(LĐ online) - Chúng tôi gồm 3 thương binh và tôi tìm đến thương binh tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, ông Trương Xuân Bái. Gần 90 tuổi, ông đạp xe dự họp chuẩn bị kỷ niệm Ngày Người Cao tuổi Việt Nam 01/10...
(LĐ online) - Chúng tôi gồm 3 thương binh và tôi tìm đến thương binh tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, ông Trương Xuân Bái. Gần 90 tuổi, ông đạp xe dự họp chuẩn bị kỷ niệm Ngày Người Cao tuổi Việt Nam 01/10. Vẫn hào sảng, như chiến sĩ Điện Biên năm xưa, người từng gặp Bác Hồ 3 lần, người trực tiếp chôn cất Anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn.
|
Vợ chồng ông Bái và bà Minh tại gia đình |
Ngôi nhà nhỏ cấp 4 nép mình tại thôn Thanh Tiến, xã Thạch Môn, thành phố Hà Tĩnh là nơi vợ chồng ông Trương Xuân Bái - Nguyễn Thị Minh ở. Bà Minh lắc nhắc cái chân đau ra sân và nói với chúng tôi, cũng là một câu hỏi, âm điệu và từ đặc xứ Nghệ: “Ông nhà tui (tôi) đi mô (đâu) rồi hẹ (nhỉ) ?. Mời các anh vô nhà uống nước đạ (đã)”. Chúng tôi nhận lời, 2 thương binh Phan Minh Đường và Phú Văn Canh cùng tôi đi quanh khoảng vườn nhỏ xem mấy cây khế, cây vú sữa,… còn thương binh ¼ Trần Thanh Sơn vốn là bạn nằm điều dưỡng với ông Bái đi vào làng tìm. Khoảng 20 phút, 2 người nói chuyện râm ran ngoài ngõ. Ông Bái đẩy chiếc xe đạp cũ kỹ vào dựng bờ rào nhanh nhẹn rồi niềm nở mời mọi người vào nhà uống trà. Trừ anh Sơn, 3 chúng tôi đều ngỡ ngàng trước con người nhỏ bé, gần tuổi 90 lại hoạt bát đến thế. Anh Sơn đưa ông Bái tập tài liệu phô tô để đọc và làm cầu nối giữa chúng tôi. Như người quen trở về, không khí 2 gian nhà thông nhau, được bài trí theo kiểu nhà nông thôn Bắc bộ xưa: vừa là nơi thờ tổ tiên, nơi tiếp khách và nơi ngủ của chủ nhân. Mắt tinh, tai thính, trí nhớ rất tốt, ông Bái kể rất nhiều chuyện về một thời gần 40 năm quân ngũ, từ chiến trường ở Việt Nam, đến chiến trường Lào, Thái Lan.
***
Năm 1951, tròn 20 tuổi, thanh niên Trương Xuân Bái rời quê Hà Tĩnh vào quân đội, biên chế Trung đoàn 44. Sau huấn luyện, rời Yên Thành, tỉnh Nghệ An đến huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa ông gia nhập đơn vị chủ lực thiện chiến: Đại đội 674, Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316. Đại đội có hàng trăm trận đánh, vang dội chiến công... Ngày 11/12/1953, chiến sĩ Trương Xuân Bái tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ với trận đánh đầu tiên tại thị xã Lai Châu. Chỉ 1 ngày, quân địch bị truy kích đến bản Mường Pồn, tỉnh Lai Châu. Sau đó, ông cùng đồng đội tổ chức gần 40 trận đánh lớn nhỏ khác. Nhưng ác liệt nhất là trận đánh phá hủy trọng điểm đồi A1, giằng co trong nhiều ngày và 2 bên đều tổn thất rất lớn. Mãi khi ông và đồng đội đào hầm xuyên núi để vận chuyển 960 kg bộc phá vào mới phá hủy được các ổ kháng cự của địch. 6h30 ngày 06/5/1954, giặc Pháp thất thủ phải đầu hàng hoàn toàn…Đơn vị ông còn đánh cứ điểm sân bay Him Lam và nhiều vị trí khác, góp phần quan trọng vào thắng lợi “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
|
Rất nhiều huân, huy chương trao tặng ông Trương Xuân Bái |
Hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chiến sĩ Trương Xuân Bái tiếp tục tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ông được điều động sang Thái Lan, làm quân báo, cải trang nắm tình hình sân bay Cò-rạt, căn cứ chi viện của Mỹ. Không chỉ âm thầm hoạt động trong 10 năm tại chiến trường Thái Lan, Trương Xuân Bái còn tham gia chiến dịch Thượng Lào 2 năm tại nước Lào. Gần 40 năm quân ngũ, nhiều đồng đội đã hi sinh anh dũng, trung đoàn trưởng Trương Xuân Bái may mắn thoát chết sau 7 lần bị thương.
***
Một trong những đồng đội hi sinh mà ông Bái nhớ mãi là trường hợp Bế Văn Đàn, người dân tộc Tày. Hai ông cùng Đại đội 674, Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316; và cùng tiểu đội, Bế Văn Đàn tiểu đội trưởng, ông Bái tiểu đội phó. Đại đội được lệnh tiêu diệt ổ đề kháng khoảng 300 quân địch tại Mường Pồn. Cuộc chiến khốc liệt, thế cùng nên quân Pháp càng dốc lực chống cự hung bạo. Chiều ngày 12/12/1953, địch phản kích lần thứ ba để mở đường tiến, Đại đội 674 ông Bái thương vong nhiều, chỉ còn 17 người, Bế Văn Đàn cũng bị thương. Tình thế mỗi lúc hiểm nghèo. Khẩu trung liên của chiến sĩ Chu Văn Pù chưa bắn trả quân địch được vì không có chỗ đặt súng. Tiểu đội phó Bái định lại hỗ trợ nhưng Bế Văn Đàn ngăn và nói nhanh: “Anh là đảng viên, là tiểu đội trưởng, để anh. Có gì em thay thế”. Và không ngần ngại, Bế Văn Đàn nhanh chóng chạy đến cầm 2 chân khẩu trung liên đặt lên vai mình và hô đồng đội bắn. Chiến sĩ Pù do dự, tiểu đội trưởng Đàn nói: "Kẻ thù trước mặt, đồng chí có thương tôi thì bắn chết chúng nó đi !". Lấy thân mình làm giá súng, Bế Văn Đàn tiếp tục bị hai vết thương nữa nên đã hi sinh, hai tay vẫn ghì chặt súng trên vai. Ông Bái trầm dọng, ngậm ngùi với chúng tôi: “Đau và thương lắm. Chứng kiến anh Đàn hi sinh chúng tôi ai cũng dàn dụa nước mắt. Cảm phục tinh thần dũng cảm của anh và phút chốc thôi thúc chúng tôi quyết tâm phải tiêu diệt cho được quân thù”. Rồi ông cũng không dấu sự tiếc nuối với chúng tôi về tình cảm thân thiết giữa ông và Bế Văn Đàn. Trước đó, Bế Văn Đàn nói với ông, sau chiến thắng, sẽ vào thăm quê Bác Hồ và về nhà ông Bái chơi. Sau đó sẽ đưa ông Bái lên chơi quê Cao Bằng của mình. Lời hứa thiêng liêng giữa hai con người đó mãi mãi không thực hiện được…
Trận đánh kết thúc, ông Bái cùng 2 đồng đội tự tay chôn cất Bế Văn Đàn. Trước khi đặt đồng đội nằm lại vĩnh viễn dưới lòng đất Tổ quốc nơi Cồn Gò, Mường Pồn, họ còn viết tên, quê quán, đơn vị vào tờ giấy và bỏ vào lọ thuốc peniclin chôn cùng thi thể để tránh thất lạc. Đầu 1958, Đại đoàn 316 tiến hành rà mìn và quy tập mộ liệt sĩ. Một lần nữa, ông Bái và đồng đội đưa Anh hùng Bế Văn Đàn về nằm tại Nghĩa trang Đồi A1.
***
Vào sinh ra tử, nhiều kỉ niệm vui buồn khó quên đối với người lính Trương Xuân Bái. Đặc biệt là 3 lần ông hạnh phúc được gặp Bác Hồ. Lần thứ nhất là ngày 18/12/1957, Bác Hồ đi cảm ơn các nước Xã hội chủ nghĩa về, ông Bái là 1 trong 120 người được cử bảo vệ Bác từ sân bay Gia Lâm về Phủ Chủ tịch. Ông kể: “Lần đầu tiên tôi được gặp Bác ngoài đời, hạnh phúc và tự hào lắm...”. Bác bắt tay và dặn dò các chiến sĩ tiếp tục rèn luyện phấn đấu. Lần thứ 2 ngày 07/1/1958, dịp Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên thăm khu tự trị Tây Bắc tại Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Chiến sĩ Trương Xuân Bái và đồng đội tiếp tục làm nhiệm vụ bảo vệ sự an toàn cho Bác trên đường đi. Cuối buổi, ông và các chiến sỹ được Bác Hồ trực tiếp thăm hỏi, động viên, ghi nhận và khen ngợi. Lời cảm ơn vị Chủ tịch nước giản dị và gần gũi càng khích lệ và phấn chấn đối với cán bộ, chiến sĩ. Còn lần thứ 3, ông Bái càng ấn tượng và sâu sắc. Đó là lúc ông được chọn dự Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc tại Phú Thọ. Sau buổi nói chuyện, ông Trương Xuân Bái cùng hai đồng chí nữa vinh dự được Bác Hồ gặp riêng và tặng mỗi người một chiếc áo sơ mi bằng lụa tơ tằm. Rót nước trà mời chúng tôi uống, ông Bái vào buồng mang ra kỷ vật vô giá ấy. Chiếc áo đặt trang trọng trong khung kính, rất mới, mặc dù ngày tặng từ 15/3/1958. Ông Bái kể nhiều chuyện về dịp được diện kiến vị lãnh tụ của đất nước. Ông nói: “Bác dặn chúng tôi nhiều lắm. Bác nói các cụ già như Bác thường mặc kiểu áo bà ba nhưng các cháu là thanh niên nên thích mặc áo sơ mi. Bác mong các cháu phấn đấu để đạt nhiều thành tích cao hơn nữa”. Chiếc áo trở thành kỷ vật thiêng liêng, ông Bái chưa một lần dám mặc. Kỷ vật chỉ treo tường, là lời nhắc nhở với ông giữ mãi phẩm chất sáng trong của anh bộ đội Cụ Hồ…
***
Gần 40 năm quân ngũ, thương binh Trương Xuân Bái được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân huy chương cao quý: 2 Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng và chống Mỹ hạng Nhất; 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; 3 huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất, Nhì, ba; 2 huân chương Chiến công hạng Nhì, Ba; 10 năm liền đạt chiến sĩ thi đua; 10 bằng khen và 11 giấy khen...Chúng tôi còn thấy cả Giấy chứng nhận của Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh ghi nhận ông vì “Đã có công lưu giữ và trao tặng cho Bảo tàng một số hiện vật, tài liệu”. Đó là tấm áo bông chiến sĩ mà ông mặc khi cõng Bế Văn Đàn hi sinh và 11 kỉ vật kháng chiến khác.
|
Tấm áo Bác Hồ tặng trang trọng đặt trong khung kính |
Xuất ngũ, về địa phương, ông Bái tiếp tục gánh vác nhiều trọng trách: Đội trưởng Hợp tác xã Dệt thảm xuất khẩu, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn...Mặc dù nhà chỉ có 2 ông bà vì 2 người con trai đều công tác tận tỉnh Đồng Nai, nhưng đảng viên, cựu chiến binh Trương Xuân Bái vẫn là tấm gương mẫu mực của mọi phong trào ở địa phương. Ông đã được 2 lần trở lại chiến trường Điện Biên năm xưa, dịp kỉ niệm 60 năm và 65 năm chiến thắng Điện Biên. Lần nào ông cũng nghiêm cẩn thắp hương cho người tiểu đội trưởng, Anh hùng Bế Văn Đàn. Rất nhiều cảm xúc dâng trào nơi ông. Đó là sự đổi thay của một vùng đất vốn đậm nhiều dấu ấn của chiến tranh oai hùng…Ông kể với con cháu những sự kiện hào hùng và khốc liệt một thời. Nghe ông tâm sự, lớp lớp hậu thế đều thầm tri ân ông và đồng đội; thêm một lần tự ý thức về trách nhiệm đối với quê hương đất nước Việt Nam dấu yêu...Còn chúng tôi, rời mái nhà của ông bà, cả 3 thương binh đều cảm phục một đồng đội của mình suốt chặng đường đi!
Hà Tĩnh, tháng 9/2019
Ghi chép: MINH ĐẠO