Mười năm qua (2009 - 2019), Lâm Đồng thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong bối cảnh đất nước giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình...
Mười năm qua (2009 - 2019), Lâm Đồng thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong bối cảnh đất nước giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình. Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự điều hành của chính quyền, sự nỗ lực của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, Nhân dân và lực lượng vũ trang đã triển khai nhiệm vụ quốc phòng toàn dân đạt nhiều kết quả quan trọng.
|
Các tập thể, cá nhân được khen thưởng vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân giai đoạn 2009 - 2019. Ảnh: N.Thu |
Tỉnh ủy đã ban hành chỉ thị, chương trình hành động để lãnh đạo các tổ chức cơ sở đảng từ tỉnh đến địa phương thực hiện Nghị quyết số 28 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ, Hướng dẫn số 7210 của Bộ Quốc phòng về tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đều ban hành chỉ thị lãnh đạo thực hiện công tác quốc phòng của địa phương. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành đề án, chỉ thị, kế hoạch để chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ, công tác quốc phòng trên địa bàn tỉnh thực sự vững chắc.
Trong 10 năm qua, UBND tỉnh đã ban hành đầy đủ các hệ thống văn bản được phiên dịch ra hai thứ tiếng Kinh và K’Ho để tuyên truyền về quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, kết hợp với quốc phòng an ninh, biển - đảo Việt Nam.
Xây dựng khu vực phòng thủ cấp tỉnh và cấp huyện có tiềm lực và sức mạnh toàn diện, nhằm ngăn ngừa, làm thất bại mọi âm mưu “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị, môi trường hòa bình để phát triển kinh tế - xã hội.
Địa phương đã quan tâm, đầu tư ngân sách cho nhiệm vụ quân sự quốc phòng của tỉnh trên 1.132 tỷ đồng. Tập trung xây dựng cơ quan quân sự địa phương vững mạnh toàn diện, nhất là năng lực tham mưu cấp ủy, chính quyền trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và chỉ huy lực lượng vũ trang trong sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu. Cơ quan quân sự các cấp phát huy tốt vai trò chủ trì, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân tại địa phương.
Hiện nay, tổ chức, biên chế lực lượng vũ trang địa phương đã luôn được củng cố, kiện toàn, công tác quy hoạch, sắp xếp cán bộ đúng quy trình. Đội ngũ cán bộ trong lực lượng vũ trang có năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Vai trò nòng cốt của LLVT được khẳng định, trình độ sẵn sàng chiến đấu và khả năng phối hợp tác chiến giữa các lực lượng được nâng lên.
Chương trình liên tịch giữa Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh với các tổ chức chính trị - xã hội được thực hiện có hiệu quả, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, giúp nhau xóa đói giảm nghèo gắn với hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, thi đua thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Phát biểu về những bài học kinh nghiệm trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân trên địa bàn tỉnh, Đại tá Nguyễn Bình Sơn - UVBTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh khẳng định: Tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với công tác quân sự, quốc phòng, sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Tiếp tục quán triệt sâu sắc và nắm vững quan điểm, đường lối của Đảng đó là: xây dựng phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, củng cố quốc phòng an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Theo đó, thời gian tới, sẽ tập trung xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, nhất là về chính trị, tư tưởng và tổ chức, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở để mỗi cán bộ, chiến sĩ LLVT sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, chú trọng diễn tập, huấn luyện nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Phát biểu chỉ đạo về những việc cần tập trung để xây dựng nền quốc phòng toàn dân thật sự mạnh toàn diện trên địa bàn toàn tỉnh, Phó Bí thư - Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt cho rằng: Dự báo trong thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; sự phát triển của nền kinh tế tri thức và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Biển Đông còn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định; tranh chấp chủ quyền biên giới, biển đảo giữa các nước trong khu vực tiềm ẩn nguy cơ xung đột... Trong nước, các thế lực thù địch tiếp tục cấu kết thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, lợi dụng các vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo” để can thiệp, chống phá Đảng và Nhà nước,... tác động trực tiếp đến nhiệm vụ quốc phòng và xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Để thực hiện công tác quốc phòng và xây dựng nền quốc phòng toàn dân thời gian tới đạt kết quả thực chất, yêu cầu các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương cần tập trung tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng và xây dựng nền quốc phòng toàn dân, trọng tâm là Nghị quyết số 28 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp...; chủ động, cảnh giác đấu tranh, ngăn ngừa, làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, phòng chống có hiệu quả “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong hệ thống chính trị và Nhân dân; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, thế trận làng xã vững mạnh; xây dựng khối đoàn kết các dân tộc trong tỉnh và hệ thống chính trị vững mạnh. Quan tâm chăm lo xây dựng thực lực, tiềm lực quốc phòng, trọng tâm là xây dựng về chính trị, tinh thần, nhân lực, vật lực, tài chính, với tinh thần toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ. Xây dựng lực lượng vũ trang Nhân dân vững mạnh, có sức chiến đấu cao, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; Đẩy mạnh thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa, chính sách hậu phương quân đội, chính sách đối với người có công, đó không chỉ là thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, cũng như thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước mà còn góp phần vào việc khuyến khích, động viên Nhân dân các dân tộc sẵn sàng đóng góp của cải vật chất, công sức,... để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
NGUYỆT THU