Tiền đề thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới

07:09, 13/09/2019

Chỉ còn một năm học nữa, Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ chính thức được áp dụng. Do vậy, năm học 2019 - 2020 được coi là năm học tiền đề để ngành Giáo dục Lâm Đồng chuẩn bị mọi điều kiện triển khai chương trình này trong năm học tới. 

Chỉ còn một năm học nữa, Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới sẽ chính thức được áp dụng. Do vậy, năm học 2019 - 2020 được coi là năm học tiền đề để ngành Giáo dục Lâm Đồng chuẩn bị mọi điều kiện triển khai chương trình này trong năm học tới. 
 
Cơ sở vật chất các trường học vùng sâu, vùng xa được đầu tư ngày càng khang trang. Ảnh: V.Hùng
Cơ sở vật chất các trường học vùng sâu, vùng xa được đầu tư ngày càng khang trang. Ảnh: V.Hùng
 
Tăng cường cơ sở vật chất
 
Thời gian qua, cơ sở vật chất trường, lớp trên địa bàn tỉnh được cải thiện từng bước, tỷ lệ kiên cố hóa tăng lên theo từng năm học, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của ngành. Trang thiết bị dạy và học được tăng cường, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Kết quả đầu tư cải tạo cơ sở vật chất là nền tảng phát triển giáo dục, tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đây cũng là điều kiện quan trọng để triển khai Chương trình GDPT mới. 
 
Theo Sở Giáo dục và đào tạo (GDĐT) Lâm Đồng, năm học 2019 - 2020, các đơn vị, trường học đã thực hiện sửa chữa cơ sở vật chất trường lớp, nhà vệ sinh và mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học... cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ dạy học. Sở GDĐT tiếp tục tham mưu điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mạng lưới trường, lớp phù hợp với quy mô và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Vốn đầu tư công của ngành năm 2019 với hơn 574 tỷ đồng. Kết quả đưa vào đầu năm học: đã đưa vào sử dụng 247 phòng học, 71 phòng học bộ môn, 2 nhà đa năng, 3 phòng thư viện, 25 văn phòng, 4 bếp ăn, 26 nhà vệ sinh và các công trình hạ tầng như sân, hàng rào, nhà xe, nhà bảo vệ... Kinh phí sự nghiệp ngành đầu tư cho cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất năm 2019 ước 90,5 tỷ đồng. Kết quả thực hiện: sửa chữa hơn 320 phòng học, 32 phòng học bộ môn; sửa chữa cải tạo nhiều sân thể dục thể thao, hàng rào, nhà xe, nhà vệ sinh, văn phòng, nhà đa năng...
 
Kinh phí mua sắm thiết bị dạy học và củng cố duy trì kết quả phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi ước hơn 175 tỷ đồng. Kết quả thực hiện: đưa vào sử dụng trước khai giảng các loại thiết bị gồm thiết bị dạy học tối thiểu, đồ chơi ngoài trời cho giáo dục mầm non; thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông như máy vi tính, máy chiếu, máy photocopy; bàn ghế học sinh, bàn ghế giáo viên, tủ thiết bị dạy học; bàn ghế thiết bị phòng học bộ môn, thiết bị thí nghiệm Lý, Hóa, Sinh; Tủ sách ngoại ngữ... đáp ứng nhu cầu dạy và học cho năm học 2019-2020.
 
Nâng cao chất lượng đội ngũ
 
Đội ngũ nhà giáo (NG) và cán bộ quản lý giáo dục (CBQL) là nhân tố quan trọng để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình GDPT mới. Do đó, ngành Giáo dục chú trọng xây dựng đội ngũ NG và CBQL giáo dục có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết và tận tụy với nghề, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
 
Đội ngũ CBQL, GV toàn ngành đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu dạy và học năm học 2019 - 2020. 
 
Toàn ngành hiện có 22.557 người (trong đó, CBQL 1.696, GV 17.143, NV 3.718). Đội ngũ NG, CBQL giáo dục cơ bản đủ về số lượng, đạt chuẩn và vượt chuẩn cao, được bồi dưỡng thường xuyên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đổi mới của ngành. 
 
Sở GDĐT đã xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng NG, CBQL cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025 theo Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 18/5/2018 của Tỉnh ủy. Ngành thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ các cấp. Công tác bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho đội ngũ GV mầm non, phổ thông luôn được quan tâm, đẩy mạnh. Chỉ tính riêng năm học 2018 - 2019 vừa qua, tổng số toàn ngành đã được đào tạo bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp 7.500 GV mầm non, phổ thông; tổng số CBQL, GV được cử đi đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn (CĐ 208, ĐH 180, Ths 37), lý luận chính trị (từ trung cấp trở lên) 415 người.
 
“Năm học 2019 - 2020, bên cạnh những nhiệm vụ trọng tâm của năm học, ngành Giáo dục Lâm Đồng sẽ triển khai thực hiện Kế hoạch số 3688/KH-UBND của UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình GDPT trên địa bàn tỉnh, trước hết là sách giáo khoa lớp 1 theo hướng dẫn của Bộ GDĐT. Theo đó, ngành sẽ tham gia và tổ chức tập huấn GV, CBQL sử dụng sách giáo khoa lớp 1. Cùng với sắp xếp, quy hoạch mạng lưới trường lớp, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và bồi dưỡng đội ngũ cũng như xây dựng, tổ chức thực hiện nội dung giáo dục địa phương, trong năm học này, ngành sẽ cố gắng hoàn thành các điều kiện chuẩn bị triển khai chương trình lớp 1 theo Chương trình GDPT mới”, bà Phạm Thị Hồng Hải - Giám đốc Sở GDĐT Lâm Đồng cho biết.
 
VIỆT HÙNG