Với những ưu thế nhất định về địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng và mặt bằng chung về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, bằng cảm quan rất nhiều người sẽ có suy nghĩ, Xuân Thọ - một xã vùng ven của Đà Lạt sẽ gặp rất nhiều thuận lợi trong lộ trình hướng đến xã nông thôn mới (NTM) nâng cao...
[links()]
Những lực cản trong lộ trình xây dựng nông thôn mới nâng cao
Với những ưu thế nhất định về địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng và mặt bằng chung về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, bằng cảm quan rất nhiều người sẽ có suy nghĩ, Xuân Thọ - một xã vùng ven của Đà Lạt sẽ gặp rất nhiều thuận lợi trong lộ trình hướng đến xã nông thôn mới (NTM) nâng cao. Nhưng đến thời điểm hiện tại, xã vẫn còn nhiều tiêu chí chưa đạt theo Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM nâng cao trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Đó là, xã mới chỉ có 1 HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012 (còn thiếu 1 HTX) và tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) mới chỉ đạt trên 83% (quy định trên 90%). Những tiêu chí chưa đạt của Xuân Thọ thực sự không phải là câu chuyện riêng của xã này. Soi chiếu dưới nhiều góc độ và lăng kính khác nhau, đây cũng chính là những lực cản làm chậm lại tiến độ về đích NTM nâng cao của rất nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.
|
Người dân nông thôn cũng đã nỗ lực hơn rất nhiều để thay đổi đời sống |
“Đau đầu” với tiêu chí “2 năm liền không để xảy ra tình trạng phá, lấn chiếm đất lâm nghiệp”
Trong tiêu chí về Cảnh quan - Môi trường ở mục f có quy định rõ: Đối với những xã có rừng: Trong 2 năm liền kề (kể cả năm xem xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao) không để xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép trên địa bàn xã.
Đầu tiên phải thừa nhận đây là một quy định hết sức đúng đắn, kịp thời, phù hợp với tình hình hiện tại của UBND tỉnh Lâm Đồng trước tình trạng phá rừng và lấn chiếm đất nông nghiệp với nhiều diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.
Tuy nhiên, đây cũng thực sự là thách thức không dễ để vượt qua của các xã được chọn để xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Bởi do đặc thù là một tỉnh miền núi, gần như tất cả các xã trên địa bàn tỉnh, kể cả những xã thuộc địa bàn thành phố đều ít nhiều có diện tích đất lâm nghiệp.
Do nhu cầu về đất sản xuất ngày càng tăng, giá trị đất sản xuất nông nghiệp ngày càng có giá trị cao nên rất nhiều đối tượng, bằng nhiều hình thức sẵn sàng vi phạm và ngang nhiên thách thức chính quyền, coi thường pháp luật để san bạt và lấn chiếm. Không riêng gì Xuân Thọ, mà ở Gia Lâm (huyện Lâm Hà) hay Đạ Sar (huyện Lạc Dương) và rất nhiều nơi khác đều bị vướng ở tiêu chí này.
Theo ông Ngô Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã Xuân Thọ: “Lực lượng mỏng, sự phối hợp giữa cơ sở và lực lượng kiểm lâm thành phố còn thiếu sự gắn kết trên nhiều phương diện nên không thể kiểm soát hết được vấn đề này. Một số cá nhân có đất sản xuất gần với đất lâm nghiệp vì lòng tham mỗi ngày lấn chiếm một ít, trên từng diện tích nhỏ nên rất khó bị phát hiện”.
Trước vấn đề này, ông Nguyễn Đình Khoát - Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM Lâm Đồng cũng phải thừa nhận: “Lâm Đồng là tỉnh có diện tích rừng tương đối lớn, tuy nhiên thực trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng hiện nay diễn ra tràn lan, để lại hậu quả nghiêm trọng. Nên UBND tỉnh đã đưa tiêu chí này vào để có thể quản lý và kiểm soát tốt hơn. Tuy nhiên, việc các xã có thực hiện được hay không lại là một câu chuyện khác, bởi thực tế diễn ra bị tác động rất nhiều bởi các yếu tố khách quan”.
Vấn nạn vi phạm lấn chiếm đất rừng sẽ mãi là một tồn tại không thể giải quyết dứt điểm nếu các nhà quản lý và giới chức hữu quan không có được những hoạch định mang tính chiều sâu và dài hơi. Thêm vào đó, khi nào đời sống của người dân còn khó khăn, những vấn đề liên quan đến an sinh xã hội còn thiếu hụt thì tình trạng “ăn rừng” vẫn còn tiếp diễn.
|
Cảnh quan môi trường ở những vùng quê được thay đổi từ khi xây dựng NTM |
“Tiêu chí bền vững”
Nhìn ở một góc độ khác, nếu như các xã sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao vì thành tích 2 năm liền không để xảy ra tình trạng phá, lấn chiếm đất rừng, nhưng liệu có bị thu hồi quyết định khi những năm sau đó để tình trạng này diễn ra. Đây thực sự cũng là một câu hỏi khó, rất nhiều nhà quản lý, lãnh đạo liên quan đến vấn đề xây dựng NTM đều không thể đưa ra được câu trả lời rõ ràng và ngay trong các quy định cũng không đề cập đến vấn đề này.
Trong tiêu chí tổ chức sản xuất theo quy định phải có ít nhất 2 HTX thành lập theo Luật HTX năm 2012 hoạt động hiệu quả; HTX có hoạt động liên kết xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm hoặc liên kết tiêu thụ sản phẩm. Điều này tưởng chừng đơn giản với một tỉnh dẫn đầu trong cả nước về sản xuất nông nghiệp như Lâm Đồng. Nhưng nhìn vào thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Trong số 13 xã được chọn để xây dựng NTM nâng cao của Lâm Đồng trong năm 2019, không có quá nửa xã hoàn thành được tiêu chí này, nếu có thì việc hoạt động của các HTX cũng không đạt được hiệu quả như mong muốn.
Lấy Xuân Thọ làm ví dụ, dù là xã nhiều thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp và đa số bộ phận người dân đều có kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp nhưng phần lớn vẫn “mạnh ai nấy làm”, gần như không có liên kết để tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm và nâng cấp để hình thành thương hiệu.
Xã Xuân Thọ có 2 HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp là Phước Lộc và Xuân Lộc thì chỉ có một HTX hoạt động hiệu quả. Quý 4 năm 2019 là thời gian ít ỏi còn lại để xã hoàn thành được mục tiêu với việc thành lập thêm 1 HTX sản xuất và kinh doanh rau.
Việc thành lập thêm 1 HTX nhằm hoàn thành tiêu chí là điều hoàn toàn cần thiết. Nhưng chỉ với 3 tháng cuối năm, để có thể thực sự đánh giá hoạt động của HTX có hiệu quả hay không lại là một câu chuyện khác và chúng tôi tin chắc rằng không ai dám đưa ra câu kết luận. Bởi thực tế đã chứng minh, hiện tại ở Xuân Thọ có tới 22 tổ hợp tác liên kết sản xuất (quy mô nhỏ) gắn chế biến với tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với các hộ nông dân. Tuy nhiên, chính ông Ngô Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã cũng đã thừa nhận là: tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua hợp đồng còn thấp.
|
Xây dựng NTM giúp trẻ em vùng sâu có điều kiện học tập tốt hơn |
Không những các tiêu chí về vi phạm lấn chiếm đất rừng, nâng cao hoạt động của HTX, ngay cả những tiêu chí khác về môi trường và BHYT cũng rất dễ bị biến động theo từng năm và còn tồn tại nhiều bất cập. Thiên tai, dịch bệnh xảy ra hàng năm với nhiều diễn biến khó lường sẽ có những tác động trực tiếp đến cảnh quan cũng như thu nhập. Phần trăm người dân tham gia BHYT cũng không thể đoán định bởi sự trồi sụt theo thời gian. Câu chuyện này một lần nữa cho chúng ta thấy rõ sự thiếu vững chắc về nền tảng phát triển ở mỗi địa phương. Nếu không có sự rà soát kỹ lưỡng, hoạch định bằng những chiến lược, bước đi thận trọng, rất có thể chúng ta mải mê về đích trước mắt mà để lại rất nhiều lỗ hổng ở phía sau.
Mang câu hỏi, liệu có áp lực nào khiến các xã phải vội vàng hoàn thành các tiêu chí để kịp về đích hay không, ông Nguyễn Đình Khoát cho rằng: “Theo rà soát thì cuối năm nay có thể chỉ đạt 5 đến 7 xã. Với nhiều xã, trong từng tiêu chí cụ thể thì có thể châm chước, du di. Điều này phụ thuộc vào các ngành trong hội đồng thẩm định bỏ phiếu dựa trên thực tế. Ví dụ như có thể công nhận một số tiêu chí đã tiệm cận với quy định của tiêu chí đưa ra. 13 là tiêu chí của tỉnh giao, nếu năm nay không hoàn thành thì sẽ tiếp tục cố gắng trong năm sau. Phần lớn các xã được chọn đều đã có sự khảo sát thực tế kỹ càng, những xã được chọn cũng đều đã có nền tảng cơ bản, còn một số lý do không đạt thì sẽ tiếp tục nỗ lực để hoàn thiện”.
Xây dựng NTM, hay NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu với mục đích cuối cùng là tạo ra một môi trường sống thực sự lý tưởng cả về vật chất lẫn tinh thần cho người dân nông thôn. Điều này lại một lần nữa nhắc nhớ chúng ta về khái niệm “bền vững”, một khái niệm được đề cập xuyên suốt trong bất kỳ chủ trương, đường lối hoặc nghị quyết nào về lộ trình phát triển của tỉnh trong những năm vừa qua. Chưa bàn đến khái niệm nâng cao, nếu đường đi của NTM Lâm Đồng thiếu mất đi yếu tố bền vững, thì ngay trước mắt đời sống của người dân, bộ mặt nông thôn của Lâm Đồng chắc chắn sẽ tạo ra nhiều biến động lẫn những khoảng cách chênh lệch khó san lấp.
TUẤN LINH - HỒNG THẮM