(LĐ online) - Đổi mới nội dung, phương pháp công tác dân vận trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế là vấn đề lớn và đã được đề cập trong nhiều cuộc hội thảo, hội nghị bàn về công tác dân vận, nhất là bước vào thời kỳ mới khi cuộc cách mạng công nghệ trở thành xu thế tất yếu...
(LĐ online) - Đổi mới nội dung, phương pháp công tác dân vận trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế là vấn đề lớn và đã được đề cập trong nhiều cuộc hội thảo, hội nghị bàn về công tác dân vận, nhất là bước vào thời kỳ mới khi cuộc cách mạng công nghệ trở thành xu thế tất yếu. Trong phạm vi bài viết này, tôi xin đề cập một vài khía cạnh có liên quan đến nội dung phương pháp công tác dân vận trong thời kỳ mới nhằm thực hiện tốt hơn di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ viết tác phẩm Dân vận (15/10/1949 - 15/10/2019).
ĐỔI MỚI NỘI DUNG, PHƯƠNG THỨC CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN
Trong hoàn cảnh mạng xã hội phát triển nhanh, mạnh như hiện nay thì ngoài việc bám sát chủ trương, Nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước; cần đi sâu tổng kết thực tiễn, rút ra những nội dung phù hợp với từng đối tượng, làm tốt công tác “Công khai, minh bạch”; tuyên truyền đúng, trúng đối tượng, tận dụng các mạng xã hội để có hình thức tuyên truyền phù hợp. Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ; chiến sĩ lực lượng vũ trang”. Trong tác phẩm Dân vận Bác đã chỉ rõ: “Dân vận không chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn chỉ thị mà đủ. Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được”. Vì vậy, trong công tác tuyên truyền cần dựa vào những người có uy tín trong từng dân tộc, tôn giáo, người đứng đầu trong các tổ, nhóm theo nhu cầu, sở thích trong các tầng lớp nhân dân để làm hạt nhân vận động. Đưa một số nội dung pháp luật có liên quan vào giảng dạy trong trường học; tăng cường giáo dục đạo đức xã hội, kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong công tác giáo dục; đề cao giá trị đạo đức trong văn hóa ứng xử, khắc phục thói vô cảm. Phát động rộng rãi phong trào thi đua, nhân rộng gương điển hình tiên tiến; cái đẹp, cái tốt. Chấn chỉnh hoạt động tuyên truyền, đơn thuần chạy theo lợi nhuận, khai thác những mặt tiêu cực; tạo ra dư luận xã hội đấu tranh phê phán cái xấu, cái ác. Hình thành các kênh thông tin chính thống, góp phần tạo đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, động viên nhân dân đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội; củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
CHÚ TRỌNG CÔNG TÁC DÂN VẬN CỦA CHÍNH QUYỀN
Tiếp tục đổi mới, tăng cường hơn nữa công tác dân vận của chính quyền theo đúng tinh thần Nghị quyết 25/NQ-TW của BCH TW: “Đảng lãnh đạo, Chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận, đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt”. Đây là điểm mới trong công tác dân vận bởi lẽ Đảng lãnh đạo chính quyền trên phạm vi cả nước, mọi chủ trương, đường lối của Đảng đều được thể chế bằng pháp luật, chính sách của Nhà nước; hàng ngày, hàng giờ, tác động trực tiếp đến nhân dân. Dân không chỉ là đối tượng tác động mà còn là chủ thể hành động. Bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ, Nhà nước của dân. Nhà nước là chủ thể đại diện cho dân, quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, Nhà nước dùng quyền ấy để phục vụ nhân dân, nếu không vì dân mà thực hiện thì Nhà nước không còn là của dân nữa, xa lạ với dân, đó là dấu hiệu và bằng chứng của sự tha hóa quyền lực. Do vậy, công tác dân vận của chính quyền có nhiều nội dung nhưng trước hết cần tập trung vào 4 nội dung sau:
Một là, chăm lo xây dựng thể chế, chính sách, chú trọng giải quyết những nhu cầu chính đáng của nhân dân, cải thiện điều kiện sống, lao động, học tập, sáng tạo, nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Chấn chỉnh và xử lý nghiêm minh những vụ việc tiêu cực tham nhũng, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, ảnh hưởng tới sự tồn vong của chế độ.
Hai là, thực hiện tốt việc cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, xây dựng nhà nước pháp quyền, lấy lợi ích của dân làm tối thượng, làm mục tiêu để xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh.
Ba là, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân.
Bốn là, xây dựng nền đạo đức công vụ.
Bốn nội dung trên có mối quan hệ mật thiết gắn bó với nhau, song trước tiên cần coi trọng xây dựng đạo đức công vụ vì mọi chủ trương, chính sách đều do con người xây dựng và thực hiện. Do vậy, phải xây dựng rèn luyện đạo đức cán bộ, công chức; cán bộ là gốc của công việc, là “công bộc” của dân. Mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải hiểu dân, gương mẫu, tận tụy với công việc, nói phải đi đôi với làm để nhân dân tin tưởng, noi theo. Làm sao để mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ trong các lực lượng vũ trang phải thấm nhuần và quán triệt hơn nữa quan điểm tư tưởng của Đảng, của Bác Hồ về công tác dân vận “Lực lượng của dân rất to. Việc dân rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém, Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”; khắc phục cho được những thói hư, tật xấu, nhũng nhiễu, hách dịch nhân dân. Thực hiện nghiêm túc phương châm “Gần, hiểu, cảm hóa”, tránh áp đặt; trong xây dựng thể chế, chính sách chú trọng nguyên tắc: Mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải thuận lòng dân, xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, đây là một kênh gián tiếp, ngoài lực lượng cán bộ vận động chuyên trách thì nó có tác động lớn đến tư tưởng nhân dân.
TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA, GIÁM SÁT VÀ PHẢN BIỆN XÃ HỘI
Nội dung quan trọng của công tác dân vận trong thời kỳ mới không chỉ vận động tuyên truyền, tổ chức phong trào hành động cách mạng của nhân dân mà công tác kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội theo tinh thần Quyết định số 217, 218 của Ban Bí thư Trung ương là nội dung cực kỳ quan trọng. Đây là vấn đề mới, vừa làm vừa rút kinh nghiệm; giám sát từ khâu đầu đến khâu cuối, tập trung vào khâu yếu nhất, bức xúc, vướng mắc nhất trong nhân dân như lĩnh vực đất đai, đền bù giải tỏa, đầu tư xây dựng các công trình dự án, thực hiện chính sách công, các quy chế, quy định cụ thể về trách nhiệm thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức để “Dân biết, dân kiểm tra, giám sát” việc thực hiện. Do vậy phải nâng cao năng lực hoạt động của mặt trận và các đoàn thể, với tư cách là người đại diện của nhân dân thông qua dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp cùng với sự tự quản trong cộng đồng trên cả hai bình diện dân chủ chính trị và dân chủ kinh tế đó là hai trụ cột của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, của kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội;
Triển khai quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”, có vậy thì nội dung, phương pháp công tác dân vận mới đạt hiệu quả thiết thực, góp phần vào ổn định xã hội.
Đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận trong thời kỳ mới phải gắn chặt với công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Đảng lãnh đạo nhân dân bằng chủ trương, chính sách, Nghị quyết và bằng vai trò gương mẫu của cán bộ, “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Do đó cần tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 04-NQ/TW khóa XII về xây dựng chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình, phê bình trong sinh hoạt Đảng; ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, xứng đáng hơn nữa lòng mong đợi, tin cậy của nhân dân. Làm tốt những vấn đề trên, thiết nghĩ sẽ góp một phần quan trọng vào “Đổi mới nội dung, phương pháp công tác dân vận trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.
NGUYỄN BẠN