2018, giai đoạn 3 của chương trình thì trên địa bàn tỉnh được đầu tư 164.507 triệu đồng từ nguồn ngân sách Trung ương, trong đó vốn đầu tư phát triển là 121.415 triệu đồng, vốn sự nghiệp là 43.692 triệu đồng.
Cụ thể, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng là 121.415 triệu đồng để đầu tư xây dựng khoảng 324 công trình, trong đó có 254 công trình đường giao thông nông thôn, 8 công trình nước, 62 công trình nhà văn hóa. Riêng vốn dành cho duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng là 7.169 triệu đồng và đã đầu tư duy tu, bảo dưỡng 30 công trình đường giao thông nông thôn, sửa chữa công trình nước sinh hoạt và duy tu nhà văn hóa.
|
Mô hình đan sọt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã giúp bà con tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Ảnh: N.Thi |
Còn vốn cho tiểu dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo là 32.413 triệu đồng. Từ nguồn vốn này đã hỗ trợ đầu tư cho khoảng 6.511 hộ, tập trung hỗ trợ vật tư phân bón, giống cây trồng, vật nuôi, máy móc nông cụ sản xuất, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, nhân rộng mô hình giảm nghèo...
Tiểu dự án Nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng, tổng vốn giai đoạn 2016 - 2018 là 4.110 triệu đồng, đã tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho 1.204 lượt cán bộ cơ sở và cộng đồng; tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm về công tác tổ chức triển khai thực hiện Chương trình 135 cho 55 lượt cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã tại các tỉnh miền Tây và các tỉnh miền Trung.
Hiện nay, Lâm Đồng chỉ còn 1 huyện nghèo là huyện Đam Rông theo Quyết định số 275/QĐ-TTg ngày 7/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ; 62 xã thuộc khu vực II theo Quyết định số 582/QĐ-TTg, 8 xã đặc biệt khó khăn và 150 thôn ĐBKK. |
Với số vốn đầu tư lớn, chia từng giai đoạn, cùng với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự đồng lòng của bà con các DTTS, cho thấy hiệu quả của các chính sách dân tộc trong thời gian qua trên địa bàn. Chương trình đã góp phần làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn, vùng DTTS; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS ngày càng được cải thiện. Người đồng bào DTTS đã biết cách làm ăn, hạn chế tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định,... góp phần giảm khoảng cách về trình độ phát triển giữa các dân tộc, giữa các khu vực; không còn hộ đói giáp hạt, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều giảm từ 12,6% (năm 2010) đến cuối năm 2017 còn 3,91%.
Theo Quyết định số 1170/QĐ-UBND ngày 27/5/2019 của UBND tỉnh, thì toàn tỉnh hiện chỉ còn 9.046 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,85%; hộ nghèo là đồng bào DTTS còn 6.008 hộ, chiếm tỷ lệ 8,50%; hộ cận nghèo còn 13.947 hộ, chiếm tỷ lệ 4,39%. Hộ cận nghèo đồng bào DTTS còn 7.437 hộ, chiếm tỷ lệ 10,52%. Năm 2018, cả tỉnh giảm 3.122 hộ nghèo, tương ứng giảm 1,06%; trong đó đồng bào DTTS giảm 2.019 hộ, tương ứng giảm 3,06%.
Về quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vùng DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh tiếp tục ổn định và giữ vững, các vấn đề bức xúc trong cộng đồng được giải quyết kịp thời, không để xảy ra điểm nóng; đảm bảo chính trị nội bộ, an ninh, trật tự và an toàn xã hội; đồng bào DTTS chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường...
Theo số liệu thống kê mới nhất của Ban Dân tộc, đến nay 100% số xã trên địa bàn đã có điện lưới quốc gia, trên 70% số hộ đồng bào DTTS được dùng điện; 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã đi được cả hai mùa khô và mùa mưa. Nhiều xã vùng sâu, vùng xa đã có đường bê tông, nhựa. Toàn tỉnh hiện có 38/46 xã và 19/129 thôn đặc biệt khó khăn đã hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn III; 25/46 xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn về nông thôn mới (giai đoạn 2010 - 2016 có 21 xã; giai đoạn 2017 - 2019 có 4 xã), chỉ còn 110 thôn ĐBKK cần tiếp tục đầu tư trong giai đoạn tiếp theo.
Nhìn vào những con số thực tế trên có thể thấy, sau 20 năm triển khai Chương trình 135 và qua 3 giai đoạn, từ nguồn lực của Chương trình 135 kết hợp với Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến nay thì công cuộc xóa đói, giảm nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi đã đạt được những thành tựu nhất định. Nhiều mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất và cách làm mới đã tạo cơ hội việc làm, cải thiện sinh kế cho đồng bào DTTS, giúp bà con vươn lên thoát nghèo ở nhiều địa phương, góp phần không nhỏ trong việc xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng DTTS và miền núi.
NGUYÊN THI