Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2019, Lâm Đồng chọn 13 xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao...
[links()]
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2019, Lâm Đồng chọn 13 xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao. Bước đi này rất có ý nghĩa trong tiến trình thực hiện nâng cao chất lượng các xã đạt chuẩn NTM, hướng tới mục tiêu cuối cùng là giúp cho người dân nông thôn có được cuộc sống ngày càng chất lượng hơn. Theo đúng với phương châm “xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”.
Cú bứt tốc ngoạn mục của Gia Lâm
Không nằm trong nhóm ưu tiên của huyện Lâm Hà về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nhưng Gia Lâm lại có một bước tiến ngoạn mục khi trở thành một trong hai xã đầu tiên của huyện cán đích NTM. Không dừng lại ở mục tiêu ngắn hạn ấy, Gia Lâm đã tự tháo gỡ những rào cản vô hình, xóa bỏ đi định kiến là một xã nhỏ và cả tư duy “ao làng” tự bằng lòng với những gì đã có để hướng tới xã NTM nâng cao. Quyết tâm cùng ý chí và cả sự đồng thuận là điều không cần phải bàn cãi, nhưng trong lộ trình của Gia Lâm vẫn còn rất nhiều thách thức không dễ để vượt qua.
|
Những con đường giúp bộ mặt nông thôn thay đổi. |
Qua rồi thời gian khó
Trong số 1.500 hộ dân ở Gia Lâm, đa phần là Nhân dân huyện Gia Lâm, quận Long Biên của TP Hà Nội và một số tỉnh lân cận phía Bắc vào lập nghiệp từ những năm 1977. Những ngày hoang vắng đã lùi dần vào trong trí nhớ của những cư dân đầu tiên đặt chân đến mảnh đất cao nguyên.
“Nhiều người ngày xưa vào đây thấy hoang vu quá, bước chân ra khỏi nhà vài chục mét là rừng, thấy sợ nên đã quay về quê cũ. Vậy mà bây giờ quay trở vào lại không thể hình dung nổi khi nơi đây đã khoác lên mình tấm áo mới. Bộ mặt quê hương thứ hai đã khác đi rất nhiều”, ông Nguyễn Thanh Tằng (Thôn 2) chia sẻ.
Chàng thanh niên Nguyễn Thanh Tằng khi đó cũng theo gia đình vào Nam lập nghiệp. Khi ấy chỉ có những con đường mòn sỏi đá nhưng bù lại đất đai rộng rãi, có thể khai hoang để trồng trọt, chăn nuôi - điều trái ngược hoàn toàn với nơi đất chật người đông.
Ông Tằng bảo rằng rất nhiều người khi đó đã nản lòng, quay trở về quê cũ hoặc tiếp tục di dân đến một địa điểm khác nhưng càng về sau, thấy người ở các vùng khác đổ về đây ngày một nhiều khiến người dân phải tự đặt ra câu hỏi: Tại sao mình không phát huy được thế mạnh ở một vùng đất tiềm năng thế này?!
Đi tìm câu trả lời cho những thắc mắc đó, từ một thôn nghèo nhất của xã, người dân Thôn 2 nói riêng và cả xã Gia Lâm nói chung đã dần bám đất, tảo tần đi qua từng mùa vụ. Và từng ngày trôi qua, đã không còn mối lo về cái đói, cái nghèo trước mắt. Từng nếp nhà dần dà được sửa sang trở nên khang trang hơn. Các tuyến đường liên thôn đa phần được đổ bê tông, thuận tiện đi lại. Hiện nay, mục tiêu xa hơn của họ là nâng cao chất lượng cuộc sống, an sinh xã hội đảm bảo.
“Trước đây người dân không mấy mặn mà cũng như không xác định việc ổn định lâu dài nên ý thức đoàn kết nội bộ cũng chưa cao. Thêm vào đó là thời điểm cán bộ lãnh đạo địa phương có sự thay đổi nên tạo ra nhiều xáo trộn. Đến những năm đầu của thập niên 90 thì kinh tế khởi sắc hơn khi cây cà phê cho giá trị cao. Sau 32 năm hình thành và phát triển, dân số Gia Lâm đã tăng gần gấp đôi”, ông Đào Văn Hinh, Chủ tịch UBND xã cho biết thêm.
Ở Gia Lâm bây giờ thống kê vẫn còn 33 hộ nghèo nhưng trong đó, 23 hộ thuộc diện bảo trợ xã hội. Dù là xã có diện tích đất theo bình quân đầu người thấp nhất so với mặt bằng chung của huyện nhưng thu nhập bình quân đầu người đạt 49 triệu đồng/năm (năm 2014 là 32 triệu/năm). Trình độ dân trí ngày một tăng lên, từ đó thay đổi ý thức của người dân, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng tạo điều kiện không nhỏ vào phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
|
Ở Gia Lâm bắt đầu manh nha những mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao. |
Nỗ lực vươn mình
5 năm sau khi về đích NTM, Gia Lâm vượt qua Đông Thanh, Nam Hà, Đạ Đờn và trở thành xã đầu tiên của Lâm Hà đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao. Chủ tịch UBND xã lý giải: Thời điểm năm 2014 về đích NTM, Gia Lâm đạt những điều kiện hoàn toàn lý tưởng. Đó là 100% tỉ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia. Hệ thống giao thông nông thôn dưới sự đầu tư của ngân sách Nhà nước và hỗ trợ từ huyện Gia Lâm (TP Hà Nội) đã đáp ứng được cơ bản yêu cầu đi lại, thương mại của địa phương. Đến nay, những tiền đề đó vẫn tiếp tục được giữ vững, hạ tầng không tốn nhiều kinh phí đầu tư thì có thể tận dụng để tăng cường nâng cao cho các tiêu chí khác.
“Người dân chúng tôi đa phần thuần nông. Tính từ thời điểm đi xây dựng kinh tế mới thì mặt bằng dân trí còn tương đối thấp. Nhưng có lẽ chính vì lẽ đó mà họ lại vô cùng đồng thuận với những chủ trương, chính sách của Nhà nước. Tất cả các chương trình, quyết định của địa phương sau khi thông báo đều được chấp hành nghiêm túc, đầy đủ”, ông Tằng chia sẻ thêm. Ông lấy ví dụ rằng ở Thôn 1, người dân vẫn còn giữ được nếp sống như ngoài Bắc khi tất cả các khoản đóng góp, quỹ hỗ trợ của địa phương chỉ cần thông báo trên loa phát thanh thời gian, địa điểm là hôm sau bà con tập trung nghiêm chỉnh, cán bộ ban nhân dân thôn không cần phải đi gõ cửa từng nhà để thu.
Thế nhưng điều đó không có nghĩa là họ không có ý thức đổi mới xây dựng quê hương. Về Gia Lâm hôm nay, đường sá được xây dựng bài bản, những nếp nhà gỗ dần được thay thế. Kinh tế nông nghiệp dựa vào cây cà phê, dâu tằm tuy không mang lại nhiều đột phá về mặt kinh tế nhưng đảm bảo đời sống ổn định, ấm no. Bộ mặt nông thôn thay đổi mà dễ nhận biết nhất là các tuyến đường hoa được bà con hằng ngày chăm sóc. Anh Đặng Văn Thủy (Thôn 5) chia sẻ: Nhà nước đã cho con đường bê tông nên mình cũng cố gắng trồng thêm cây xanh, hàng rào để con đường trở nên đẹp mắt hơn. Mỗi nhà chỉ cần trồng và chăm sóc một đoạn đường qua trước cửa nhà mình thôi mà đã là con đường được đánh giá đẹp nhất của cả xã rồi.
|
Gia Lâm là xã đầu tiên có tỉ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 100%. |
Theo chủ tịch UBND xã Đào Văn Hinh, trong nhóm bộ tiêu chí NTM nâng cao, những yếu tố liên quan đến chủ quan con người, xã đã và đang hoàn thành rất tốt. Nhất là việc nâng cao ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, tôn tạo cảnh quan, vận động giải tỏa hiến đất làm đường, giữ vững tỉ lệ trường đạt chuẩn NTM... Đặc biệt, một trong những tiêu chí có sự tham gia của cả hệ thống chính trị là tăng tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế. Kết quả đến thời điểm hiện tại đạt 89,1%, trong khi con số này năm 2018 chỉ là 77% (theo quy định là 90%).
Dẫu vậy vẫn còn những tiêu chí đang thực sự như “bài toán” đau đầu chưa có lời giải. Đầu tiên là đối với xã có rừng: Trong 2 năm liền kề không để xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép trên địa bàn. Thế nhưng trong 9 tháng đầu năm nay đã xảy ra 3 vụ chặt phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp tại Thôn 5, 6 trên diện tích 0,5 ha. Cũng trong thời gian này, theo quy định thì không có khiếu kiện đông người trái pháp luật; tệ nạn xã hội được kiềm chế, giảm trên địa bàn xã. Thực tế ở địa phương đã giảm 3 vụ so với cùng kỳ nhưng vẫn còn tình trạng trộm cắp, đánh người gây thương tích, lạm dụng chiếm đoạt tài sản. Trước đây Gia Lâm có 3 hợp tác xã, tuy nhiên đến nay chỉ còn 1 bởi 1 hợp tác xã bò sữa đã giải thể vì thực tế hoạt động không hiệu quả; 1 hợp tác xã chăn nuôi (gồm nông dân Nam Ban, Mê Linh, Gia Lâm) nay đã chuyển về xã Mê Linh để xã này hoàn thành 19 tiêu chí, về đích NTM trong năm 2019.
Với thực tế đó, vẫn còn khó cho Gia Lâm trong thời gian còn lại có thể hoàn thành 100% tiêu chí NTM nâng cao. Vì vậy theo lãnh đạo UBND xã, trong thời gian tới, địa phương sẽ xin đề xuất để các cấp có thẩm quyền xem xét lại những tiêu chí khó, tạo động lực có thể hoàn trong những năm tiếp theo.
(CÒN NỮA)
HỒNG THẮM - TUẤN LINH