Chi hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng thuộc Hội VHNT các DTTS Việt Nam. Là địa bàn Nam Tây Nguyên, có nhiều DTTS...
Chi hội Văn học nghệ thuật (VHNT) các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Lâm Đồng thuộc Hội VHNT các DTTS Việt Nam. Là địa bàn Nam Tây Nguyên, có nhiều DTTS và văn nghệ sĩ DTTS các tỉnh khác cư trú, Chi hội ngày càng khẳng định vai trò tập hợp đội ngũ văn nghệ sĩ (VNS) sáng tạo, sưu tầm, nghiên cứu những giá trị VHNT về con người và vùng đất này.
|
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Ảnh: M.Đạo |
Đến năm 2019, Chi hội đã có 12 hội viên (HV) trung ương đang hoạt động ở các chuyên ngành. Cụ thể, âm nhạc 3 người, hội họa 1 người, văn học 7 người và biểu diễn 1 người. Hầu hết các HV đều có quá trình hoạt động VHNT lâu năm, trong đó có nhiều HV từng là lãnh đạo các tổ chức sáng tác, biểu diễn, nghiên cứu, giảng dạy của tỉnh. Với năng lực và lòng đam mê, 5 năm qua, nhiều HV đã đóng góp đáng kể trong hoạt động của Chi hội nói riêng, hoạt động văn hóa - nghệ thuật của tỉnh Lâm Đồng nói chung. Nhà văn Nguyễn Thanh Đạm, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Lâm Đồng cũng đánh giá rất cao sự nỗ lực của HV Chi hội. Ông cho rằng, đây là hạt nhân nòng cốt để phát triển Chi hội, xứng tầm với nhiệm vụ chính trị và những tiềm năng của một vùng đất Nam Tây Nguyên.
Về lĩnh vực âm nhạc, từ năm 2014-2019, các nhạc sĩ Dương Toàn Thiên, Krajan Dick, Krajan Plin đã sáng tác nhiều tác phẩm thành công với nhiều đề tài khác nhau. Chi hội có khoảng gần 100 ca khúc đã được sáng tác, thu âm, đăng tải trên nhiều diễn đàn trung ương và địa phương. Các HV còn là những đạo diễn các chương trình nghệ thuật dân gian trong các dịp liên hoan, lễ hội toàn quốc, khu vực và cấp tỉnh, huyện… Một số nhạc sĩ còn viết giáo án đánh chiêng bằng tiếng địa phương để truyền dạy cho thiếu nhi dân tộc bản địa. Với lĩnh vực sưu tầm, lưu giữ văn hóa, một số HV đã được mời tham gia Hội đồng thẩm định nghệ thuật tại các sự kiện văn hóa lớn của tỉnh và nhiều hoạt động văn hóa - nghệ thuật của địa phương các cấp. Đó là “Ngày Văn hóa các dân tộc tỉnh Lâm Đồng”; các liên hoan nghệ thuật truyền thống tỉnh Lâm Đồng; các kỳ thi biểu diễn cồng chiêng của tỉnh và các huyện. HV Chi hội VHNT các DTTS Lâm Đồng còn tạo khá nhiều dấu ấn, thành tựu trong công tác nghiên cứu, sưu tầm văn hóa vật thể, phi vật thể, văn học dân gian (folklore) và lịch sử phát triển ở một số địa phương. Các HV còn tham gia ghi âm, ký âm dân ca đồng bào dân tộc khu vực Tây Nguyên như Kơho, Mạ, Churu, Mơnông, Êđê, Jrai, Bahnar… Đây là nguồn tư liệu quý, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa rất cần trân quý. Với khả năng hiểu biết chuyên sâu của mình, một số HV còn triển khai công tác nghiên cứu từ điển, phương ngữ dân tộc bản địa; tham gia các hội thảo khoa học…
Ở lĩnh vực văn học, các tác giả Trần Ngọc Trác, Trần Hoàng Vũ Nguyên, Nguyễn Thánh Ngã, Diệp Vy, Nông Quy Quy còn tích cực tham gia các hội nghị, hội thảo và các trại sáng tác của trung ương và tỉnh. Riêng tác giả Trần Ngọc Trác đã cho ra đời nhiều ấn phẩm ký sự, ghi chép, sưu tầm và cảm nhận như: Chuyện cũ Đà Lạt, 7 tập phát tại VTV; Ký ức Nam Ban; Nguyễn Đức Phúc - Chuyện thật như đùa; Duyên nợ Đà Lạt… Về mĩ thuật, họa sĩ Vi Quốc Hiệp tuy đã lớn tuổi nhưng sức sáng tạo vẫn rất sung mãn. Anh dành thời gian sáng tác tại nhiều địa phương trong cả nước, tham gia tổ chức triển lãm, quảng bá tác phẩm của mình, được đông đảo công chúng trong và ngoài nước yêu mến, trân trọng.
|
Chi hội tham gia tư vấn và tổ chức hoạt động văn hóa - nghệ thuật cho nhiều sự kiện của địa phương. Ảnh: M.Đạo |
Không chỉ là số lượng, trong 5 năm sáng tạo vừa qua, chất lượng nhiều tác phẩm của các HV cũng được khẳng định từ giới chuyên môn trung ương và trong khu vực với nhiều giải thưởng. Đơn cử, như âm nhạc, có tác phẩm K’Bing ơi em hãy về - Đi với gió của nhạc sĩ Krajan Plin; Chư Yang Sing, Gọi gió, Lắng đọng núi, LangBian tình mẹ… của nhạc sĩ Krajan Dick; Lang Biang gió, Mùa xuân nghe điệu then xứ Lạng, Khát, B’Lao một thuở bình minh… của nhạc sĩ Dương Toàn Thiên… Hay các tác phẩm văn học như Bên dòng Drap Sap; Thầm lặng bước quân hành, Chiều ơi chảy nhé của nhà thơ Nông Quy Quy;… Đáng trân trọng là, các tác giả đã tích cực phổ biến những sáng tạo của mình trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng cả nước, Tạp chí Lang Biang của Hội VHNT tỉnh Lâm Đồng và xuất bản thành sách theo phương thức “xã hội hóa”. Đó là các nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã, Diệp Vy, Nông Quy Quy, Trần Vũ Hoàng Nguyên, nhà văn Trần Ngọc Trác; họa sĩ Vi Quốc Hiệp; nhạc sĩ Dương Toàn Thiên. Hai nhạc sĩ Krajan Dick và Krajan Plin còn thực hiện DVD sưu tầm nghệ thuật tấu chiêng của dân tộc Kơho Lạch, DVD ca khúc tiếng Lạch, audio CD cho các em khiếm thị tỉnh Lâm Đồng và phục dựng các tác phẩm cộng đồng bằng tiếng Lạch v.v… Ở mảng lý luận phê bình, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quang Trung có nhiều công trình nghiên cứu nói chung, trong đó có một số tham luận về âm nhạc, văn hóa Tây Nguyên công bố tại các hội thảo khoa học uy tín…
Dĩ nhiên, 5 năm hoạt động của Chi hội VHNT các DTTS Lâm Đồng vẫn còn những hạn chế, tồn tại, chưa xứng tầm. Bản thân các HV trong Chi hội cũng nhìn nhận ra để đúc kết, đề ra trong hoạt động 5 năm tới. Đó là việc tổ chức quảng bá tác phẩm còn hạn chế do điều kiện kinh tế của HV còn khó khăn; những tác phẩm về đề tài DTTS ở các loại hình văn, thơ chưa được đầu tư đúng mức; việc sáng tác bằng ngôn ngữ dân tộc bản địa còn khiêm tốn do lực lượng HV là người dân tộc bản địa còn quá ít, chỉ 2 người. Đây cũng là hạn chế về việc phát triển đội ngũ HV là người DTTS, người địa phương như Kơho, Churu, Mạ… của Chi hội. Theo Chi hội trưởng, nhạc sĩ Krajan Dick, một trong những giải pháp là Hội trung ương cần có các dự án đào tạo, bồi dưỡng để tạo nguồn văn nghệ sĩ DTTS cho địa phương. Cùng đó là hỗ trợ kinh phí quảng bá tác phẩm, công trình sưu tầm, nghiên cứu, vừa khích lệ sức sáng tạo của HV nói riêng, thế hệ trẻ DTTS nói chung; vừa làm giàu đời sống tinh thần cho công chúng, cũng như cộng đồng DTTS. Việc làm này hết sức thiết thực để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các DTTS như chính sách của Nhà nước. Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Thanh Đạm cho rằng, bản sắc Nam Tây Nguyên trong các sáng tác còn mờ nhạt, vì vậy, mỗi HV cần nỗ lực tìm tòi, sáng tạo nhiều hơn; phải vào cuộc và thâm nhập, sống hết lòng với mảng đề tài này thì mới có những tác phẩm thành công.
MINH ĐẠO