Đất ấy, trong kháng chiến là Vùng 3, vô cùng ác liệt. Bốn mươi tư năm hòa bình, xây dựng kiến thiết cũng trong nỗi thăng trầm khó khăn, nhiều như gió ngàn hoang hoải, dầm mưa tháng thối đất, khô cháy tháng hạn hán...
Đất ấy, trong kháng chiến là Vùng 3, vô cùng ác liệt. Bốn mươi tư năm hòa bình, xây dựng kiến thiết cũng trong nỗi thăng trầm khó khăn, nhiều như gió ngàn hoang hoải, dầm mưa tháng thối đất, khô cháy tháng hạn hán... Đi ra đụng sông suối và dốc Ma Thiên Lãnh, đi vô gặp suối sông và dốc Mạ Ơi... Với tôi, hơn hai mươi năm, đất và người Đạ Tẻh đi về yêu thương. Ngoài nghề viết, tôi may mắn làm con rể, nhạc phụ là Huyện ủy viên khóa I và II.
|
Trường THPT Đạ Tẻh hôm nay là cơ sở rất khang trang và có chất lượng giáo dục nổi bật của tỉnh. Ảnh: M.Đạo |
Theo giới thiệu của nhạc phụ, tôi đến nhà già làng K’Lú, một người dân tộc Mạ, là Chủ tịch UBND thị trấn Đạ Tẻh khi huyện thành lập, năm 1996, Huyện ủy viên khóa I. Già K’Lú chỉ tay phía trước mặt: “Hồi xưa, chỗ này cây còn nhiều, chưa có mấy nhà đâu. Đất thấp lắm, nước ngập không à. Cá và chim cũng rất nhiều...”. Dải đất huyện Đạ Tẻh này có diện tích 523,4 km2, dọc theo chân các dãy núi Con Ó LuMu ở phía Đông, Bờ Nôm Quan, Nao Lùng ở phía Tây... Là hạ lưu các sông suối, sông Đạ Tẻh 30 km, suối Đạ Nha 50 km... vắt qua để rồi tuôn dòng xuống sông Đồng Nai. Khá bằng phẳng nhưng Đạ Tẻh chịu ngập băng đồng mùa mưa, tháng 4 đến tháng 10; hạn khô đất mùa tháng 11 đến tháng 3. Lúc tôi viết bài bút ký này, lụt ngập nặng tháng trước và nay chỉ mấy tiếng đồng hồ nữa là ngày khai giảng năm học mới 2019-2020, nhưng Đạ Tẻh tiếp tục ngập cục bộ nhiều tuyến đường, khoảng 150 ha hoa màu của thị trấn, xã Triệu Hải, xã An Nhơn..., lốc xoáy, lũ quét phá xã Đạ Pal...
Tôi không nhắc nhiều đến những khó khăn và thiếu thốn của vùng đất chịu nhiều thiên tai và địch họa nữa. Chỉ cùng những nhân chứng hồi ức sự nghiệp “trồng người” để thấy sức vươn lên của một vùng đất. Họ là thầy Nguyễn Xuân Lương, người Nam Định, đã 78 tuổi, Hiệu trưởng trường THPT đầu tiên; thầy Bùi Văn Hùng, người Hà Tĩnh, nguyên Trưởng Phòng Giáo dục huyện, hiện là Chủ tịch UBND huyện; thầy Đinh Xuân Chiến, người Quảng Trị, vừa nghỉ hưu sớm vì sức khỏe, nguyên Hiệu trưởng THPT và THCS... Cô giáo Trần Công Nga (nghỉ hưu sau nhiều năm làm Hiệu trưởng trường tiểu học ở Đà Lạt) và rất nhiều đồng nghiệp của cô đến từ nhiều quê: thành phố Đà Lạt, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... Đó là các cô: Thơm, Tuyền, Bích Nga, Ngoan, Mỹ Liên, Dần, Mùi, Tâm, Nhung, Yên...; các thầy như K’Brí, K’Vinh, Sơn, Hóa, thầy Chiến,...
***
Thầy Lương có nhiều học sinh độ tuổi lớn, nhiều học sinh thành đạt. Tốt nghiệp Trường Sư phạm Hà Nam khóa 1955-1961, đứng bục giảng ở quê rồi cuối năm 1986, thầy cùng gần 700 hộ dân quê hương đi kinh tế mới Lâm Đồng. Thầy là một trong 9 cán bộ, giáo viên tăng cường theo nghĩa vụ, quyết không để người dân vùng đất mới thất học. Đất chưa lành nhưng thầy Lương quyết định cắm chốt ở lại. Từ chuyên viên Phòng Giáo dục, thầy trở thành Hiệu trưởng THPT và còn là giáo viên dạy bổ túc văn hóa nhiều năm cho nhiều lớp cán bộ công chức trong huyện. Người giáo già gần 80 tuổi này luôn dồi dào nhựa sống, hạnh phúc nhân lên từ sự thành đạt của nhiều thế hệ học trò. Những người con của vợ chồng thầy rất thành đạt, có người nối nghiệp bố tại huyện, anh Nguyễn Mạnh Việt từng là giáo viên rồi trưởng thành thành Phó Chủ tịch UBND huyện, nay là Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đạ Tẻh. Thầy giáo Lương giờ còn làm Bí thư Chi bộ Tổ dân phố 4A thị trấn, một tổ chức cơ sở đảng vững mạnh. Tôi đặt vấn đề với thầy Lương:
- Thưa thầy, biết là chặng đường của giáo dục huyện Đạ Tẻh buổi đầu thành lập so với hôm nay đã thay đổi vượt bậc. Chắc chắn đã là trang mới, rất mới. Thầy có thể dẫn một vài thông tin cho mọi người hiểu hơn ạ?
Thầy Lương hồ hởi, không giấu niềm hạnh phúc khi so sánh “giờ như trong mơ”. Thời đó, toàn huyện Đạ Tẻh chỉ có 6 trường phổ thông cơ sở (vừa cấp 1 vừa cấp 2). Trường THPT (vừa cấp 2 và cấp 3) thành lập từ tách Trường THPT Đạ Huoai. Có 8 phòng học, học sinh cấp 2 và cấp 3 không đủ nên 4 phòng dạy và học, còn 4 phòng cho cán bộ, giáo viên ở và làm xưởng đóng bàn ghế. Không có trường mầm non, mô hình nhà trẻ nằm chung trong trường phổ thông. Cha mẹ lo sinh kế nên bỏ bê việc học hành của con cái. “Giờ thì ngước trông tòa rộng dãy dài”, thầy Lương bày tỏ cảm xúc và dẫn chứng: mỗi xã có 1 trường tiểu học, 1 trường THCS và 1 trường mầm non; cả huyện có 3 trường THPT. Riêng thị trấn có tới 4 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 2 trường THCS. Những năm 1986-1987, ai trọ trẹ được tiếng Anh là mời vào trường dạy ngay, giờ thì đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản, có đủ ở các trường tiểu học...
- “Nhưng thưa thầy, xưa điều kiện cho đội ngũ giáo dục rất khó khăn và gian khổ lắm?”, tôi nói.
Thầy Lương “ồ” rồi nói: “Anh biết đấy, giáo viên không đủ. Mình tôi vừa dạy văn, vừa dạy địa lý và chủ nhiệm. Như anh thấy rồi đó, “Thầy giáo tháo giầy tháo cả ủng thủng cả áo lấy giáo án dán áo/Nhà trường nhường trà nhường cả hoa nhòa cả hương lĩnh lương hưu lưu hương”. (Đây là câu đối mà vế thách là của Trưởng ty Giáo dục Nghệ An và vế đối của Phó Giáo sư Văn Như Cương, lưu truyền nhiều năm trong giáo giới cả nước).
Thầy Lương còn nhắc chuyện cô giáo Đỗ Thị Hòa không đủ quần áo lên lớp vào mùa mưa lội suối, trong lúc nhà ở thì... “ngàn sao” (ví von về trăm chỗ dột). Cô giáo Trần Thị Công Nga hồi ức với tôi: Hồi đó, bắc qua sông suối là những cây gỗ xếp lại. Người đi qua luôn sợ rơi xuống dòng nước xiết phía dưới. Học sinh chân đất đến lớp, rồi thay quần áo lấm lem bùn treo ghế. Cô Nga và cô Mỹ Liên là người thành phố Đà Lạt, mấy tháng về nhà nhưng phải thay phiên nhau để mang các loại rau xuống. Để cải thiện bữa ăn tập thể nhiều khoai, ngô, thiếu dinh dưỡng, nhà trường tổ chức tăng gia sản xuất, hai cô không tham gia được vì sức khỏe có hạn, mang rau củ xuống trường bù chỉ tiêu giao. Đêm, mờ ánh đèn dầu hỏa, những thanh âm của ếch, nhái, dế mèn và cả chuông chùa ngân, nỗi nhớ nhà ở những cô gái thị thành mới vào đời da diết. Được về nhà, các cô mang cả hốc mũi đen như ống khói khoe người Đà Lạt, để “khà... khà” cười với nhau. Mặc dù họ phải trải qua hành trình 170 km, ngồi nhờ thùng “xe reo” của lâm trường, leo dốc Ma Thiên Lãnh, ngồi ghe qua sông Đạ Quay mùa lũ và theo xe chạy than rù rì ngược non cao. Trường tiểu học cô giáo Công Nga và Mỹ Liên dạy những năm đầu là cấp 1 xã Đạ Tẻh, năm 1981, huyện Đạ Huoai, nay là Trường Tiểu học Quang Trung, thị trấn Đạ Tẻh. Theo cô Nga, ngôi trường có cơ sở vật chất “sang nhất huyện”, vì học sinh từ 80 - 90% là dân tộc Mạ, trường được viện trợ của UNICEF. Trong trường, cô giáo Ngoan, người Thanh Hóa, là “chuyên gia dạy lớp 1” vì đến trường sớm, có vốn liếng ngôn ngữ dân tộc bản địa. Lớp đầu đời cần lắm, “gieo mầm” đúng cách.
Quả là trường trung tâm được vậy, những nơi còn lại chỉ “ba không” (không bàn, không ghế và không giường) như Chủ tịch huyện, nhà giáo Bùi Văn Hùng chia sẻ. Thầy Hùng kể, lớp học chỉ dựng bằng tranh, tre tạm bợ; giường giáo viên là mấy tấm ván xẻ vội đặt lên những cọc chạng 3, lật bên nào cũng chòng chành như ở trên sóng nước...
Trong cuộc sống, sự thiếu thốn nhiều khi lại là mảnh đất tốt để lòng nhân ái nẩy lộc đâm chồi và tỏa bóng mát. Tình yêu thương đùm bọc giữa đồng nghiệp, giữa thầy cô và học trò là những câu chuyện cảm động, lung linh mãi đối với mỗi cuộc đời “trồng người” nơi vùng đất gian khổ.
“Dễ thương lắm anh ạ. Có một học trò tên là K’Toa đến khép nép trước cửa phòng cô giáo, rồi một lúc em mang vào túi gạo khoảng một loong để biếu cô. Còn em Thiết, học sinh dân tộc Kinh ở tận Đạ Cộ lúc thì mang nải chuối chín, lúc khúc mía hay chiếc bánh tráng vì thấy cô sức khỏe yếu...” - cô giáo Công Nga ngừng kể... Giọng cô nghèn nghẹn, bùi ngùi nên tôi không gợi thêm nữa. Lơ đãng nhìn bầu trời Đà Lạt thông vời vợi, mãi rồi cô nói tiếp: “Cuộc sống thiếu đủ thứ nhưng vui với đồng nghiệp và các học sinh anh ạ...”.
Các thầy cô vượt qua được thiếu vật chất, nhưng bệnh tật thì luôn là nỗi ám ảnh. Cô Nga vẫn không quên cảnh ban ngày ngồi trong màn tránh muỗi sốt rét, ban đêm cảnh giới với rắn, rết bò vào phòng... Tôi đã nghe hơn một lần những câu chuyện đau thương về bệnh sốt rét của giáo viên huyện Đạ Tẻh. Ở vùng “đất dữ” này, rất nhiều người dính bệnh sốt rét. “Nhìn da biết số nhà. Nó vật khủng khiếp lắm. Nhưng cô thầy không bỏ lớp, trừ khi sốt cao quá...”, thầy Nguyễn Xuân Lương nói. Theo hồi ức buồn của thầy, chính người vợ của thầy Hùng là cô giáo Cảnh cũng mất vì sốt rét. Trường hợp thầy Nguyên sắp cưới vợ cũng chịu số phận vĩnh viễn ra đi... Chủ tịch huyện, nhà giáo Bùi Văn Hùng cho tôi biết, toàn huyện có chừng 13 giáo viên mất vì căn bệnh sốt rét ác tính. Tôi nhắc đến trường hợp gia cảnh của thầy Đờn, vốn là sinh viên của chúng tôi chuẩn hóa trình độ cao đẳng sư phạm. Vợ của thầy là cô giáo Phin mất vì bệnh sốt rét, đến lượt thầy Đờn cũng ra đi vì bệnh ung thư. Bố mẹ nhà giáo nghèo mất, 3 người con lớn lên như ngọn đèn dầu trước gió cả. Thế mà con đầu thi đậu trường THPT chuyên của tỉnh; giờ cả 3 đều trưởng thành, có một cháu nối nghiệp nhà giáo của bố mẹ ngay tại Đạ Tẻh. Có dịp công tác, tôi đến thắp hương cho vợ chồng thầy Đờn. Còn thầy Bùi Văn Hùng chia sẻ, năm nào đến dịp giỗ chung 2 bạn đồng nghiệp ấy, anh em vẫn đến nhà thắp hương...
Sự đào luyện trong bể khó sông gian ấy, đội ngũ nhà giáo huyện Đạ Tẻh đã rất trưởng thành. Rất nhiều nhà giáo trở thành cán bộ quản lý cấp tỉnh, cấp huyện trong ngành và ngoài ngành. Họ khẳng định chân giá trị của mình không chỉ tại Đạ Tẻh, mà ở nhiều nơi khác trong tỉnh như Đà Lạt, Bảo Lộc, Bảo Lâm, Lâm Hà, Di Linh, Đức Trọng,... Các thế hệ học sinh của Đạ Tẻh đậu đại học, cao đẳng trung bình từ 65-68%. Trong số đó, không ít người đã có bằng tiến sĩ, thạc sĩ ở nhiều lĩnh vực.
***
Kể từ năm 1986, theo Quyết định số 66/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, huyện Đạ Tẻh “ở riêng” trên cơ sở tách 3 từ huyện Đạ Huoai. Từ đây, Nghị quyết Đảng bộ huyện Đạ Tẻh xác định từng chặng đường 5 năm phấn đấu không ngừng để đạt các mục tiêu lớn về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đặc biệt lĩnh vực giáo dục. Đến năm 1995, Đạ Tẻh chấm dứt đói giáp hạt nhiều năm. Theo đó, giáo dục chuyển biến rõ nét. Phòng học ngói hóa hơn 50%; không còn lớp học ca 3. Tỷ lệ học sinh bỏ học giảm từ 13 - 15% xuống còn 2 - 4%. Tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số tăng 3,5 lần so với năm 1991. Học sinh tăng bình quân hàng năm từ 900 đến 1.000 em. Các ngành học, cấp học phát triển đều, nhất là ngành học mầm non. Kết quả học tập của học sinh hàng năm đều tăng. Huyện hoàn thành phổ cập tiểu học, xóa mù chữ vào tháng 10 năm 1995. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên từng bước được chuẩn hóa, trưởng thành, đáp ứng được yêu cầu.
Từ năm 2000, cùng hệ thống trường, lớp được củng cố và điều chỉnh hợp lý, chương trình phổ cập trung học cơ sở được triển khai. Chất lượng giáo dục toàn diện ngày một nâng lên; đã có nhiều học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề phát triển khá mạnh, hàng năm thu hút từ 65 - 80% học sinh từ lớp 8 đến lớp 12 tham gia. Xã hội hóa giáo dục, dân chủ hóa trong trường học ngày càng được đẩy mạnh. Trong 5 năm, 2001-2005, cùng với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 11,79%, số phòng học Đạ Tẻh được xây dựng kiên cố cấp 4 trở lên đạt tỷ lệ 80,25%. Có 6,5% số trường đạt chuẩn quốc gia; 9/11 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; 5/11 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS... Đến năm 2015, toàn huyện có 39 trường học, tăng 5 trường so năm 2010; trong đó có 2 trường tư thục là Trường Tiểu học Việt Anh và Trường Mầm non Bình Minh. 100% giáo viên đạt chuẩn. Tổng số học sinh toàn huyện 11.136 em; bình quân 4,5 người có 1 người đi học. Mô hình Trung tâm Học tập cộng đồng triển khai ở tất cả các xã, thị trấn... Hàng năm, bình quân huyện Đạ Tẻh đầu tư phát triển giáo dục 38,12% trong tổng chi ngân sách là một cố gắng, quan tâm và quyết tâm của một huyện trong cân đối thu chi ngân sách còn nhiều khó khăn. Nhờ vậy, đến nay, toàn huyện đã có 30,76% trường chuẩn quốc gia, đạt chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VII đề ra.
Từ đà phát triển trên, Đại hội Đảng bộ lần thứ VIII huyện Đạ Tẻh xác định, phấn đấu đến năm 2020 có trên 80% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày; trên 98% trẻ em trong độ tuổi tiểu học được đến trường. Đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường công lập; tiếp tục đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đến năm 2020 đạt trên 50%. Làm việc với lãnh đạo Phòng Giáo dục huyện, tôi được biết, sau mốc 30 năm thành lập huyện, từ năm 2016 đến nay, Đạ Tẻh tiếp tục đạt nhiều kết quả. Năm học 2016-2017, 100% trẻ 5 tuổi huy động ra lớp (817 em); 14/14 đơn vị đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. 100% số trẻ em 6 tuổi đi học lớp 1 (733 em); 98,4% số trẻ độ tuổi 11-14 hoàn thành chương trình tiểu học (2.996 em); 99% số trẻ hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 (699 em). Có 98,6% số học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS (651 em); 86,7% học sinh trong độ tuổi 15-18 có bằng tốt nghiệp THCS (2.665 em)...
Kết thúc năm học 2018-2019 vừa qua, Đạ Tẻh tăng 5 lớp mầm non, 2 lớp THPT, số lớp ở bậc tiểu học và THCS giữ vững. Toàn huyện có 9.055 học sinh từ mầm non đến THCS. Toàn ngành có 900 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Trong đó, đạt chuẩn ở mầm non 69,9%; tiểu học 39,1% và THCS 51,2%. 100% trẻ 5 tuổi đều huy động đi học và trẻ 6 tuổi vào lớp 1. Số trẻ đến trường, lớp mầm non đạt 55,3% (2.723 em), cao hơn năm học trước 0,83%. Tỷ lệ trẻ ăn bán trú và học 2 buổi trên ngày đạt 100%; tỷ lệ trẻ có cân nặng và chiều cao bình thường đạt 96,1%; trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân chiếm 1,8%, giảm 0,4% so với năm học trước... 14/14 trường tiểu học đều thực hiện chương trình tiếng Anh theo lứa tuổi và chương trình dạy Tin học. Tỉ lệ duy trì sĩ số đạt 100%; học sinh hoàn thành chương trình lớp học đạt 99,35%, tăng 0,45% so với năm học trước. 100% học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học; trong đó, hoàn thành mức “Tốt” và mức “Hoàn thành” 2 môn Toán, Tiếng Việt đạt trên 98,5%; xếp loại năng lực và phẩm chất loại “Đạt” và “Tốt” trên 99%. Kết quả học sinh THCS có hạnh kiểm Trung bình trở lên đạt 99,9%; lên lớp thẳng đạt 96,6%, tăng 0,7% so với năm học trước; học lực xếp loại Giỏi 20,2%, Khá 36,4% (tăng 1,3%), Trung bình 41,3% (tăng 2%). Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS (hệ phổ thông) đạt 99,9%... Năm học 2019-2020, cô Phan Thị Thủy, Trưởng Phòng Giáo dục Đạ Tẻh cho tôi biết, công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp đã hoàn thành vào cuối tháng 7 với tỷ lệ 100%. Cuối năm nay, các công trình xây dựng đã được huyện bố trí 20 tỷ đồng sẽ bàn giao sử dụng. Trường chuẩn quốc gia toàn huyện, tính cả THPT, Đạ Tẻh đã được công nhận 68,5%; phấn đấu hết năm học 2019-2020, sẽ thêm 4 đến 5 trường thuộc phòng, khoảng 75-78% (tăng từ 9 đến 12% so với năm học 2018-2019)...
Hơn 20 năm có mặt địa bàn huyện Đạ Tẻh, niềm vui và niềm tin trong tôi vẫn nguyên về một Đạ Tẻh vững bước thành trung tâm kinh tế - xã hội của 3 huyện phía Nam tỉnh Lâm Đồng. Đúng như đánh giá của Đảng bộ huyện: “Từ một vùng đất hoang vu nằm giữa những cánh rừng bạt ngàn, từng là căn cứ cách mạng, đến nay, Đạ Tẻh đã có biết bao thay đổi, có một vị trí nhất định trong dải đất phía Nam Tây Nguyên và còn tiềm ẩn nhiều tiềm năng chưa được khai thác”. Ngày tổng kết năm học và triển khai nhiệm vụ năm học mới, đến tham dự có Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng Trần Đức Lợi, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nguyễn Mạnh Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Tống Giang Nam cùng nhiều lãnh đạo các ban, ngành tham dự với đội ngũ giáo giới và học sinh... Không khí đón năm học càng trở nên phấn chấn đối với đội ngũ làm giáo dục của huyện Đạ Tẻh. Thay mặt lãnh đạo huyện Đạ Tẻh, ông Tống Giang Nam ghi nhận và biểu dương: “Năm học 2018-2019, sự nghiệp giáo dục của huyện Đạ Tẻh đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Các cấp ủy, chính quyền cùng cả hệ thống chính trị đã quan tâm chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Đặc biệt, ngành giáo dục đã có nhiều nỗ lực, cố gắng và quyết tâm khắc phục khó khăn thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình...”. Và ông cũng nhấn mạnh nhiệm vụ của năm học mới 2019-2020 với nhiều vấn đề trọng tâm. Trong đó, “Quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Cùng với việc “dạy chữ” phải đặc biệt quan tâm vấn đề “dạy người” cho các em. Tăng cường phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội để làm tốt công tác giáo dục đạo đức, pháp luật, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. (...) Nâng cao chất lượng công tác quản lý, chất lượng đội ngũ giáo viên, công nhân viên. Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục cần thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương, phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu. Xây dựng đội ngũ giáo viên có chuyên môn giỏi, có tâm với nghề”. Đạ Tẻh đã đi lên từ nhiều khó khăn, gian khổ, đến nay, sự nghiệp giáo dục là một trong 17 tiêu chí đã cán đích “huyện nông thôn mới. Quả là những kỳ tích!
Đà Lạt, tháng 9/2019
Bút ký: MINH ĐẠO