Giải phóng Thủ đô: Ước vọng và khát vọng hòa bình

06:10, 09/10/2019

65 năm về trước, ngày 10/10/1954, hàng vạn người dân Hà Nội vỡ òa trong niềm vui đón đoàn quân chiến thắng trở về, giải phóng Thủ đô...

65 năm về trước, ngày 10/10/1954, hàng vạn người dân Hà Nội vỡ òa trong niềm vui đón đoàn quân chiến thắng trở về, giải phóng Thủ đô. Năm 1947, giữa núi rừng Việt Bắc, nhà thơ Chính Hữu đã viết bài thơ “Ngày về” hồi tưởng lại không khí rực lửa ra đi của những chàng trai năm ấy và mơ một ngày trở về Hà Nội. Ước vọng ấy của nhà thơ chiến sỹ Chính Hữu cũng là ước vọng của tất cả mọi người Việt Nam yêu nước về một đất nước độc lập và hòa bình.
 
Toàn cảnh khu vực Cột cờ Hà Nội. Ảnh tư liệu
Toàn cảnh khu vực Cột cờ Hà Nội. Ảnh tư liệu
 
1. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng tuyên bố trước quốc dân và toàn thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hơn 80 năm đô hộ Việt Nam, thế nhưng khi bị quân đội phát xít Nhật đảo chính, người Pháp không những không “bảo hộ” được người dân Việt Nam mà còn cấu kết với quân đội phát xít Nhật để bóc lột dân Việt Nam. Kể từ ngày 9/3/1945, phát xít Nhật đảo chính người Pháp ở Đông Dương, vì vậy, chúng ta lấy lại đất nước ta từ tay phát xít Nhật chứ không phải thực dân Pháp. Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khẳng định điều chân lý hiển nhiên ấy: “Ngày 9 tháng 3 năm nay, Nhật tước khí giới của quân đội Pháp. Bọn thực dân Pháp hoặc là bỏ chạy, hoặc là đầu hàng. Thế là chẳng những chúng không “bảo hộ” được ta, trái lại, trong 5 năm, chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật. Trước ngày 9 tháng 3, biết bao lần Việt Minh đã kêu gọi người Pháp liên minh để chống Nhật. Bọn thực dân Pháp đã không đáp ứng, lại thẳng tay khủng bố Việt Minh hơn nữa. Thậm chí đến khi thua chạy, chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng. Tuy vậy, đối với người Pháp, đồng bào ta vẫn giữ một thái độ khoan hồng và nhân đạo. Sau cuộc biến động ngày 9 tháng 3, Việt Minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thùy, lại cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật và bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ. Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh thì Nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sự thật là dân ta lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp.
 
Sau ngày tuyên bố độc lập, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tổ chức Tổng tuyển cử toàn quốc vào ngày 6/1/1946 để bầu ra Nghị viện Nhân dân (Quốc hội) bao gồm đại biểu khắp Bắc Trung Nam. Thế nhưng, người Pháp vẫn chưa từ bỏ dã tâm quay trở lại xâm lược Việt Nam một lần nữa. Ngày 23/9/1945, tiếng súng kháng chiến ở Nam Bộ vang lên. Để cứu vãn nền hòa bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã liên tiếp ký với người Pháp Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 và Tạm ước ngày 14/9/1946. Thế nhưng tất cả những nhân nhượng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã không được đáp lại. Người Pháp đã gây hấn, bắt bớ, tước vũ khí của các lực lượng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tại Hội nghị Đà Lạt từ ngày 19/4 đến ngày 11/5/1946, khi phó đoàn của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Võ Nguyên Giáp đóng sập cánh cửa giận giữ bước ra khỏi phòng họp đã báo hiệu mây đen bao phủ trên bầu trời quan hệ Pháp - Việt. Hành động đóng sầm cánh cửa của Võ Nguyên Giáp cũng là tuyên bố dứt khoát từ phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, rằng hai bên sẽ phải dùng tới súng đạn để nói chuyện với nhau. Khi Hồ Chủ tịch đang trên đường sang Pháp theo lời mời của Chính phủ Pháp thì chính những người Pháp thực dân ở Việt Nam đã “đẻ” ra cái gọi là Nam Kỳ Quốc. Âm mưu chia rẽ người Việt, chia rẽ nước Việt Nam đã hoàn toàn bộc lộ không giấu giếm. 
 
Đêm 19/12/1946, Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cả dân tộc Việt Nam bước vào một cuộc chiến đấu mới với quyết tâm sắt đá không gì lay chuyển nổi: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
 
Đại quân tiến vào tiếp quản Thủ đô. Ảnh tư liệu
Đại quân tiến vào tiếp quản Thủ đô. Ảnh tư liệu
 
2. Có đoàn người lên đóng trên rừng sâu/ Đêm nay mơ thấy trở về Hà Nội/ Bao giờ trở lại?/ Phố phường xưa gạch ngói ngang đường/ Ôi hôm nay họ nhớ mái nhà hoang/ Bức tường điêu tàn ngày xưa trấn ngự/ Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa/ Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng/ Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng/ Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm/ Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm/ Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa/ Mái đầu xanh thề mãi đến khi già/ Phơi nắng gió. Và hoa ngàn cỏ dại/ Nghe tiếng gọi của những người Hà Nội/ Trở về, trở về, chiếm lại quê hương/ Nguy nga sao cái buổi lên đường/ Súng chuốt gươm lan, mắt ngời sáng quắc/ A ha! nhà xiêu mái sập/ Xác oan cừu ngập lối chân đi/ Gạch ngói xưa mừng đón gót lưu ly/ Bước căm giận xéo quân thù lớp lớp/ Mịt mù khói ngợp
 
Cờ máu huy hoàng/ Phất nắng/ Ôi bài chiến thắng reo vang (Ngày về - Chính Hữu).
 
Dự cảm và ước mong ấy của thi sỹ, chiến sỹ Chính Hữu đã trở thành sự thực. Những người lính Việt Nam của Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp từ rất nhiều vùng quê khác nhau trên cả nước đã đi theo tiếng gọi của non sông; đã chiến đấu, hy sinh để rồi làm nên một Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Ngày 1/8/1954, Hiệp định Genèva kết thúc chiến tranh chính thức có hiệu lực. Quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chiến thắng, tiến vào Hà Nội, còn người Pháp thất trận, thì chuẩn bị rút quân. 
 
3. Ngày 6/10/1954, quân Pháp rút khỏi quận Văn Điển. Đây là quận đầu tiên ở ngoại thành được Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp quản. Cùng ngày, quân Pháp rút khỏi thị xã Hà Đông và ở phía Bắc, Pháp rút về Dốc Lã, cách Yên Viên 3 km. Ngày mồng 7 tháng 10, nhiều đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia tiếp quản Thủ đô, theo nhiều đường tiến về Hà Nội... 16 giờ ngày 9/10/1954, những người lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên; quân dân Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hoàn toàn kiểm soát thành phố. Sáng 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội nhân dân gồm có bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới... chia làm nhiều cánh lớn mở cuộc hành quân tiến vào Hà Nội. 15 giờ ngày 10/10/1954, hàng vạn nhân dân Thủ đô Hà Nội dự lễ chào cờ long trọng do Ủy ban Quân chính thành phố tổ chức. Sau 9 năm, lá cờ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức được kéo lên tại Cột cờ Hà Nội. Còi Nhà hát Thành phố nổi lên, hàng chục vạn quân dân Hà Nội đã trang nghiêm dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại Sân vận động Cột Cờ. Tại buổi lễ trang trọng này, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng: “Tám năm qua, Chính phủ phải rời xa Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay, do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về với Thủ đô, với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết”.
 
Đánh giá về tầm vóc và sự kiện lịch sử vĩ đại này, một tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương đã khẳng định: “Kể từ “Chiếu dời đô” của Vua Lý Thái Tổ năm 1010 đến nay, Thăng Long - Hà Nội đã trải qua và chứng kiến nhiều thăng trầm lịch sử. Quân, dân Hà Nội, thế hệ sau tiếp bước thế hệ trước kiên cường tranh đấu, bền bỉ lao động, sáng tạo nền văn hiến rực rỡ, lập nhiều chiến công hiển hách lưu danh muôn đời. Trong tiến trình lịch sử phát triển Thủ đô Hà Nội, ngày 10/10/1954 là một mốc son lịch sử, đánh dấu thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp ở Việt Nam, mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô và đất nước”.
 
VŨ TRUNG KIÊN