Gần mười năm, hành trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở xã Quảng Trị vẫn luôn là niềm tự hào của cả chính quyền và người dân Đạ Tẻh bởi chỉ 1 năm sau khi thoát khỏi danh sách xã nghèo, Quảng Trị đã về đích NTM.
[links()]
Quảng Trị, hướng tới xã kiểu mẫu về môi trường
Gần mười năm, hành trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở xã Quảng Trị vẫn luôn là niềm tự hào của cả chính quyền và người dân Đạ Tẻh bởi chỉ 1 năm sau khi thoát khỏi danh sách xã nghèo, Quảng Trị đã về đích NTM.
|
Chuyển đổi sang trồng cây ăn trái mang lại thu nhập cao cho người dân Quảng Trị |
Đổi thay từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Rất khó để nhận ra Quảng Trị của những ngày xưa nếu không thường xuyên trở lại. Những vườn cây ăn trái và dâu tằm mướt mắt đã gần như xóa đi hình ảnh về một vùng quê nghèo, nóng cạn mồ hôi vào mùa khô và ngao ngán trong ngập úng của những cơn mưa thối đất. Màu xanh của ngày hôm nay chính là mặn ngọt mồ hôi, là thành quả của rất nhiều thế hệ kể từ khi hơn 1.000 hộ dân Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) vào đây khai hoang vỡ đất.
“Khó khăn chồng chất khó khăn. Cái thời phải cuốc từng thớ đất, phát từng mảnh lau sậy mà làm ăn, không chịu thương chịu khó thì sau này lấy gì lo cho con cái”, ông Đặng Chức (Thôn 4) - một trong những người đầu tiên vào đây nhớ lại bằng cái giọng quê đặc sệt sau bao năm chẳng lẫn.
Gần 40 năm, tài sản hiện hữu của gia đình ông là căn nhà khang trang và vườn cây ăn trái. Cũng từ mảnh vườn ấy, vợ chồng ông có thứ tài sản lớn hơn, là lo cho mấy đứa nhỏ được học hành đầy đủ, lập nghiệp ở thành phố, dựng vợ gả chồng, đứa nào cũng thành đạt. “Dù chúng nó đủ đầy, nhưng vợ chồng tôi vẫn chẳng cần đứa nào phải lo”, bởi hai vợ chồng ông nay quay trở lại như ngày nào, ngày ngày chăm bẵm vườn cây, vui thú điền viên tuổi già. Hơn 1,3 ha vườn trồng các loại cây như bưởi, sầu riêng, điều, cà phê... một mình ông quán xuyến.
Ông Chức bảo rằng bây giờ làm nông nghiệp nhàn hơn, chỉ cần nắm bắt kỹ thuật là có thể “trị” được bất cứ loại cây trồng nào. “Trước mình làm cũng thất bại nhiều, sầu riêng trồng được 5, 6 năm, vừa mới cho thu hoạch là lại chết đứng. Nhưng sau nhiều lần học hỏi, tham gia tập huấn ở xã, huyện, đi tham quan mô hình này mô hình kia và tìm kiếm thông tin trên mạng nữa. thì mới được như bây giờ”, ông Chức chia sẻ. Vườn cây theo cách nói “như bây giờ” của ông hiện tại sắp bước vào thời kỳ thu hoạch chính, hứa hẹn cho thu nhập khoảng 500 - 700 triệu đồng/ha mỗi năm.
Không có giá trị cao như cây ăn trái nhưng nhiều người dân trồng dâu, nuôi tằm ở Quảng Trị cũng đã thay đổi được cuộc sống sau nhiều năm chật vật “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Diện tích liên tục được mở rộng, dù giá kén trên thị trường có nhiều dao động nhưng đời sống người dân vẫn ổn định. Ở địa phương có 1 cơ sở sản xuất né tằm, cung ứng cho bà con không chỉ trên địa bàn xã, huyện mà còn ở nhiều nơi khác. Anh Hoàng Nam Hải, chủ cơ sở cho biết, bình quân, cơ sở của anh sản xuất khoảng 60.000 né/năm và người dân xã Quảng Trị là một trong những bạn hàng thường xuyên nhất.
Đời sống khấm khá, người con từ dải đất miền Trung bom đạn trước đây rời quê hương chỉ mong thoát khỏi cái đói, cái nghèo thì nay đã nghĩ tới việc làm giàu.
Đó cũng chính là định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung khai thác các lợi thế phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu nhập cho người dân ở Quảng Trị. Các biện pháp, chương trình hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung phát triển cây ăn trái có giá trị cao, hỗ trợ khoa học kỹ thuật trong sản xuất... được triển khai. Các yếu tố văn hóa, xã hội, môi trường, đảm bảo an ninh trật tự ở địa bàn khu dân cư, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, tốt đẹp của địa phương được chú trọng; vấn đề đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội đã giữ sự bình yên trong cuộc sống gia đình và văn hóa cộng đồng ở khu dân cư.
|
Mỗi tháng một lần, người dân các thôn cùng nhau xuống đường dọn dẹp vệ sinh, tôn tạo cảnh quan |
Không về đích bằng mọi giá
Ông Phạm Xuân Tiện - Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo NTM mới huyện Đạ Tẻh khái quát: Năm 2010 - 2015, Quảng Trị là xã nghèo của huyện Đạ Tẻh. Năm 2016 nhờ những nỗ lực của cả hệ thống chính trị mà đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, mạnh mẽ cả về kinh tế - xã hội, môi trường... và hoàn thành chương trình NTM. Sau khi đạt chuẩn NTM thì xã vẫn đã tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng các tiêu chí.
Khi có căn cứ xây dựng NTM nâng cao, xét thấy Quảng Trị hoàn toàn có khả năng đạt được. Kết cấu hạ tầng thiết yếu và địa hình phân bố dân cư của xã so với mặt bằng chung của huyện có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Cảnh quan môi trường so với mặt bằng chung của các xã khá đồng đều. Chính vì thế, Quảng Trị được hướng đến mục tiêu xây dựng xã kiểu mẫu về môi trường để tạo ra bộ mặt nông thôn thân thiện, đảm bảo vệ sinh, gần gũi với thiên nhiên, gần gũi với con người.
Cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn. Chất thải được thu gom, xử lý theo quy định. Sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Chai lọ sau sử dụng phải được thu gom, các tuyến đường liên xã liên thôn được trồng hoa và cây phân tán để tạo bóng mát và cảnh quan sạch đẹp... Nhiều hoạt động đã và đang được triển khai một cách liên tục.
Không thể phủ nhận là quá trình xây dựng NTM nâng cao đã giúp xã Quảng Trị tạo ra những thay đổi tích cực hơn so với mặt bằng chung. Người dân chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương mới. Ông Lê Trọng Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Trị cho biết, hiện nay, khó khăn nhất ở Quảng Trị chính là về tiêu chí hộ nghèo với tỉ lệ 2,84%. Để đưa con số này xuống dưới 1% như yêu cầu của tiêu chí là vô cùng khó khăn. Bên cạnh đó, năm vừa qua, tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến kinh tế hộ gia đình, từ đó kéo thu nhập bình quân của bà con cũng có phần giảm sút.
|
Tuyến đường hoa khiến bộ mặt nông thôn trở nên khang trang, đẹp mắt |
Trong thời gian vừa qua, xã đã nỗ lực trong việc kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, liên kết trên địa bàn. Hiện nay, HTX sản xuất dâu tằm và dịch vụ nông nghiệp xã Quảng Trị đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp tư nhân, đồng thời đang xúc tiến, hoàn thiện hồ sơ để thành lập thêm 1 HTX cây ăn trái. Sau đợt ngập nặng vừa qua, một số tuyến đường hoa và cây xanh bị chết úng, địa phương cũng đã hỗ trợ và vận động người dân trồng lại cỏ lạc, mai vàng, hoa giấy, muồng hoàng yến... để khôi phục cảnh quan.
Theo ông Phạm Xuân Tiện, sau khi kiểm tra sơ bộ, rà soát các tiêu chí tính đến thời điểm hiện tại thì Ban chỉ đạo NTM thấy Quảng Trị khó có khả năng đạt được chương trình NTM nâng cao. Quảng Trị còn vướng mắc ở một vài tiêu chí, mà đó lại chính là những tiêu chí liên quan trực tiếp đến đời sống của Nhân dân. Huyện Đạ Tẻh cũng xác định không chạy theo thành tích, không cố ép để Quảng Trị hoàn thành mục tiêu bằng mọi giá bởi mục tiêu cuối cùng, NTM cũng là để nâng cao đời sống, chất lượng cuộc sống của người dân. Nội lực của người dân sẽ là yếu tố dẫn đến mọi sự thành công.
Một khi đời sống vật chất của người dân được đảm bảo và nâng cao, sẽ kéo theo những yếu tố về mặt tinh thần được nâng lên. Từ đó, mọi sự tham gia đóng góp, xây dựng quê hương là tự nguyện và sẽ tạo thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ. Vậy nên để đạt được mục tiêu NTM nâng cao cũng phải đạt một cách hoàn toàn xứng đáng và chắc chắn.
(CÒN NỮA)
HỒNG THẮM - LINH ĐAN