Những năm gần đây, huyện Lạc Dương đã dành nguồn lực đầu tư nhằm phát triển toàn diện ngành giáo dục nên ngay ở tận Đưng K'Nớ - địa bàn vùng sâu, vùng xa nhất của huyện cũng có nhiều đổi khác trong năm học 2019 - 2020.
Những năm gần đây, huyện Lạc Dương đã dành nguồn lực đầu tư nhằm phát triển toàn diện ngành giáo dục nên ngay ở tận Đưng K’Nớ - địa bàn vùng sâu, vùng xa nhất của huyện cũng có nhiều đổi khác trong năm học 2019 - 2020.
|
Cơ sở vật chất khang trang tại Trường THCS Đưng K’Nớ. Ảnh: N.N |
Hoàn thiện trường lớp
Bước vào năm học 2019 - 2020 này, học trò xã Đưng K’Nớ đã vui hơn vì không còn học chung cấp 1, 2. Bởi huyện Lạc Dương đã tiến hành tách cấp học, xây mới trường trung học cơ sở (THCS) và sửa chữa nâng cấp trường tiểu học (TH) trên địa bàn xã.
Trước đây, địa bàn xã Đưng K’Nớ gồm hai trường: Trường TH & THCS Lán Tranh tuyển sinh trên địa bàn thôn Lán Tranh và Trường TH & THCS Đưng K’Nớ tuyển sinh trên địa bàn 3 thôn: Đưng Trang, Đưng K’Nớ 1 và Đưng K’Nớ 2. Hai trường này cách nhau khoảng 9 km. Năm học 2018 - 2019, Trường TH & THCS Lán Tranh có 9 lớp với 107 học sinh, Trường TH & THCS Đưng K’Nớ có 10 lớp với 215 học sinh. Do vậy việc tách các cấp học để thành Trường Tiểu học Đưng K’Nớ và Trường THCS Đưng K’Nớ là điều cần thiết. Việc này nhằm nâng cao công tác chuyên môn cũng như hiệu quả việc dạy và học. Đồng thời phục vụ cho xu thế phát triển trong tương lai của địa phương.
Theo đó, đối với cấp tiểu học, Trường Tiểu học Đưng K’Nớ ngoài điểm trường chính ở thôn Đưng K’Nớ 2, vẫn giữ điểm trường tại khu vực thôn Lán Tranh để đảm bảo việc học tập cho các em trong thôn. Còn tại trường chính sẽ đảm bảo việc học cho các em học sinh ở thôn Đưng Trang, Đưng K’Nớ 1 và Đưng K’Nớ 2. Như vậy sẽ không có sự biến động trong quãng đường đi học cũng như việc học tập đối với các em học sinh ở bậc TH.
Trường THCS Đưng K’Nớ mới được xây dựng từ năm 2017 và đưa vào sử dụng từ tháng 8/2019 trên diện tích gần 10.000 m
2. Ông Cil Poh - Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương khẳng định: “Hiện nay, huyện đã có kế hoạch giãn dân từ thôn Đưng K’Nớ 1 về khu vực này, bởi vậy việc tách trường là phù hợp với quy hoạch và phân bố dân cư trong tương lai. Đồng thời, việc tách trường để tiếp tục phấn đấu tiến lên đạt chuẩn cũng được xem như là bước chuẩn bị cần thiết để sẵn sàng tiến đến xã nông thôn mới những năm tiếp theo”.
Tuy nhiên, quãng đường đi học vẫn là vấn đề lớn nhất đặt ra hiện nay đối với Trường THCS Đưng K’Nớ. Nhất là học sinh ở thôn Đưng Trang và thôn Lán Tranh.
Giải pháp cho học sinh ở xa là bán trú và nội trú
Đưng Trang là thôn xa nhất, nghèo nhất của Đưng K’Nớ. Từ trung tâm xã vào Đưng Trang quãng đường dài gần 12 km nhưng lại tốn thời gian bằng 2/3 thời gian từ Đà Lạt vào Đưng K’Nớ. Bởi để vào được nơi này phải leo dốc, qua suối, đường mùa nắng thì đá bụi, mùa mưa trơn trượt. Vì vậy, từ năm 2015, Ban Giám hiệu Trường TH & THCS Đưng K’Nớ đã mạnh dạn đề nghị và được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lạc Dương chấp thuận tổ chức bán trú cho 27 học sinh đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của thôn Đưng Trang. Nỗ lực của thầy cô giáo từ đưa học sinh Đưng Trang bán trú, rồi tới nội trú đã giúp các em đỡ gian nan hơn trên hành trình kiếm tìm con chữ. Bởi “vận động được các em đi học đã khó, không thể để những khó khăn đó trở thành lực cản trong việc đến trường”, thầy Nguyễn Đặng Nho - nguyên Hiệu trưởng Trường TH&THCS Đưng K’Nớ khẳng định. Những nỗ lực của thầy cô đã giúp học trò Đưng Trang gắn bó với trường, lớp. Hiện nay mô hình này vẫn được duy trì tại Trường TH Đưng K’Nớ.
Còn đối với học sinh Trường THCS Đưng K’Nớ hiện nay, để giải quyết vấn đề này, trước khi vào năm học mới, nhà trường và ngành Giáo dục huyện Lạc Dương đã kêu gọi các đơn vị hỗ trợ học sinh xe đạp đi học. Đến nay, 100% học sinh cấp THCS ở đây đều đã có xe đạp. Thầy giáo Nguyễn Đặng Nho - Hiệu trưởng Trường THCS Đưng K’Nớ cho biết thêm: “Trường THCS Đưng K’Nớ hiện có 4 lớp ở 4 khối với 92 học sinh. Trong đó, có 8 học sinh sống ở Đưng Trang. Đối với học sinh các thôn khác, nhà trường đã xây dựng kế hoạch học bán trú. Còn riêng đối với học sinh thôn Đưng Trang và những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhà trường sẽ nỗ lực và đề xuất Phòng Giáo dục triển khai phương án học nội trú”.
Ông Phi Srỗn Ha Nràng - Phó Bí thư Đảng ủy xã Đưng K’Nớ nói: “Xã có 526 hộ, trên 95% dân số là người DTTS. Trong đó, có hơn 200 hộ nghèo nên vẫn còn không ít hộ gia đình chưa thực sự quan tâm đúng mức đối với việc con cái đi học. Bởi vậy, ngay từ đầu năm học mới, xã đã thành lập Ban Vận động do Phó Chủ tịch xã làm Trưởng ban để cùng với các thầy cô, già làng, trưởng thôn... đến từng thôn, buôn động viên con em tới lớp học. Ngày khai giảng, 100% học sinh đã ra lớp. Và hiện nay, xã cũng đang có nhiều nỗ lực để cùng với nhà trường thực hiện việc bán trú và nội trú cho các em học sinh ở xa”.
Ông Bon Niêng Ha Buốt - Trưởng thôn Đưng Trang nói: “Việc học nội trú ở trường sẽ giúp con em thôn Đưng Trang yên tâm đến lớp”.
Được biết, hiện nay, Liên Minh Group đã là một trong những doanh nghiệp hỗ trợ Trường THCS Đưng K’Nớ thực hiện nội dung này. Và việc sớm ổn định sinh hoạt bán trú và nội trú cho các em học sinh sẽ góp phần nâng cao chất lượng dạy và học cho các em học sinh trong năm học 2019 - 2020.
N.NGÀ