Làm mẹ của trẻ sơ sinh bị bỏ rơi

06:10, 16/10/2019

Khi bước vào Phòng chăm sóc sơ sinh của Trung tâm Bảo trợ xã hội Lâm Đồng, tôi không khỏi ngạc nhiên, buột miệng hỏi chị Như, một cán bộ văn phòng đưa tôi đến đây: "Rồi mình làm sao mà chăm sóc được những đứa trẻ vừa lọt lòng mẹ đã bị bỏ rơi?"...

Khi bước vào Phòng chăm sóc sơ sinh của Trung tâm Bảo trợ xã hội Lâm Đồng, tôi không khỏi ngạc nhiên, buột miệng hỏi chị Như, một cán bộ văn phòng đưa tôi đến đây: “Rồi mình làm sao mà chăm sóc được những đứa trẻ vừa lọt lòng mẹ đã bị bỏ rơi?”. Chị Như trả lời ngay: “Thì cứ coi như mình làm mẹ, là mẹ thì sẽ chăm nuôi được hết các con!”. Qua tìm hiểu, tôi càng cảm động và khâm phục hơn vì nơi đây có một người mẹ trẻ, chưa lập gia đình nhưng đã làm được thiên chức ấy.  
 
Một bảo mẫu ở Phòng chăm sóc sơ sinh - Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh đang chăm sóc các bé bị bỏ rơi từ khi lọt lòng mẹ.
Một bảo mẫu ở Phòng chăm sóc sơ sinh - Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh đang chăm sóc các bé bị bỏ rơi từ khi lọt lòng mẹ.
 
Bước vào Phòng Chăm sóc sơ sinh của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, tôi không tin được vì sự xuống cấp của nó và chật hẹp vô cùng với khoảng 10 m 2, như một căn phòng trọ của người lao động nghèo, cũ kỹ, mặc dù được lau dọn sạch sẽ, để dép bên ngoài nhưng vẫn ám mùi các chất bài tiết của trẻ. Một chiếc giường, một chiếc nôi và vật dụng chứa quần áo, những nét vẽ của trẻ nguệch ngoạc trên bức tường hoen ố. 
 
Ngược lại với không gian ảm đạm, bí bách như bị lãng quên này, nơi đây, ngày đêm không thể thiếu bàn tay của các bảo mẫu chăm sóc, nuôi dưỡng sự sống của những đứa trẻ ngay từ khi lọt lòng mẹ đã bị bỏ rơi. Hiện tại Phòng này đang chăm sóc nuôi dưỡng 6 cháu, trong đó có 3 cháu khỏe mạnh, 2 cháu bị bệnh tự kỷ và 1 cháu mắc bệnh hiểm nghèo bẩm sinh. 
 
Có 3 cô bảo mẫu chăm sóc trẻ nhỏ, sơ sinh và 1 bảo mẫu làm nhiệm vụ quản lý cả trẻ lớn và nhỏ với khoảng 50 trẻ. Trẻ lớn có phòng riêng, trẻ nhỏ cũng có phòng riêng và Phòng chăm sóc sơ sinh trong tình trạng không thể nói là khang trang sạch đẹp dù được quan tâm chăm sóc bằng những tấm lòng nhân ái. 
 
Chị Lê Thị Yến, nhân viên bảo mẫu chăm sóc trẻ em, cho biết: “Trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ngay bệnh viện được đưa về đây chăm sóc. Công việc chăm sóc trẻ sơ sinh rất vất vả, nhưng chúng tôi cố gắng và thay ca nhau để lúc nào cũng có bảo mẫu bên cạnh các cháu, trông chừng 24/24 h. Giai đoạn cực khổ nhất là chăm từ lúc trẻ lọt lòng mẹ, cho đến nay ở đây có 1 cháu 3 tuổi đang học mầm non, 1 cháu 2 tuổi, 1 cháu hơn 1 tuổi và 1 cháu nhỏ nhất chưa được 2 tháng”.
 
Điều đáng nói ở đây, việc khó nhọc nhất là chăm sóc trẻ nhỏ bị bệnh ung thư. Bảo mẫu thường xuyên túc trực bên đứa trẻ này là cô Nguyễn Thị Xuân Trâm, 26 tuổi, chưa lập gia đình, cô học điều dưỡng ra trường và xin vào làm việc ở Phòng chăm sóc trẻ sơ sinh được 2 năm. Ấn tượng của tôi khi tiếp xúc ban đầu với Trâm là một cô gái hiền lành, nhỏ nhắn, dễ gần, cô chia sẻ: “Bình thường những bé không bệnh tật chăm dễ hơn, còn ở đây có 1 bé bị ung thư não bẩm sinh nên chăm sóc vất vả lắm. Do bé bị bệnh chắc đau lắm, cứ khóc nhè suốt và chị em bảo mẫu phải thường trực chăm cả ngày lẫn đêm. Cũng do bệnh nên bé khóc cả đêm, mình phải thức cùng với bé”. 
 
Điều dưỡng - bảo mẫu Trâm đang chăm sóc bé khuyết tật đặc biệt nặng do bị ung thư não.
Điều dưỡng - bảo mẫu Trâm đang chăm sóc bé khuyết tật đặc biệt nặng do bị ung thư não.
 
Nghe câu chuyện từ các bảo mẫu, tôi được biết một người mẹ trẻ nhận làm con nuôi từ khi bé gái này được 6 tháng tuổi thì phát hiện cháu bé bị ung thư não. Từ khi biết bệnh, người mẹ nuôi cũng hết mực thương con và cố gắng chạy chữa thuốc men từ các bệnh viện chuyên khoa ở TP HCM nhưng rồi khả năng bất lực, bế tắc và khi bé được 10 tháng tuổi thì mẹ nuôi đã gởi bé vào đây. Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh tiếp nhận và các bảo mẫu đã thường trực chăm sóc bé đến thời điểm này cháu được 1 tuổi, có lúc cháu bị bệnh nặng tưởng không qua khỏi. 
 
Qua hai năm làm việc tại Phòng chăm sóc sơ sinh, bảo mẫu - điều dưỡng Trâm cho biết: “Tôi rất mừng vì theo dõi sự lớn lên của trẻ ở đây. Có 1 bé đi học đã lên 3 tuổi, được Trung tâm cho đi học mầm non bên ngoài (đưa đi đón về), là cháu bé được chăm sóc nuôi dưỡng từ lúc vừa chào đời bị bỏ rơi ở bệnh viện. Có thêm 2 bảo mẫu thay phiên nhau chăm sóc trẻ theo ca, cứ sáng vào ca kéo dài 24 giờ là ra trực. Lúc mới đầu không quen việc, thức đêm rất vất vả, rồi làm hoài mình cũng thương bé nên cũng quen, cực nhất là chăm bé bệnh. Bé khóc cả đêm, mình cũng thức cả đêm”. 
 
Khi tôi thắc mắc vì sao Trâm chọn nghề này, trong khi em còn trẻ có cả một thế giới thảnh thơi ngoài kia để lựa chọn một cách sống thụ hưởng tuổi thanh xuân mà không phải cực nhọc như thế này?. “Vì sao chọn nghề này?” - Trâm nhắc lại câu hỏi và trả lời ngay không cần suy nghĩ lâu - “Một phần là công việc, một phần là do học nghề điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân thì em chăm sóc trẻ, có cả trẻ bệnh. Nhiều lúc em cũng mệt mỏi nhưng không nản vì nhìn các bé thấy thương, tội nghiệp lắm. Ở đây, tất cả dụng cụ chăm sóc bé, sữa đều có đầy đủ, lâu lâu thì đưa các bé đi bệnh viện khám xem sức khỏe có bất thường không. Bé bị bệnh ung thư não bẩm sinh nên chỉ nằm ngửa, không cử động gì được”.
 
Bà Dương Thị An - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, cho biết, đối với bé mắc bệnh ung thư não, có lúc tưởng bé “đi rồi” vì bệnh nặng. Vì tinh thần nhân đạo, các bảo mẫu thay nhau chăm sóc trẻ, nhất là trẻ bệnh, ban ngày bé ngủ còn đêm đến bé thức khóc cả đêm, không có thuốc men gì, chỉ cho uống sữa non. Trung tâm xin các nhà tài trợ ủng hộ và hiện có đủ sữa cho trẻ”.
 
Khi nói về cô bảo mẫu “đặc biệt”, bà An khen ngợi: “Cô Trâm như có duyên nợ với các bé ở đây. Tính tình và kỹ năng nghề điều dưỡng của cô tuyệt vời, hiền lành, ít nói, cô chỉ chú tâm làm việc, rất lễ phép, chịu cực chịu khổ, làm việc rất có tâm”. 
 
Bà An cũng cho biết, trong đợt này, số trẻ sơ sinh vào Trung tâm là ít, còn có lúc vào 5 trẻ sơ sinh. Lúc đó các bé bệnh, Trung tâm cử hai cô bảo mẫu lên Khoa Nhi của Bệnh viện Nhi tỉnh, cho bố trí riêng 1 phòng để chăm sóc các bé, nhằm phòng chống các bệnh lây nhiễm. 
 
Thống kê qua 9 tháng đầu năm 2019, số lượng trẻ em nuôi dưỡng chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh giảm 6 bé (có 2 trường hợp nhận con nuôi, 3 bé hồi gia, 1 trường hợp mất) và Trung tâm tiếp nhận thêm 3 trẻ (trong đó có 1 trẻ khuyết tật đặc biệt nặng, do bị ung thư não nằm liệt một chỗ).
 
Khó khăn của Trung tâm, cũng là áp lực công việc cho các bảo mẫu ở đây là do biên chế không đủ, theo quy định của Chính phủ thì biên chế khoảng 45 người mới phục vụ được hết trên 110 đối tượng, nhưng hiện tại Trung tâm chỉ có 15 biên chế, hợp đồng 8 trường hợp. “Nếu có đủ cán bộ thì cho 2 cô bảo mẫu trực một ngày đêm và nghỉ 1 ngày đêm nhưng hiện thiếu người”. Thực tế, hiện tại Trung tâm, người già có 70 người, 14 người nằm 1 chỗ, tâm thần 34 người, chỉ có 5 cán bộ chăm sóc mà phải rút 1 cán bộ qua chăm sóc trẻ mẫu giáo, sơ sinh; cứ ba tháng chăm sóc trẻ rồi rút lên chăm sóc cho người già” - Bà An cho biết sự khó khăn về nhân lực ở đây. 
 
Có trường hợp đối tượng trẻ em cần bảo vệ chăm sóc khẩn cấp, Trung tâm phải cử 2 bảo mẫu theo chăm trẻ bệnh bị bỏ rơi khi mới lọt lòng mẹ, cùng với cán bộ y tế đưa trẻ từ bệnh viện tỉnh đến bệnh viện ở TP HCM, túc trực bên trẻ ngay tại bệnh viện cho đến khi trẻ mất. Bà An kể: “Một đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi tại bệnh viện chưa về Trung tâm ngày nào nhưng mình phải cử 2 cán bộ sang bệnh viện rồi theo xuống Bệnh viện Nhi đồng TP HCM chăm sóc trong thời gian 3 tháng. Bé nằm hồi sức tích cực, bị đa bệnh, sau đó Bệnh viện Nhi đồng trả về, hỗ trợ luôn xe cấp cứu. Dù chưa có quyết định tiếp nhận bé về Trung tâm nhưng khi nhận tin báo có trẻ như vậy, Trung tâm cử 2 cán bộ đi xuống cùng y tế điều dưỡng, ở luôn bệnh viện Nhi để chăm trẻ”. 
 
Trong lúc khó khăn bộn bề, Ban Giám đốc và các bảo mẫu, cán bộ, nhân viên của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh đã làm được nhiều việc không thể kể hết. Kể cả khi thủ tục cho một đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi chưa có quyết định tiếp nhận về Trung tâm nhưng họ đã làm tất cả để một sinh linh nhỏ bé cảm nhận được hơi ấm của người bảo mẫu thay cho tình mẹ. Họ đã làm vì mệnh lệnh của trái tim.
 
Ghi chép: AN NHIÊN