Người con Hà Nội kết nối mạch máu thông tin Bưu điện Lâm Đồng

06:10, 10/10/2019

Mới đó mà ông đã bước sang tuổi bảy ba. Nhìn lại quãng thời gian đã qua, phải thẳng thắn nhìn nhận ông đã làm được nhiều điều để không hổ thẹn đã từng là người lính cầm súng chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc...
 

Mới đó mà ông đã bước sang tuổi bảy ba. Nhìn lại quãng thời gian đã qua, phải thẳng thắn nhìn nhận ông đã làm được nhiều điều để không hổ thẹn đã từng là người lính cầm súng chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và kết nối mạch máu thông tin, cũng như dòng chảy giữa các thế hệ Bưu điện tỉnh Lâm Đồng. Người đó là ông Nguyễn Huy Ninh - nguyên Giám đốc Bưu điện tỉnh Lâm Đồng.
 
Đồng chí Nguyễn Huy Ninh (bên trái) thay mặt Bưu điện Lâm Đồng nhận Huân chương Chiến công hạng Nhất.
Đồng chí Nguyễn Huy Ninh (bên trái) thay mặt Bưu điện Lâm Đồng nhận Huân chương Chiến công hạng Nhất.
 
Đã 42 năm đằng đẵng kể từ ngày anh rời Hà Nội để vào Lâm Đồng nhận công tác theo sự phân công của tổ chức. Trước đó, vào năm 1970, anh lính Phòng không, Không quân Nguyễn Huy Ninh rời quân ngũ, trở lại cầm sách bút ôn thi vào đại học. Đó là khóa thi đại học đầu tiên của miền Bắc đầy vất vả, khó khăn, nhất là đối với những người như anh, đã xếp “bút nghiên” chỉ sử dụng thiết bị kỹ thuật quân sự suốt 5 năm qua.
 
Ngày ấy “Giảng đường” và “Ký túc xá” Trường Bưu điện đều là những căn nhà tranh vách đất, luôn bị đe dọa bởi nắng mưa, gió bão. Đời sinh viên của Nguyễn Huy Ninh (1970-1976) gắn liền với giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước trên chiến trường miền Bắc. Vì thế, thầy trò nhà trường phải thường xuyên di chuyển đi sơ tán, hết Ngô Xá, Dư Bơ lại đến Hoàng Kim, Bãi Vải (các địa danh thuộc hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ hiện nay). Đến gần hết khóa, mới được chuyển về Hà Đông (Cơ sở của Học viện Công nghệ Bưu chính, Viễn thông bây giờ). Chính hoàn cảnh khó khăn, gian khổ đó đã tôi luyện thêm ý chí dũng cảm, kiên trung, tận tụy vượt khó của người lính mới trên mặt trận thông tin liên lạc sau này. Năm 1977, sau khi tốt nghiệp đại học, Nguyễn Huy Ninh và người bạn gái cùng lớp được phân công vào nhận công tác tại Bưu điện tỉnh Lâm Đồng - một vùng đất xa xôi tận Nam Tây Nguyên.
 
Những năm cuối của thập niên 70 thế kỷ trước, Bưu điện tỉnh Lâm Đồng đang bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1976-1980), trong hoàn cảnh cơ sở vật chất kỹ thuật rất hạn chế, thiếu thốn mọi mặt. Sau khi tiếp quản, mạng lưới thông tin điện chính chỉ phục vụ được trong phạm vi thành phố Đà Lạt và một số khu vực nội thị. Việc giải quyết thông tin liên lạc phần lớn được chuyển qua đường bưu chính. Trong khi đó lực lượng lao động bưu chính lại có tay nghề thấp, mạng lưới hạn hẹp, phương tiện vận chuyển chủ yếu là xe đạp hoặc đi bộ. Lực lượng lao động, nhất là lao động kỹ thuật nghiệp vụ bưu điện thiếu nghiêm trọng... Năm 1980, cựu chiến binh Nguyễn Huy Ninh được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Kế hoạch, Vật tư, Xây dựng cơ bản. Bằng kiến thức đã được đào tạo bài bản trong trường đại học cùng sự nỗ lực vượt khó trong thực tế công tác, anh và đồng nghiệp đã cùng tập thể lãnh đạo Bưu điện tỉnh vượt qua khó khăn, đưa bộ máy quản lý và sản xuất dần đi vào hoạt động ổn định. Cuối năm 1980, Bưu điện Lâm Đồng là đơn vị đầu tiên ở các tỉnh phía Nam thực hiện được việc “bê tông hóa” đường dây liên tỉnh, nội tỉnh, tạo cơ sở vững chắc cho việc phát triển điện thoại và hiện đại hóa mạng lưới trong các giai đoạn tiếp theo. Các chỉ tiêu về sản lượng và doanh thu bưu chính, phát hành báo chí và điện báo, điện thoại ngày càng tăng. 
 
Mặc dù vậy, những khó khăn chung của đất nước, của ngành, trong giai đoạn đầu khi bước vào quá trình đổi mới cũng bộc lộ đậm nét đối với Bưu điện Lâm Đồng. Là một trong các tỉnh Tây Nguyên, xa Trung ương - kinh tế, xã hội chậm phát triển nên mạng lưới cũng như dịch vụ bưu điện còn nhiều hạn chế, bất cập. Nhìn chung một cách tổng quát thì Bưu điện Lâm Đồng đang ở trong tình trạng “mạng lưới hạn chế, công nghệ lạc hậu, dịch vụ nghèo nàn, trình độ bất cập, đời sống thấp kém”.
 
Năm 1989, kỹ sư Nguyễn Huy Ninh được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh, phụ trách kỹ thuật. Đây cũng là thời kỳ ngành Bưu điện chuẩn bị bước vào “Chiến lược tăng tốc độ phát triển”. Thực hiện công cuộc đổi mới, ngành Bưu điện đã chủ động hạch toán kinh doanh với mô hình vừa quản lý nhà nước vừa sản xuất kinh doanh, tự vay vốn, trực tiếp xuất nhập khẩu, hạch toán toàn ngành, tự cân đối kế hoạch ngoại tệ; chuyển mô hình bao cấp sang tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm. Trọng tâm của kế hoạch tăng tốc là đổi mới công nghệ, mở rộng hợp tác quốc tế, đi thẳng vào công nghệ hiện đại theo hướng số hóa, tự động hóa; thực hiện được mục tiêu phát triển bưu chính, viễn thông năm 2000 vào năm 1995 theo chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.
 
Năm 1993, Bưu điện Lâm Đồng được Tổng Cục Bưu điện và Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông phê duyệt dự án phát triển mạng lưới bưu chính viễn thông giai đoạn 1993-1995 và đến năm 2000. Đây là cơ sở vững chắc tạo tiền đề cho sự phát triển mạng lưới bưu chính viễn thông Lâm Đồng tiến tới đồng bộ, hiện đại và đa dịch vụ. Dưới sự chỉ đạo của anh Ninh và tập thể lãnh đạo, Bưu điện Lâm Đồng tiến hành khai thác mọi tiềm năng, phát huy nội lực, tranh thủ sự giúp đỡ của các đơn vị tỉnh bạn và địa phương tổ chức xây dựng, phát triển mạng lưới phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của địa phương, tạo ra năng lực phục vụ mới.
 
Đường thư liên tỉnh, nội tỉnh, nội huyện được tổ chức khai thác, vận chuyển hợp lý, khoa học nên hoạt động ổn định và nâng cao; tốc độ nhanh hơn nhờ sử dụng phương tiện ô tô chuyên ngành. Thái độ phục vụ ngày càng tiến bộ rõ rệt qua các phong trào “Người Bưu điện giỏi”, “Giao dịch viên duyên dáng và kinh doanh giỏi”, “Công nhân phát thư, báo tận tụy”. Máy vi tính bắt đầu được đưa vào quản lý, khai thác bưu chính, phát hành báo chí để tăng năng suất lao động.
 
Nhờ sự năng động, sáng tạo, tập trung đầu tư phát triển đúng hướng, có trọng điểm, đến cuối năm 1994, Lâm Đồng đã thực hiện tự động hóa 100% mạng chuyển mạch, đưa truyền dẫn vi ba số đến hầu hết các huyện, tạo ra năng lực mới cho mạng viễn thông của tỉnh. Tốc độ phát triển máy điện thoại tăng vọt. Tháng 7 năm 1995, ông Nguyễn Huy Ninh được bổ nhiệm quyền Giám đốc, rồi Giám đốc Bưu điện tỉnh Lâm Đồng, được bầu vào Tỉnh ủy Lâm Đồng khóa VI.
 
Là lãnh đạo doanh nghiệp, Giám đốc Nguyễn Huy Ninh xác định tất cả các hoạt động đều xuất phát từ trách nhiệm đối với xã hội, phát triển mạng lưới bưu chính, viễn thông, nhất là tới các xã vùng sâu, vùng xa là vì nhiệm vụ chung, vì tinh thần phục vụ, chứ không phải chỉ đơn thuần vì lợi nhuận. Ông luôn quan tâm bồi dưỡng thế hệ trẻ, trân trọng và phát huy truyền thống ngành, kết nối dòng chảy giữa các thế hệ cán bộ, công nhân viên Bưu điện Lâm Đồng; làm tốt chính sách xã hội, từ thiện, mang lại hiệu quả thiết thực, được lãnh đạo Ngành, lãnh đạo địa phương đánh giá cao. Nhiều cán bộ thế hệ sau do ông Nguyễn Huy Ninh qui hoạch, bồi dưỡng đều tiến bộ, thành đạt...Đặc biệt, năm 2001, trong ngành có bưu tá Bưu điện huyện Lạc Dương Cil Múp Ha K’Riêng được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới…
 
Không chỉ hoạt động kinh doanh hiệu quả, Bưu điện Lâm Đồng còn làm tốt công tác xã hội. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Lâm Đồng, Bưu điện tỉnh đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận đỡ đầu cho xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm; xây dựng 9 căn nhà tình thương và hỗ trợ bà con nghèo ở Lộc Bắc vui tết cổ truyền năm 2004. Hưởng ứng cuộc vận động ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam, Bưu điện Lâm Đồng đã chủ động phối hợp với Hội Chữ thập đỏ Lâm Đồng đi thăm hỏi và trao sổ tiết kiệm cho 2l trường hợp. Đồng thời, nhận phụng dưỡng 6 Mẹ Việt Nam anh hùng; tổ chức vận động cán bộ, công nhân viên đóng góp xây dựng được 15 nhà tình nghĩa, 26 nhà tình thương; phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và những đồng chí cách mạng lão thành đi tìm và quy tập được 86 hài cốt anh, chị em Giao bưu, thông tin về an táng ở Nghĩa trang liệt sĩ Đà Lạt. Bằng trách nhiệm và tình cảm của mình, đến năm 2006, Bưu điện Lâm Đồng đã đóng góp hơn 10 tỷ đồng vào các chương trình xã hội, từ thiện của tỉnh Lâm Đồng.
 
Ghi nhận những công lao đóng góp đó, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng cho Bưu điện Lâm Đồng Huân chương Chiến công hạng Nhất (năm 2000) và Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2004). Cuối năm 2006, Giám đốc Nguyễn Huy Ninh nghỉ hưu theo chế độ. Người con trai Hà Nội có thể tự hào về quá trình cống hiến của mình và yên tâm, tin tưởng vào thế hệ kế cận trong sự nghiệp phát triển bưu chính, viễn thông trên quê hương thứ hai - Lâm Đồng.
 
NGUYỄN ĐÌNH