Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về công tác Dân vận

09:10, 13/10/2019

(LĐ online) - Cách đây 70 năm, ngày 15/10/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài "Dân vận" đăng trên báo Sự Thật với bút danh X.Y.Z. Mở đầu bài báo, Bác viết: "Vấn đề Dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng, cho nên cần phải nhắc lại". Bài báo chỉ vỏn vẹn 600 chữ nhưng chứa đựng trong đó cả một vấn đề rất lớn và lâu dài của công tác dân vận. 

(LĐ online) - Cách đây 70 năm, ngày 15/10/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Dân vận” đăng trên báo Sự Thật với bút danh X.Y.Z. Mở đầu bài báo, Bác viết: “Vấn đề Dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng, cho nên cần phải nhắc lại”. Bài báo chỉ vỏn vẹn 600 chữ nhưng chứa đựng trong đó cả một vấn đề rất lớn và lâu dài của công tác dân vận. 
 
Công tác Dân vận góp phần quan trọng trong việc xây dựng hệ thống giao thông nông thôn đồng bộ, chất lượng cao.
Công tác Dân vận góp phần quan trọng trong việc xây dựng hệ thống giao thông nông thôn đồng bộ, chất lượng cao.
 
Bài học dân vận trong tác phẩm Dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh
 
Bài viết được chia 4 mục lớn.
 
Mục thứ nhất chỉ có 80 chữ, Bác khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Ðoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. 
 
Mục thứ hai Bác đặt câu hỏi dân vận là gì? Và Bác giải thích gói gọn trong 160 chữ: Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Ðoàn thể đã giao cho. Dân vận không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít-tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ. Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được. Ðiểm thứ hai là bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành. Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân. Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng.
 
Mục thứ ba, Bác chỉ ai phụ trách dân vận: Đó là Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân đều phải phụ trách dân vận. 
 
- Cán bộ chính quyền và cán bộ đoàn thể địa phương phải cùng nhau bàn tính kỹ càng, cùng nhau chia công rõ rệt, rồi cùng nhau đi giải thích cho dân hiểu, cổ động dân, giúp dân đặt kế hoạch, tổ chức nhân công, sắp xếp việc làm, khuyến khích, đôn đốc, theo dõi, giúp đỡ dân giải quyết những điều khó khăn...
 
- Cán bộ canh nông thì hợp tác mật thiết với cán bộ địa phương, đi sát với dân, thiết thực bày vẽ cho dân cách trồng trọt, chăn nuôi, cách chọn giống, ủ phân, làm cỏ, v.v...
 
Những hội viên các đoàn thể thì phải xung phong thi đua làm, để làm kiểu mẫu cho dân, giúp dân làm.
 
Và mục cuối cùng 134 chữ, Bác chỉ ra dân vận phải như thế nào. Đó là:  Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc.
 
Khuyết điểm to ở nhiều nơi là xem khinh việc dân vận. Cử ra một ban hoặc vài người, mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ. Vận được thì tốt, vận không được cũng mặc. Những cán bộ khác không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm dân vận. Ðó là sai lầm rất to, rất có hại.
 
Dân vận khéo việc gì cũng thành công
 
Tư tưởng Hồ Chí Minh về Dân vận là quá rõ, rõ đến mức tỉ mỉ, chi tiết, được xem như cẩm nang của tất cả cán bộ, đảng viên. Tư tưởng đó đã vượt qua thời gian, không gian và chắc rằng không có điểm dừng.
 
Thời chiến tranh, công tác dân vận đã thôi thúc Nhân dân triệu người như một, bừng bừng khí thế, thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người, hàng triệu người nô nức gánh gồng, khuân vác, vận chuyển lương thực và vũ khí, đạn dược ra tiền tuyến. Qua công tác dân vận, Nhân dân đã không tiếc máu xương, không màn nhà cửa, sẵn sàng tháo nhà, lấy ván lót đường cho những chuyến xe tiến vào Nam giải phóng thống nhất đất nước. Trong các khu căn cứ, cán bộ, chiến sĩ đều mở lòng làm công tác dân vận với phương châm ba cùng, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với Nhân dân, đồng  bào. Ngày đó, cán bộ, dân, quân tuy ba mà một. Cán bộ, chiến sĩ yêu quý dân vì không có dân thì không có mình, không có chiến khu, không có cách mạng. Dân cũng yêu quý cán bộ, chiến sĩ; vì cán bộ, chiến sĩ đối với dân như ruột thịt. Dân sẵn sàng chết để bảo vệ căn cứ, bảo vệ cách mạng. Cán bộ, chiến sĩ cũng sẵn sàng hy sinh để bảo vệ dân… Ngày đó, dân vận: Đi dân nhớ, ở dân thương”… 
 
Nói đến dân vận tức là nói đến những câu chuyện với nhiều cung bậc cảm xúc trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, góp phần vô cùng quan trọng trong việc thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Có lẽ, sẽ không quá lời khi nói rằng: Dân vận không khéo thì khó có Đảng; dân vận không khéo thì khó có cách mạng Tháng Tám; dân vận không khéo thì khó có Điện Biên phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu và dân vận không khéo thì khó có ngày thống nhất đất nước, khó có ngày hôm nay. Bởi vậy, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
 
Dân vận dân 
 
Cái tuyệt vời của Hồ Chí Minh khi dùng từ “dân vận” không chỉ ở chỗ chúng ta vận động Nhân dân mà cái chính còn là Nhân dân vận động Nhân dân. Ta “vận dân” thì có thời hạn, dân vận dân thì liên tục, bền chặt lâu dài. Ta vận dân là bước khởi đầu của một tiến trình, còn dân vận dân là bước tạo ra sự lan tỏa rộng dài. Điều này thể hiện rất rõ trong thực tiễn ở Lâm Đồng, đơn cử như chuyện ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Một người làm, vận động một nhóm người cùng làm; một nhóm người cùng làm sẽ lan tỏa ra nhiều người, rất nhiều người cùng làm và hiệu quả của nó chính là xóa đói, giảm nghèo; đời sống nhân dân không ngừng nâng cao; người có mức sống khá giàu tăng lên; người có mức sống trung bình ngày càng giảm. Sự bức phá ở Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Lạc Dương, những vùng đất một thời nghèo nhất tỉnh là một minh chứng khá rõ ràng cho bài học “ta vận dân rồi dân vận dân”.
 
Hay như chuyện xây dựng nông thôn mới, nếu công tác dân vận, nhất là Nhân dân vận động Nhân dân không được thực hiện hàng ngày, hàng giờ thì làm sao người dân tự nguyện hiến đất làm đường để bây giờ có đến 90% đường nông thôn, kể cả đượng nội đồng đã được nhựa hóa, bê tông hóa và cứng hóa; làm sao có được những con đường hoa nở 4 mùa… Nếu không có công tác dân vận với dân vận dân thì làm sao người dân có bước chuyển về nhận thức, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao, làm thay đổi đời sống, thay đổi diện mạo nông thôn. 
 
Chúng ta vận động Nhân dân và Nhân dân vận động Nhân dân tuy hai chủ thể nhưng nó gắn bó thành một chỉnh thể không được tách rời. Nếu thiếu coi trọng “vận dân” thì sẽ tạo ra khoảng trống để các thế lực khác nhảy vào vận dân, làm cho Nhân dân dễ bị chệch hướng, thậm chí là rối loạn. Chuyện tụ tập đông người, biểu tình, bạo loạn là vị dụ nhãn tiền. 
 
Không tách rời giữa nói và làm
 
Nhìn lại 89 năm ngày truyền thống ngành Dân vận(10/10/1930 - 10/10/2019) và 70 năm thực hiện công tác Dân vận theo lời Bác dạy, chúng ta đã rất thành công trên hầu hết các lĩnh vực. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm và nâng tầm công tác dân vận bằng nhiều Nghị quyết. 
 
Nhưng không phủ nhận dân vận thời 4.0 khó hơn rất nhiều so với thời trước, vì thực tiễn giữa lời nói và hành động có khi trái ngược. Điều này, Đảng ta đã tự phê bình: “Nói không đi đôi với làm; nói nhiều làm ít; nói mà không làm; hứa để rồi quên”. Dân vận thời nào cũng trọng hành hơn nói. Nhà thơ Chế Lan Viên trong bài “Nghĩ về Đảng” đã khắc họa rất rõ điều này: “Mưa tám trăm ly, Bác phải lội bùn/ Hạn cháy lúa, Thủ tướng cùng dân đi tát nước”. Rõ ràng, gắn kết giữa nói và làm là yêu cầu bất biến trong công tác dân vận.
 
Ngày nay, cùng với những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập ngày càng sâu rộng trong khu vực và thế giới, vị thế Việt Nam ngày càng khẳng định trên trường quốc tế; trình độ dân trí ngày càng nâng cao, mạng lưới thông tin phủ sóng toàn cầu. Vì thế, đòi hỏi nhận thức và hành động của người lãnh đạo, của mỗi một cán bộ công chức, người làm công tác dân vận phải khoa học và chuẩn mực. Sự chuẩn mực đó trước hết là phải “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Quyết liệt chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng đã và đang làm là nhiệm vụ, giải pháp “tháo điểm nghẽn” trong công tác dân vận. 
 
Phải làm sao cho người dân nghe được nhiều điều hay, thấy được nhiều điều tốt, thậm chí là sờ được nhiều thứ đẹp đẽ. Vấn đề này không thể chỉ “giao khoán” cho ban Dân vận mà phải có sự “thật thà” vào cuộc của toàn hệ thống chính trị như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy. Đó là yếu tố bắt nhịp, là niềm tin để toàn dân làm dân vận; đó cũng chính là tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong công tác Dân vận không chỉ cho hôm qua, hôm nay mà còn mãi giá trị về sau.
 
VĂN TÒA